Đồng Nai tìm giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 3/7, Viện Nghiên cứu Kinh doanh - ĐH Kinh tế TP HCM cùng UBND Tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
GS-TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh - ĐH Kinh tế TP HCM phát biểu tại hội thảo.
GS-TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh - ĐH Kinh tế TP HCM phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, những thách thức về hạ tầng trong tương lai đối với Đồng Nai là rất lớn. Hạ tầng không chỉ cần tính đồng bộ mà còn phải thông minh và gắn với tăng trưởng xanh để phát triển bền vững. Ông Đức đề nghị các sở ngành, địa phương trên cơ sở đề cương nghiên cứu của đơn vị thực hiện, cung cấp đầy đủ, chính xác số liệu, thực tiễn trong lĩnh vực mình quản lý, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án, giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Trong tham luận thực trạng phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho rằng, hệ thống giao thông của Đồng Nai đã có những bước tiến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu vận tải. Đến nay, trên toàn tỉnh đã phát triển khoảng 78.447 km đường, gồm 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 258 km. Toàn tỉnh có 18 cảng biển đang hoạt động; đường hàng không đang triển khai thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành - dự kiến hoàn thành trong năm 2025…

Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai.

Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai.

Sở Thông tin Truyền thông chia sẻ, Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông. Về hạ tầng số, tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 86.35% và 100% xã phường đã có mạng cáp quang. Nhân lực số của tỉnh cũng rất đáng chú ý với hơn 6.000 lao động trong ngành công nghiệp ICT, tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp CNTT, viễn thông trên địa bàn tỉnh. Hoạt động chính quyền số của tỉnh cũng đã có những bước tiến đáng kể.

Trao đổi về hạ tầng cấp thoát nước đô thị, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, địa bàn tỉnh có khoảng 22 nhà máy nước xử lý nước phục vụ sản xuất, cấp nước sinh hoạt các khu đô thị và khu dân cư tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 623.410 m3/ngày đêm (đã tăng thêm khoảng 255.600 m³/ngày, trong đó công suất khai thác nước ngầm là khoảng 30.000 m³/ngày đêm). Các điểm ngập này đã cơ bản được khắc phục, tuy nhiên số điểm ngập mới, tái ngập tiếp tục xảy ra hàng năm và xuất hiện thêm ở nhiều địa phương khác nên đến giữa năm 2023 đã có tới 39 điểm ngập và hiện nay còn 18 điểm ngập đang được tiếp tục xử lý…

Trình bày tại hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh doanh - ĐH Kinh tế TP HCM đã lược khảo các nghiên cứu về phát triển hạ tầng kinh tế trong và ngoài nước cùng với các lý thuyết về phát triển kinh tế, lý thuyết về tăng trưởng kinh tế khu vực và lý thuyết về đầu tư công. Mô hình hạ tầng cốt lõi được đề xuất để phát triển kinh tế ở tỉnh Đồng Nai bao gồm 5 thành tố: Hạ tầng giao thông; hạ tầng năng lượng; hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng cấp thoát nước và các công trình thủy lợi; hạ tầng xử lý chất thải.

Hội thảo cũng đã đưa ra các cơ sở khoa học, thực trạng, kiến nghị và giải pháp góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế của tỉnh Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới.

Các kết quả này sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Hội thảo cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, tạo ra những bước tiến mới trong phát triển hạ tầng kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị đơn vị thực hiện đề tài thu thập các thông tin, nghiên cứu lý luận, thực tiễn một cách toàn diện, sâu sát, khoa học để có đề tài nghiên cứu chất lượng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới được thuận lợi và đạt kết quả cao hơn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển nhanh nhất Việt Nam, với vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và hiện đại. Tỉnh Đồng Nai đang tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn, bao gồm giao thông, năng lượng, thông tin truyền thông, và các công trình thủy lợi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự phát triển không ngừng, Đồng Nai đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đọc thêm