Theo đó, dự án khu nhà ở tại phường Xuân Hòa, TP. Long Khánh có diện tích hơn 39ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.832 tỷ đồng, hiện trạng đất chưa giải phóng mặt bằng, chủ yếu là đất ở, đất nông nghiệp, đất giao thông, tôn giáo.
Về tiến độ, giai đoạn chuẩn bị dự án từ năm 2021 đến năm 2023; giai đoạn thi công, hoàn thành đưa dự án vào khai thác sử dụng từ năm 2024 đến năm 2026. Khu đất này sẽ đầu tư xây dựng mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội tạo nên một khu đô thị sinh thái kiểu mẫu tại phường Xuân Hòa.
Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 14/9/2021.
Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 TP. Long Khánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định được phê duyệt, TP. Long Khánh có diện tích hơn 19,2 ngàn ha gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP. Long Khánh. Về quy mô dân số, đến năm 2030, TP. Long Khánh có khoảng 218 ngàn người, trong đó khu vực nội thị khoảng 162 ngàn người. Đến năm 2040, dân số thành phố đạt 257 ngàn người, trong đó khu vực nội thị khoảng 199 ngàn người.
Cũng theo quyết định này, mục tiêu quan điểm lập quy hoạch là nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP. Long Khánh. Cụ thể hóa vai trò, nhiệm vụ của TP. Long Khánh trong quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng phát triển không gian đô thị, xác định hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phù hợp với xu thế phát triển của từng giai đoạn kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng, cảnh quan độ thị đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ tốt môi sinh, môi trường...
Về tính chất quy hoạch, quyết định cũng nêu rõ, TP. Long Khánh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, đô thị trung tâm vùng phía Đông tỉnh, cực phát triển đối trọng phía Đông vùng TP. HCM. TP. Long Khánh sẽ là trung tâm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ của tỉnh và vùng TP. HCM; trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng; trung tâm giao thương hàng hóa và kho vận nông lâm sản của tỉnh; trung tâm du lịch sinh thái nông nghiệp, văn hóa lịch sử cấp vùng; đồng thời, là đầu mối giao thông của vùng, cửa ngõ giao thương liên kết các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên.