Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cùng khoảng hơn 400 người dân địa phương, trong đó phần lớn là những người dân nằm trong ở khu vực sẽ bị thu hồi đất để triển khai Dự án sân bay Long Thành.
Long Thành là một huyện có diện tích 431,01 km² với quy mô dân số trên 20.000 người, nằm ở phía nam tỉnh Đồng Nai và có một vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ: nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60Km, cách Biên Hòa 33Km, Vũng Tàu 60Km, và cách Bình Dương khoảng 40Km.
Long Thành có một vị trí thuận lợi về hệ thống giao thông vận tải bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt. Hệ thống đường giao thông do trung ương đầu tư gồm các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn Long Thành gồm: tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; tuyến đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành. Đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51B đạt tiêu chuẩn cấp II với 4-6 làn xe để thực hiện chuyển giao QL 51A đoạn ngang qua thị trấn Long Thành cho địa phương quản lý. Các tuyến đường tỉnh gồm đường tỉnh 769, đường tỉnh 319 đoạn đi qua địa bàn huyện; đường nối liền Cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cẩm Mỹ với các tỉnh Nam Trung bộ; tỉnh lộ 25B từ QL51 đi Nhơn Trạch; tỉnh lộ 25C từ Cụm cảng hàng không Quốc tế Long Thành đi Nhơn Trạch; xây dựng tuyến đường tỉnh ở khu vực kho trung chuyển miền Đông đi Biên Hòa. Trong tương lai, việc hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành với diện tích 5.000 hecta và công suất 80-100 triệu lượt hành khách/năm sẽ càng tạo nhiều cơ hội cho việc thu hút đầu tư trực tiếp và phát triển kinh tế-xã hội.
Là một địa bàn trọng điểm cho việc phân bố các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đồng thời là trục lộ giao thông chính của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Long Thành luôn chiếm một tỷ trọng cao: cụ thể trong năm 2016 tỷ trọng của khu vực này là 84,11%, trong khi đó dịch vụ chiếm 12,6% và nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3,2%. Đặc biệt khi Cụm sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động các dịch vụ như bất động sản, tài chính, ngân hàng sẽ có tiềm năng phát triền rất mạnh.
Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành phát biểu tại buổi tọa đàm |
Tất cả những đặc trưng nêu trên làm cho Long Thành có một cơ hội cũng như nhiều thách thức trong việc phát triển kinh tế và thúc đẩy khởi nghiệp.
Vấn đề đặt ra ở đây chính là làm thế nào để định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp thích hợp cho huyện Long Thành, đặc biệt trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thừ 4. “Đây là lý do UBND huyện Long Thành tổ chức buổi tọa đàm phát triển khởi nghiệp tại huyện Long Thành giai đoạn 2017-2020”, ông Ngô Thế Ân nói.
Theo đó, Chương trình “Phát triển khởi nghiệp tại huyện Long Thành giai đoạn 2017-2020" hướng đến viêc trả lởi các câu hỏi như sau: Những yếu tố nào trong hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tác động đến sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp kinh doanh trên địa bàn khu vực?; Thực trạng hình thành và phát triển của những yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại huyện Long Thành trong thời gian vừa qua?; Định hướng hệ sinh thái khởi nghiêp của Huyện Long Thành là gì: Công nghiệp công nghệ cao? Nông nghiệp công nghệ cao? Dịch vụ công nghệ cao? Hay kết hợp các định hướng nêu trên?
Toạ đàm cũng đưa ra các giải pháp nhằm làm thế nào để hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Đồng Nai; Các mục tiêu và giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu phát triển khởi nghiệp của địa phương. Đồng thời, chú trọng thảo luận những chính sách cần được ưu tiên thực hiện để phát triển khởi nghiệp.