Việc tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho người làm công tác hòa giải luôn được quan tâm thực hiện, thường xuyên tổ chức tập huấn, triển khai, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở; triển khai phổ biến các nội dung cơ bản Hiến pháp, các luật, bộ luật mới được Quốc hội ban hành, những văn bản pháp luật quan trọng trên nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức và người dân ở cơ sở.
Đồng thời, biên soạn, in ấn và cấp phát hơn 5.370 bộ tài liệu tập huấn; 2.000 cuốn Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; cấp phát 171 cuốn sách “Sổ tay hỏi đáp pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Hiện tại, toàn tỉnh có 1.070 tổ hòa giải với 6.018 hòa giải viên, tính trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 05 đến 06 hòa giải viên. Đối với kết quả hoạt động, tính từ năm 2014 đến 06 tháng đầu năm 2016 đã tiến hành hòa giải 7.014 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 5.412 vụ, việc, đạt tỉ lệ 77%. Công tác kiểm tra về hoạt động hòa giải ở cơ sở được chú trọng, nội dung kiểm tra tập trung vào hoạt động ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên; việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động hòa giải.
Đặc biệt, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND ngày 14/7/2016 về “Quy định nội dung chi, mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân; công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh”.
Ngoài ra, Đồng Nai cũng tổ chức các hội thi, các cuộc giao lưu giữa những người làm công tác hòa giải, nổi bật là tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai” lần thứ III ở cả 03 cấp xã, huyện, tỉnh với sự tham gia của 675 hòa giải viên, có 1.460 lượt người dự cổ vũ, kết quả đã chọn ra đội dự thi xuất sắc đại diện cho tỉnh Đồng Nai tham dự Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III do Bộ Tư pháp tổ chức vào tháng 11/2016.
Thực tế những năm vừa qua cho thấy, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, phát huy tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, hạn chế vi phạm pháp luật và đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Qua thực tiễn hoạt động có thể rút ra một số kinh nghiệm đó là:
Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở phải được thực hiện thường xuyên, sâu rộng với các hình thức đa dạng, phong phú đến từng tổ, ấp, khu phố.
Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về công tác hòa giải ở cơ sở.
Ba là, cơ quan tư pháp địa phương cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Bốn là, làm tốt công tác cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật như các đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp quy định pháp luật, tờ gấp, sách pháp luật và các tài liệu cần thiết khác cho những người làm công tác hòa giải ở cơ sở.
Năm là, kịp thời đánh giá hoạt động hòa giải ở cơ sở, khen thưởng những cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong hoạt động, đồng thời đảm bảo tốt nhất các điều kiện vật chất, kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác này trong thời gian tới.