Hôm qua (27/2), tại Hưng Yên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TCty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tổ chức Lễ phát động thi đua xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Dự án này gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 519km, tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các dự án thành phần đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thành, đóng điện vào tháng 6/2024.
Xin nhấn mạnh, đây là các dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực lưới điện truyền tải 500kV Bắc - Trung, nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, giữ vị trí quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia.
Với tầm quan trọng đó, dự án hoàn thành chủ trương đầu tư trong thời gian rất ngắn (khoảng 4 tháng). Phải nói là dự án nào chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước là cơ chế chính sách, sau là giải phóng mặt bằng (GPMB). Giải phóng và bàn giao mặt bằng chậm, cũng do cơ chế chính sách.
Trở lại dự án đường dây mạch 3, tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mặt bằng vị trí móng đạt 97% và quy định về khoảng cách liên quan hành lang tuyến đạt khoảng 46%. Trong đó, đã có 7/9 địa phương đã hoàn thành bàn giao toàn bộ vị trí móng cột, 2 địa phương Nghệ An và Thanh Hóa đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để bàn giao vị trí móng cột cho nhà thầu thi công... Thế nhưng, dự án vẫn còn một số vướng mắc trong chuyển đổi rừng tại một số địa phương.
Chúng ta từng chứng kiến những khó khăn trước đây như định giá và áp giá đền bù, không chỉ cho người dân bị thu hồi đất mà cả các đơn vị có các hạ tầng kỹ thuật cần phải di dời. Nay trong việc GPMB, xuất hiện nhiều khó khăn khác như liên quan rừng, đất rừng; không chỉ do cá nhân mà cả do các lâm, nông trường quản lý. Đấy là chưa nói đến việc đất ở, hạ tầng kỹ thuật cho đời sống dân sinh ở các khu tái định cư đáng ra phải “đi trước một bước”, nhưng ở một số địa phương triển khai rất chậm.
Nói cách khác, để trong tương lai những dự án trọng điểm được tổ chức triển khai thực hiện nhanh hơn nữa; thì không chỉ các nhà thầu phải thi công với phương châm "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "xuyên lễ, xuyên ngày nghỉ"; mà còn phải rà soát xem xét các quy định pháp lý liên quan. Như dự án triển khai mà có diện tích nào đó liên quan đến rừng, thì Luật Lâm nghiệp đã quy định hay chưa, có phù hợp với thực tế, với các đạo luật khác hay không? Hiện nay Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội ban hành, đầu năm 2025 sẽ có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, cần thiết tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về đất đai, liên quan đến đất đai. Đó cũng chính là một trong những động thái hữu hiệu gỡ vướng cơ chế chính sách.