Phương án một giá kéo lùi lịch sử
Đó là nhận xét của Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam. “Tôi rất ngạc nhiên khi tư vấn vẫn đưa vào đề án phương án đồng giá điện. Phương án này kéo lùi lịch sử ít nhất 20 năm, vì từ năm 1994 chúng ta đã áp dụng biểu giá điện luỹ tiến bậc thang” – Giáo sư Long cho biết.
Không chỉ ông Long, các chuyên gia đầu ngành có mặt tại hội thảo đều đồng thuận với phương án biểu giá điện luỹ tiến bậc thang. Lý do đơn giản là vì sản xuất điện đều “ăn” vào những tài nguyên không tái tạo trong khi cung ứng trong nước cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do đó cần áp dụng biểu giá điện luỹ kế bậc thang để khuyến khích sử dụng tiết kiệm.
Về tác động xã hội, bản thân tư vấn của EVN khi đề ra phương án đồng giá (1.747 đồng/kWh) cũng thừa nhận so với quy định hiện nay, nếu chuyển sang phương án này thì sẽ khiến các hộ dùng điện ít và trung bình (khoảng dưới 240 kWh/tháng) sẽ phải trả thêm tiền; trong khi các hộ dùng nhiều, từ 300 kWh/tháng trở lên thì được giảm.
Cụ thể, các hộ nghèo (sử dụng 50 kWh) sẽ phải trả thêm 13.150 đồng; hộ sử dụng 100kWh/tháng phải trả thêm 23.850 đồng trong khi “hộ giàu”, sử dụng 400kWh/tháng lại giảm được 105.150 đồng; hộ sử dụng 500 kWh thậm chí được giảm tới 189.150 đồng.
Nhiều bậc không thành vấn đề
Cho nên, vấn đề cần phải thảo luận thêm chỉ là việc nghiên cứu, tính toán cách chia bậc thang sao cho hợp lý. Viện sĩ Long cho rằng, việc tư vấn đề án đánh giá cơ cấu biểu giá điện hiện hành (6 bậc) có nhược điểm vì nhiều mức giá gây ra những khó khăn trong quản lý ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện… là không xác đáng. Điều này có thể giải quyết đơn giản chỉ với một phần mềm máy tính và thực tế thì nhiều nước trên thế giới còn chia biểu giá điện lên tới 9 bậc, ngoài ra phân biệt theo giờ trong ngày.
Bài toán cần giải quyết, theo ông Long, đó là khoảng chênh lệch giá giữa các bậc thang hiện nay là khá cao, khiến cho hoá đơn tiền điện tăng “giật cục” mỗi khi nhu cầu tiêu thụ của khách hàng tăng đột biến như trong đợt nắng nóng bất thường vừa qua, gây bức xúc dư luận.
Theo bảng thống kê số hộ mua điện theo biểu giá bậc thang năm 2014 thì tỷ lệ số hộ sử dụng điện từ 50kWh trở xuống chiếm 21,7%; từ 51 đến 100kWh là 25,02%; trên 100-150kWh là 20,82%; trên 150-200kWh: 12,81%; trên 200-300kWh: 10,84%; trên 300-400kWh chỉ 4,05% và trên 400kWh là 4,67%. Các chuyên gia cho rằng, cần căn cứ vào thực tế này để tính toán lại khung bậc thang và bước giá cho phù hợp nhất, dù biết rằng sẽ không có giải pháp nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lấy ví dụ từ tỉnh Sóc Trăng, cho rằng 1,3 triệu dân tỉnh này, có không quá 100 nghìn người dùng quá 400kwh/tháng, từ đó đề nghị phương án giá điện cần có sự hỗ trợ thiết thực cho người nghèo và số đông.
Nghiêng về việc áp dụng 4 bậc giá
Đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đề án, ông Nguyễn Thiến Thỏa (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) cho biết, trong 3 phương án được đề xuất (giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay, đưa về 1 mức giá hoặc rút gọn từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc), phía tư vấn nghiêng về phương án thứ ba.
Vị này cho rằng, phương án rút gọn về 3 hoặc 4 bậc thang như vậy là phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay. Theo đó, sẽ có 4 kịch bản cho phương án 3 bậc thang. Kịch bản 1: bậc 1: 50 kWh đầu tiên; bậc 2: 250 kWh tiếp theo; bậc 3: trên 300kWh. Kịch bản 2: 100 - 200 - trên 300kWh. Kịch bản 3: 150 -150 - trên 300kWh. Kịch bản 4: 200 - 200kWh - trên 400kWh.
Đối với phương án rút gọn về 4 bậc thang, bậc 1 được tính đến 50 kWh đầu tiên. Bậc 2: 150 kWh tiếp theo. Bậc 3: 200kWh tiếp theo. Bậc 4: trên 400kWh. “Cá nhân tôi chọn việc áp dụng phương án 4 bậc thang” – ông Thỏa trao đổi riêng với Pháp luật Việt Nam.