Đóng cửa nhà hàng và cơ sở giết mổ thịt chó đầu tiên tại Việt Nam

(PLVN) - Đây là hoạt động đầu tiên trong “Mô hình để thay đổi” - Mô hình chuyển đổi mới nhằm chấm dứt buôn bán thịt chó, tạo ra các chuyển đổi tích cực đối với hoạt động buôn bán thịt chó tại Việt Nam.
(Ảnh: HSI)

Ngày 18/11, tại Thái Nguyên, Humane Society International (HSI) Việt Nam kết hợp cùng Khoa Chăn nuôi thú ý – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã tổ chức thành công lễ khai trương Trạm cứu hộ động vật TUAF tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Buổi lễ có sự tham gia của các nhà quản lý, cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Các đại biểu tham gia cắt băng khánh thành Trạm cứu hộ động vật TUAF.

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Phúc, trưởng khoa chăn nuôi – thú y trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên mong muốn khi trạm cứu hộ đi vào hoạt động sẽ là địa chỉ tin cậy để các nơi gửi gắm yêu thương, lan toả công việc bảo vệ động vật đồng hành, góp phần cho xã hội ngày càng hạnh phúc và phát triển hơn.

Ngay sau lễ khai trương, HSI Việt Nam cùng các bên liên quan đã có mặt tại cơ sở giết mổ và nhà hàng thịt chó của ông Đàm Thế Hiệp. Người đầu tiên trong cả nước tham gia gia “Mô hình để thay đổi” (Models for Change) - Mô hình chuyển đổi mới được thực hiện bởi tổ chức HSI tại Việt Nam, nhằm giúp cộng đồng chuyển đổi sinh kế khỏi hoạt động buôn bán thịt chó nguy hiểm và vô nhân đạo.

Những con chó còn sống được tìm thấy tại sơ sở kinh doanh thịt chó của ông Hiệp. (Ảnh: HSI)

Ông Hiệp (40 tuổi) sống tại Thái Nguyên, đã mong muốn hợp tác với HSI Việt Nam để đóng cửa vĩnh viễn cở sở kinh doanh thịt chó của mình và chấm dứt hoàn toàn việc giết mổ chó, vì ông hiểu rằng việc giết mổ này mang lại nhiều điều không tốt đẹp cho gia đình ông. Trước đó, cửa hàng thịt chó của ông Hiệp thường giết mổ từ 10 đến 15 con chó mỗi ngày.

Đàn chó chuẩn bị được bàn giao cho HSI Việt Nam.

Có mặt tại hiện trường, HSI Việt Nam đã giúp giải cứu 20 con chó còn sống được tìm thấy tại cơ sở và thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh nhà hàng thịt chó. Ngay sau khi được cứu, đàn chó đã được tiêm phòng bệnh dại và các bệnh phổ biến khác ở chó. Đồng thời được di chuyển đến Trạm cứu hộ động vật TUAF, nơi chúng đang được chăm sóc y tế cần thiết trước khi được xem xét chuyển đến những gia đình nhận nuôi trong nước và quốc tế.

Trạm cứu hộ động vật TUAF, nơi tiếp nhận 20 con chó được giải cứu.

Sau khi đóng cửa cơ sở kinh doanh thịt chó của mình, ông Hiệp sẽ được HSI Việt Nam hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh. Thay vì mô hình kinh doanh động vật đồng hành, ông Hiệp sẽ chuyển sang các mô hình kinh doanh khác mang tính hỗ trợ cộng đồng như dịch vụ nông nghiệp, bán hàng tạp hóa, bán trà, bán bia và đồ ăn nhẹ chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật….

Giám đốc HSI Việt Nam, bà Thẩm Phượng chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi mang chương trình “Mô hình để thay đổi” về Việt Nam. Việc buôn bán thịt chó không chỉ tàn ác đến khó tin, mà còn tiểm ẩn nguy cơ vô cùng nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người từ việc lây truyền các bệnh có khả năng gây chết người như bệnh dại. Ông Hiệp là người đầu tiên tham gia chương trình đem đến cho chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người bỏ nghề buôn bán nguy hiểm này, giúp chính phủ đạt được mục tiêu đến năm 2030 loại trừ nguy cơ tử vong do bệnh dại ở người có tiếp xúc với chó.”

Bà Thẩm Phượng tự hào khi mang chương trình “Mô hình để thay đổi” về Việt Nam. (Ảnh: HSI)

Bà Thẩm Phượng hy vọng chương trình “Mô hình để thay đổi” sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Việt Nam nhằm cung cấp cho những người lao động sinh kế thay thế và hiệu quả về kinh tế, đồng thời hỗ trợ Chính phủ trong nỗ lực loại trừ bệnh dại.

Theo đó, mối liên hệ giữa việc lây truyền bệnh dại và buôn bán thịt chó ở Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới xác định rõ ràng, và việc loại bỏ bệnh dại đang bị cản trở bởi sự tiếp diễn của các hoạt động buôn bán thịt chó. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chứng minh rằng một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân bị nhiễm vi rút sau khi tiếp xúc với chó không phải do bị cắn mà do giết, mổ, và ăn thịt.

HSI đã thực hiện thành công chương trình “Mô hình để thay đổi” (Models for Change) tại Hàn Quốc từ năm 2015, nơi HSI đóng cửa 17 trại chó và giải cứu được hơn 2.500 con chó. Những nông dân ở đó mong muốn từ bỏ nghề buôn bán thịt chó đã được giúp đỡ để chuyển sang các sinh kế bền vững hơn như trồng ớt hoặc rau mùi tây.