Dự án 35 tỷ USD 8 năm “dậm chân tại chỗ”

(PLO) - Là một trong bốn cổ đông góp vốn thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (trị giá khoảng 35 tỷ USD), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tỏ ra “nóng ruột” khi dự án được bắt đầu từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
TKV “nóng ruột” vì mỏ sắt Thạch Khê chưa được triển khai (Ảnh minh họa)

Mới đây, Tập đoàn này đã kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị tiếp tục được triển khai dự án tại mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời xin tạm dừng dự án Nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu/năm tại nơi này.

Tổ hợp Dự án khai thác và chế biến quặng mỏ sắt Thạch Khê gồm hai dự án con là Dự án khai thác  mỏ sắt Thạch Khê và Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn. Chủ đầu tư tổ hợp dự án này là Cty CP Sắt Thạch Khê (TIC).

Ban đầu dự án này có 9 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỷ đồng, với cơ cấu như sau: TKV (30%), Cty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh (24%), TCty Thép Việt Nam (20%), TCty Sông Đà (5%), Vinashin (5%), Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam - BIDV (5%), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT (4%), Cty TNHH Sản xuất XNK Bình Minh (4%), Cty CP Khoáng sản Luyện kim Thăng Long (3%). 

Tuy nhiên năm 2012, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, 4/9 cổ đông sáng lập (bao gồm BIDV, Vinashin, VNPT và TCty Sông Đà) phải thực hiện thoái vốn tại TIC để tập trung cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của mình, phần vốn góp còn lại, theo đó được các cổ đông còn lại quyết định phân bổ tương ứng.

Sau khi phân bổ lại, vốn góp của TKV là lớn nhất, chiếm 52% mức vốn. Do đó, TKV đóng vai trò là cổ đông chi phối TIC. Có thể thấy chính cổ đông này là đơn vị nóng lòng và có trách nhiệm nhất trong việc thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Cụ thể, tổng giá trị vốn điều lệ các cổ đông cần góp là hơn 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng vốn góp mới được khoảng 1.809 tỷ đồng, trong đó phần nhiều là vốn của TKV khi đơn vị này góp đủ giá trị huy động là 1.076 tỷ đồng. Các cổ đông còn lại chưa góp đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo quy định. Việc các cổ đông thiếu trách nhiệm trong việc góp vốn có thể là một trong những nguyên nhân khiến dự án này chậm được triển khai, nguy cơ dẫn đến bị dừng dự án.

Là cổ đông lớn nhất, lại đã góp hơn 1.000 tỷ đồng vào dự án nên TKV “nóng lòng” là điều dễ hiểu. Mới đây, nhằm không để dự án lâm vào cảnh “chết yểu”, TKV đã kiến nghị lên Thủ tướng tiếp tục triển khai dự án khai thác sắt Thạch Khê. TKV cũng xin Thủ tướng cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018). Mục tiêu là để TIC tập trung mọi nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình, bảo vệ môi trường nhằm sớm đưa dự án vào sản xuất, khai thác có hiệu quả, kịp thời cung cấp quặng chất lượng cao cho các cơ sở phôi thép.

Đồng thời với việc đề nghị tiếp tục triển khai dự án khai thác quặng sắt thì TKV đề nghị được tạm ngừng dự án xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu/năm tấn tại Tổ hợp dự án này. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm được Bộ Công Thương qua từ năm 2010. Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp chứng chỉ quy hoạch dự án từ năm 2008. Tuy nhiên, theo kết quả thẩm định của cơ quan tư vấn và ý kiến các cổ đông cho thấy dự án có suất đầu tư lớn và theo công nghệ chưa phù hợp với nguồn quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Đại diện TKV cho biết, TIC đang xem xét điều chỉnh thiết kế ở một số công đoạn nhằm sử dụng được toàn bộ nguồn quặng từ mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời tính toán xác định lại công suất đầu tư hợp lý hơn. Được biết thời gian qua, TIC đã phối hợp với các đơn vị tư vấn có uy tín trong lĩnh vực sản xuất phôi thép trong và ngoài nước để hoàn thiện và lựa chọn công nghệ phù hợp với nguồn quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Theo TKV, nhà máy này sẽ tạm dừng triển khai, chờ sau năm 2020 mới xem xét đầu tư trở lại. Dư luận đánh giá, việc TKV kiến nghị dừng triển khai nhà máy này là hợp lý bởi nếu tiếp tục đầu tư sẽ ngốn một khoảng vốn “khủng”, trong khi rủi ro kinh tế lớn do công nghệ chưa phù hợp, công suất thiết kế chưa hợp lí, thị trường thép trong nước và thế giới được dự báo nhiều biến động…

Cần 7.000 tỷ để “hồi sinh” mỏ sắt Thạch Khê

Mới đây, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đang lên phương án xử lý mỏ sắt Thạch Khê. Ông này cho rằng cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời phải tái cơ cấu cổ đông; huy động thêm vốn từ các DN.

Đọc thêm