Đồng tình theo “thượng tôn pháp luật”

Báo PLVN đã có bài “Trúng số không được lãnh thưởng tại Kiên Giang: Muốn nghiêng về chữ tình cũng khó”. Sau khi báo phát hành, nhiều độc giả phản hồi ý kiến về tòa soạn, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của tác giả bài báo.

Báo PLVN đã có bài “Trúng số không được lãnh thưởng tại Kiên Giang: Muốn nghiêng về chữ tình cũng khó”. Sau khi báo phát hành, nhiều độc giả phản hồi ý kiến về tòa soạn, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của tác giả bài báo.

Ông Trương Phến đang giãi bày những trường hợp của mình.

“Thượng tôn pháp luật”

Bạn đọc Nguyễn Thị Diễm Thúy, địa chỉ tại 50 Nguyễn Hồng Đào, phường 14- quận Tân Bình Tp.HCM: Là một độc giả thường xuyên của báo PLVN, qua bài báo tôi đồng tình với quan điểm của tác giả, tôi tâm đắc nhất tít bài báo “Muốn nghiêng về chữ tình cũng khó”. Tít bài nhẹ nhàng nhưng nêu bật được tính chủ quan của chủ thể vấn đề. XSKG muốn xử lý theo chữ tình lắm vì ông Tùng có hoàn cảnh khó khăn.

"Khó" bởi XSKG là một doanh nghiệp nhà nước, hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách, mọi hành vi trong hoạt động kinh doanh chịu sự quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng bộ Kiên Giang. Quản lý nhà nước thì phải thượng tôn pháp luật. XSKG đã dựa vào luật để không trả thưởng cho ông Tùng là đã thượng tôn pháp luật. Nếu XSKG trả thưởng, đến lúc báo cáo quyết toán thì sẽ bị cơ quan chức năng thổi còi và ai là người chịu trách nhiệm?.

Tòa phải mời cả 8 thành viên Hội đồng xét duyệt

Bạn đọc Nguyễn Thanh Duy- Sinh viên Đại học Luật Tp. HCM- ngụ tại ấp Bình Thạnh-Bình Thạnh Trung-Lấp Vò-Đồng Tháp: Báo PLVN đã đăng tải các quy định tại Thông tư 65 và ý kiến của luật sư Trần Dũng Anh. Tôi thấy nhận định của vị luật sư này chính xác.

Đúng là trong điểm 3 mục 2 khoản 3 của thông tư này có quá nhiều câu chữ không rõ ràng, cho nên không thể căn cứ vào đó mà trả thưởng. Thế nào là “trường hợp đặc biệt”?. Thông tư này không định nghĩa và qui định cụ thể. Nếu qui định “trường hợp đặc biệt” là những vé số bị rách rời do tai nạn, hỏa họan, thiên tai, chiến tranh vẫn được lãnh thưởng thì XSKG đã dễ dàng xử lý trường hợp của ông Tùng.

Một số báo cho rằng ông Tùng là “trường hợp đặc biệt” vì ông có hoàn cảnh khó khăn là hiểu sai vấn đề. Cụm từ “trường hợp đặc biệt” đối tượng điều chỉnh là tờ vé số bị rách rời chứ không điều chỉnh người mua vé số. Một số báo cho rằng vé số của ông Tùng rách rời có hình thức đặc biệt (rách làm đôi nhưng ráp lại vẫn còn nguyên dãy số trúng thưởng, còn nguyên số sê-ri). Hiểu như vậy là không đúng tinh Thần thông tư 65, vì điểm 2 mục 2 khoản 3 qui định rõ “vé trúng thưởng không được rách rời”.

XSKG không trả thưởng cho ông Tùng và xin ý kiến của Hội đồng xét duyệt là họ làm đúng qui trình. Hội đồng biểu quyết 7/8 không trả, chứng tỏ vai trò quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh đặc biệt này rất khắt khe. Theo tôi, ông Tùng khởi kiện vụ việc ra tòa thì 8 thành viên trong Hội đồng xét duyệt là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa phải mời đầy đủ tám vị này mới xét xử được…   

Nếu trả thưởng thì phải trả hết các trường hợp tương tự

Bạn đọc Trương Phến, thường trú tại 27/9 Hồ Xuân Hương-Rạch Sỏi-Tp Rạch Giá-Kiên Giang: Năm 2006, tôi trúng thưởng giải đặc biệt vé số kiến thiết tỉnh An Giang 50.000.000 đồng (giải bây giờ là 1,5 tỷ). Tấm vé số của tôi chỉ rách rời một góc nhỏ, hoàn toàn không ảnh hưởng đến các thông số trên mặt vé số. XSKG từ chối trả thưởng vì rách rời.

Tôi không khiếu nại được bởi Quyết định 143/2003/QĐ-BCT ngày 9/9/2003 của Bộ Tài chính qui định: Chỉ trả thưởng cho những vé số còn nguyên hình, không rách rời, chắp vá… Quyết định này bây giờ hết hiệu lực, thay bằng Thông tư 65 mơ hồ, chung chung làm mất tính sòng phẳng của trò chơi cá cược. Tôi là nhà phân phối vé số cho tất cả các công ty xổ số, mỗi ngày doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Để bảo đảm "cuộc chơi" sòng phẳng cho đối tác và khách hàng, tôi kiến nghị Bộ Tài chính nên xem xét đến cụm từ “chỉ trả thưởng” trong Quyết định 143 mà điều chỉnh Thông tư 65. Nếu XSKG trả thưởng cho ông Tùng thì bản thân tôi sẽ đi khiếu nại XSKG để lãnh thưởng những tờ vé số bị rách rời, tôi không được lãnh, trong đó có một tờ trúng giải đặc biệt.

Ngọc Long (thực hiện)

Đọc thêm