Theo CarBuzz, không giống như những động cơ đối đỉnh phổ biến như flat-four của Subaru hay flat-six của Porsche, động cơ flat-12 của Ferrari là một "kỳ quan" ít được biết đến. Dù Ferrari nổi tiếng với nhiều loại động cơ V12 khác nhau, nhưng flat-12 lại thường bị bỏ qua trong lịch sử của hãng siêu xe Ý này.
Câu chuyện về flat-12 bắt đầu vào năm 1964, khi Ferrari thiết kế một động cơ mới cho chiếc xe đua Công thức 1 Ferrari 1512 sắp ra mắt của họ.
Ông Mauro Forghieri, người đứng đầu dự án, đã thành công trong việc thiết kế động cơ flat-12 đầu tiên trên thế giới, mang tên "Tipo 207", với dung tích 1.5 lít, công suất 227 mã lực và vòng tua máy lên tới 12.000 vòng/phút.
Động cơ flat-12 của Ferrari đã được sử dụng trong cả xe đua và xe thương mại trong suốt 33 năm tồn tại của nó. Tổng cộng, có 11 biến thể của flat-12, bốn trong số đó được sử dụng trong môn thể thao đua xe. Năm 1973, flat-12 lần đầu tiên được ứng dụng trên xe thương mại, cụ thể là chiếc Ferrari 365 GT4 BB.
Các phiên bản flat-12 mới và cải tiến đã tiếp nối phiên bản đầu tiên, được trang bị trên các mẫu xe Ferrari như Testarossa và 512 BB. Động cơ này được ca ngợi vì thiết kế nhẹ và khả năng tăng tốc nhanh, nhưng nó thiếu mô-men xoắn so với các mẫu xe siêu xe khác.
Năm 1996, lần cuối cùng Ferrari sử dụng flat-12 là trên chiếc Ferrari F512 M, sau đó động cơ này đã bị "khai tử".
Động cơ flat-12 không phải là một sản phẩm kỹ thuật đơn giản. Ferrari đã tìm cách cách mạng hóa động cơ và tái tạo lại bánh xe theo một cách nào đó. Ưu điểm chính của động cơ flat-12 là độ phẳng của nó so với hình chữ V của động cơ V8 hoặc V12. Điều này có nghĩa là nó có thể được gắn thấp hơn trong bất kỳ chiếc xe nào, dẫn đến trọng tâm thấp hơn.
Phiên bản đầu tiên của flat-12, Tipo 207, có bảy ổ trục chính, nhiều hơn ba so với bốn ổ trục thông thường trên hầu hết các động cơ đua xe thời đó, để giúp tăng cường sức mạnh cho phần dưới của nó.
Nó cũng tự hào có bốn trục cam và cacte bằng nhôm để giúp giảm trọng lượng động cơ. Các ống lót xi lanh bằng gang cũng được ép vào động cơ để hỗ trợ giảm nhiệt. Để giúp bảo trì trong ngày đua, máy phát điện, bơm nhiên liệu và bơm phun được đặt ngay trên đỉnh động cơ.
Một trong những lý do chính dẫn đến sự biến mất không may của flat-12 là vấn đề về bố trí. Những chiếc Ferrari được trang bị động cơ này phải cực kỳ rộng để phù hợp với kích thước lớn của flat-12. Điều này khiến những chiếc xe như Testarossa và F512 M nổi tiếng là khó lái qua những con phố châu Âu chật hẹp, và khi flat-12 tăng dung tích để cạnh tranh với các siêu xe khác, vấn đề này ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Một lý do khác cho sự sụp đổ của nó là vấn đề về quy định của liên bang. Vào năm 1995, các hạn chế về khí thải mới do chính phủ phê chuẩn đã được đưa ra, khiến flat-12 về cơ bản là bất hợp pháp để sử dụng trong một chiếc xe đường trường. Vì vậy, thay vì cải tiến hoàn toàn flat-12, Ferrari đã quyết định để nó chết dần chết mòn.