Đồng tiền tiết kiệm nghĩa tình

(PLO) - "Đã từng là cán bộ hội đoàn thể, tham gia làm cánh tay nối dài đưa đồng vốn chính sách đến người dân, tôi hiểu rất rõ vai trò hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc cùng người dân xóa đói giảm nghèo..."
Bà Đỗ Thị Hồng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Tân Hòa. Ảnh: Trần Việt

"Chính vì thế, khi Ngân hàng tổ chức nhận gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, tôi đã lựa chọn gửi tiền qua NHCSXH, vừa thuận tiện, vừa biết rằng đồng tiền tiết kiệm của mình đang góp phần hỗ trợ những gia đình quanh mình vượt qua khó khăn, vững bước phát triển kinh tế” – chị Vũ Thị Thanh Tâm (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) tâm sự với chúng tôi như vậy.

Trong phiên giao dịch của NHCSXH huyện Vũ Thư tại xã Tân Hòa hôm đó, chị Tâm là một trong những người đến gửi tiền tiết kiệm theo chương trình nhận tiền gửi tiết kiệm của cư dân tại điểm giao dịch xã.  Chị đem gửi 20 triệu đồng, thời hạn 1 năm là số tiền chị tích cóp từ sản xuất, chăn nuôi thời gian qua.

Chị chia sẻ: “Đã từng là cán bộ hội đoàn thể, giờ lại công tác ở ủy ban xã, tôi nhận thấy NHCSXH hoạt động tốt, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đồng tiền gửi qua NHCSXH tạo thành vốn cho người nghèo và các đối tượng khác vay để cải thiện cuộc sống. Tôi có niềm tin đối với ngân hàng này nên đã quyết định đem số tiền tích cóp được từ sản xuất, chăn nuôi đem đến đây gửi tiết kiệm”.

Chị Tâm đã từng có điều kiện tiếp xúc và cũng quen biết ít nhiều hoạt động của các ngân hàng khác trên địa bàn, nhưng khi NHCSXH có dịch vụ nhận tiền tiết kiệm của người dân tại điểm giao dịch xã, chị đã chuyển qua sử dụng dịch vụ của ngân hàng này. “Thú thực, trước khi có điều kiện để dành tiền để gửi tiết kiệm như thế này, tôi đã từng là người vay nguồn vốn giải quyết việc làm cách đây 3 năm. Giờ, đời sống khá hơn, tôi muốn sử dụng đồng tiền của mình một cách có ích. Gửi tại NHCSXH, tôi tin là tôi lựa chọn đúng, vừa có lợi cho mình vừa gián tiếp hỗ trợ cho cộng đồng” – chị nói.

Sau khi chị Tâm nhận sổ tiết kiệm, ông Đặng Quý Toàn (61 tuổi, ở cùng xã) cũng đến gửi tiết kiệm. Ông vui vẻ kể, không những ông đem tiền gửi NHCSXH mà còn vận động con cái họ hàng đem gửi tiền ở đây: “Ngân hàng giao dịch ở xã, đi lại cũng tiện. Với cả, tôi có niềm tin với ngân hàng này, khi nhiều năm chứng kiến cán bộ ngân hàng phục vụ người dân tận tình, ngoài phiên giao dịch còn đến các nhà dân vừa kiểm tra việc sử dụng vốn, vừa tư vấn cho người dân phương thức sử dụng vốn hiệu quả. Từ lâu, người dân quê tôi coi hoạt động của NHCSXH là một phần trong đời sống kinh tế xã hội ở đây. Tôi đem tiền gửi, vừa được ngân hàng trả lãi, vừa góp phần nào để có vốn cho người nghèo vay. Một nhà gửi ít tiền, nhưng nhiều người như tôi gộp lại thì có lẽ sự đóng góp đó là không nhỏ, coi như cũng là có ích cho xã hội”.

Bên cạnh việc nhận tiền gửi của hộ nghèo và đối tượng chính sách thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn đã trở nên quen thuộc nhiều năm qua, từ tháng 10/2016, NHCSXH đưa vào hoạt động dịch vụ  nhận tiền gửi tiết kiệm của cá nhân và dân cư tại Điểm giao dịch xã. Ông Vũ Văn Thuân – Phó giám đốc NHCSXH chi nhánh Thái Bình – cho hay, ngay sau khi NHCSXH Việt Nam có văn bản hướng dẫn, chi nhánh tổ chức tập huấn tới 100% cán bộ, đề nghị Trung ương bổ sung Sổ tiết kiệm và tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung nhận tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại Điểm giao dịch xã.

“Dịch vụ của NHCSXH có những ưu thế riêng, như chúng tôi có Điểm giao dịch tại xã, có phiên giao dịch tại xã và đây là nơi chúng tôi có thể niêm yết thông tin và tuyên truyền trực tiếp tới người dân. Ở  một số địa bàn, việc tuyên truyền còn được thực hiện qua hệ thống loa phát thanh. Hơn nữa, với khoản tiền gửi 500.000 đồng một lần, vừa sức với khả năng tiết kiệm của người nông dân, nhưng lại là khoản tiền nhỏ mà các ngân hàng thương mại khác không mấy mặn mà. Chúng tôi lại có ưu thế ở hệ thống Tổ trưởng, cán bộ đoàn thể, và thực tế chứng minh phương thức tuyên truyền kiểu “cháy lan” đang mang lại hiệu quả khi chính những người này về tuyên truyền lại cho gia đình, làng xóm nhà mình” – ông Thuân cho biết.

Đến cuối năm 2016, số tiền tiết kiệm của cư dân qua Điểm giao dịch xã đã đạt hơn 4,28 tỷ đồng, trong đó có những huyện đạt cao như Vũ Thư (trên 1 tỷ đồng), Đông Hưng (trên 790 triệu đồng), Tiền Hải (hơn 770 triệu đồng)...

“Dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã không chỉ bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn mà còn huy động sự đóng góp của cộng đồng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh. Do đó, thời gian tới, chi nhánh sẽ tăng cường tuyên truyền để mọi người dân cùng tích cực hưởng ứng” – ông Vũ Văn Thuân nói. 

Đọc thêm