Thành tựu từ quyết tâm, hành động
Vốn phong thái sôi nổi, chân tình, Bí thư Huyện ủy vùng biên ải tường tận phác họa đường hướng phát triển; về mục tiêu, quyết tâm vượt lên gian khó của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên dải đất biên cương.
Bí thư Phạm Văn Cường tâm sự, Đức Cơ là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Gia Lai, có 35km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia, giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám làm vì dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đức Cơ chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, giành nhiều thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt, diện mạo vùng đất biên giới với nhiều bức tranh đa sắc đã tạo niềm tin, tiền đề nhằm “tăng tốc” thực hiện những mục tiêu mới cao hơn, nhanh hơn.
Chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo làm động lực phát triển đang trở thành dòng chảy xuyên suốt, nhất quán, từ hoạch định chủ trương, xác định giải pháp đến lựa chọn hướng đi phù hợp nên từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đức Cơ đã có bước chuyển khá toàn diện, vững chắc với mục tiêu: “Phát huy mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, phấn đấu xây dựng Đức Cơ thành vùng kinh tế động lực phía Tây tỉnh Gia Lai”.
Xác định sản xuất nông nghiệp là chủ lực, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, Đức Cơ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên nền tảng phát triển cây công nghiệp dài ngày với diện tích, sản lượng lớn gồm: cao su 13.000ha, điều 26.000ha, cà phê 9.000ha, sầu riêng gần 1.000ha, hồ tiêu 680ha và các loại cây ăn quả khác. Đồng thời chú trọng phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với 27 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 23 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
Từ xác định trúng hướng đi nên cơ cấu kinh tế của Đức Cơ chuyển dịch tích cực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với tổng diện tích 41.860ha, tập trung tại Ia Kla, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty. Các xã nằm trong khu kinh tế có bước phát triển vượt bậc, trong đó xã biên giới Ia Dom trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 với trên 30km qua huyện đã hoàn thành, góp phần phát triển hệ thống đường bộ kết nối Đức Cơ với các tỉnh, thành phố phía Đông của nước bạn Campuchia.
![]() |
Thường trực Huyện ủy Đức Cơ gặp gỡ, động viên người có uy tín các dân tộc chung sức phát triển kinh tế - xã hội. |
Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện đặc biệt chú trọng đến phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ với việc xây dựng phương án phát triển Cụm công nghiệp huyện Đức Cơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với diện tích 75ha tại thôn Ia Kăm, xã Ia Kriêng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được đầu tư xây dựng khá đồng bộ theo hướng phát triển đô thị. Tại đây có 40 dự án đầu tư kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 643,87 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 266,55 tỷ đồng, đạt 41,4% tổng vốn đăng ký. Trong 40 dự án được cấp phép có 5 dự án là địa điểm kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu tập trung.
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện nay, các tuyến đường giao thông đến khu vực biên giới, kết nối Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với nội địa được hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển và liên kết với các vùng trong cả nước và nước bạn Cam-pu-chia.
Quốc lộ 19 nối giữa tỉnh Bình Định và Gia Lai, tuyến xuất phát từ cảng Quy Nhơn tỉnh Bình Định và kết thúc tại Cửa khẩu Lệ Thanh cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác. Đây là tuyến đường có vai trò rất lớn trong thông thương hàng hóa qua khu vực cửa khẩu. Đồng thời Quốc lộ 14C được đầu tư xây dựng, kiên cố hóa và chạy dọc biên giới từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Đắk Lắk. Mỗi năm có hàng nghìn tấn hàng hóa, nông sản như chuối, mì lát, sầu riêng, cà phê, hạt điều… được vận chuyển qua cửa khẩu để vào sâu nội địa Việt Nam hoặc ra cảng Quy Nhơn để xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh không chỉ giữ vai trò động lực trong kết nối giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai. Hy vọng khu vực này sẽ trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế vùng biên giới và thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược trong tương lai.
Đã lộ rõ quyết tâm, bước đi, cách làm trong hành trình đổi mới, Đảng bộ huyện Đức Cơ không chỉ xác định tăng trưởng kinh tế một cách đơn thuần mà còn phải gắn liền với xây dựng xã hội nhân ái, nghĩa tình trong từng chính sách, trong từng giải pháp căn cơ. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, các phong trào tương thân, tương ái tiếp tục được phát động rộng rãi, đồng bộ và thực chất.
Trong hành trình dựng xây, kiến thiết, lấy đổi mới phương thức lãnh đạo làm động lực phát triển đã và đang trở thành dòng chảy xuyên suốt, nhất quán trên vùng biên giới Đức Cơ. Sự gương mẫu, nêu gương từ những người đứng đầu cấp ủy với phương châm “không kêu khó, chỉ bàn làm, không bàn lùi” đã lan tỏa, thu hút, “kéo” cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc vì một tương lai, tiền đồ rộng mở.
Bước đi, cách làm với tầm nhìn của đội ngũ cán bộ biết kiến tạo, lo cho dân đã và đang mang lại cho Đức Cơ những bước tiến vững chắc, toàn diện.
Tiếp đà thắng lợi, vun đắp niềm tin đi tới
Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Cường khẳng định: “Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đưa vùng đất biên giới Đức Cơ phát triển, khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng, dẫn dắt đồng bào các dân tộc thoát nghèo, làm giàu; bảo vệ vững chắc dải đất biên cương Tổ quốc”.
Trong thời gian tới, huyện sẽ có nhiều chủ trương mới, tập trung thu hút đầu tư; chú trọng phát triển hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh gắn với xây dựng thị trấn Chư Ty. Tập trung vào 3 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII và 5 chương trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các xã vùng III, khu vực biên giới, cửa khẩu, thúc đẩy mối quan hệ, giao thương hiệu quả giữa 2 tỉnh Gia Lai và Ra-ta-na-ki-ri (Campuchia).
![]() |
Cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh Ngọc Sang |
Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định, để hoàn thành mục tiêu xây dựng Đức Cơ thành vùng kinh tế động lực phía Tây, sẽ tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm. Triển khai thực hiện hiệu quả 2 đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng cây điều. Hoàn thiện các nội dung, tiêu chí xây dựng thị trấn Chư Ty trở thành đô thị loại IV, khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trở thành đô thị loại V.
Cùng với đó, một trong những giải pháp lâu dài, căn cơ được xác định là phát triển du lịch. Năm 2016, khi cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk) được công nhận là Cây di sản Việt Nam, Đức Cơ có thêm nguồn lực mới về du lịch. Từ khi Cột mốc số 30 và Quốc môn Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được khánh thành, hoạt động du lịch có tín hiệu khởi sắc, thu hút đông đảo du khách đến với vùng biên giới.
Đề án phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030 tập trung đầu tư xây dựng Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty, kết nối với các điểm du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Thác Ông Đồng (xã Ia Pnôn) và rừng Giáng Hương nguyên sinh tại xã Ia Kriêng… kết hợp tham quan, du lịch giải trí và thưởng thức văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người Gia Rai bản địa.
Những ngày tháng Tư lịch sử này, giữa xanh thẳm biên cương, Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Cường khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đức Cơ phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, khơi thông mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh Gia Lai”.