Đề xuất giao thẩm quyền chuyển đổi rừng cho Thủ tướng
Tại Tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Chính phủ, cho biết, theo khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên.
Số liệu tính toán cho thấy, tổng diện tích chiếm dụng rừng phòng hộ của dự án là khoảng 110ha; nên thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.
Theo quy định pháp luật về lâm nghiệp, hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng gồm: Báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng khu vực đề nghị chuyển mục đích, báo cáo về sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định pháp luật về quy hoạch.
Trong tờ trình, Bộ GTVT cho rằng, do tính chất đặc thù của đường bộ cao tốc theo dạng tuyến trải dài, dù tổng diện tích chiếm dụng rừng gần 1.500ha (gồm cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ) nhưng lại phân bổ trên nhiều địa phương, nhiều khu vực rừng khác nhau, với diện tích chiếm dụng mỗi khu vực đều dưới 500ha.
Theo tiêu chuẩn khảo sát đường bộ, hướng tuyến trong bước nghiên cứu tiền khả thi chủ yếu nghiên cứu trên bản đồ số 1/5.000, 1/10.000 nên việc lập bản đồ hiện trạng các khu vực rừng cần chuyển đổi với tỷ lệ 1/2.000 (tương đương yêu cầu khảo sát bước nghiên cứu khả thi) chưa đủ cơ sở để thực hiện trong bước nghiên cứu tiền khả thi.
Nếu xét trên từng dự án thành phần thì diện tích chiếm dụng rừng phòng hộ dưới 50ha, diện tích chiếm dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha; nên thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lại thuộc Thủ tướng với từng dự án thành phần (theo khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp).
Để khai thông vướng mắc với dự án, Bộ GTVT tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định tổng diện tích chiếm dụng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, còn giao Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với từng dự án thành phần trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đề nghị vốn nhà nước tham gia dự án PPP từ 54 - 65%
Theo khoản 2 Điều 69 Luật PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Với dự án có nhiều dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thì tỷ lệ vốn nhà nước được xác định trên tổng mức đầu tư của dự án thành phần đó.
Từ thực tiễn triển khai các dự án thành phần PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, để nâng cao tính khả thi triển khai, Bộ GTVT đề xuất tính toán hiệu quả tài chính các dự án với thời gian thu hồi vốn khoảng 15 năm.
Theo Bộ GTVT, kết quả tính toán phương án tài chính, với thời gian thu hồi vốn khoảng 15 năm, 4 dự án thành phần PPP có tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án từ 54 - 65% tổng mức đầu tư dự án: Hàm Nghi - Vũng Áng (54%), Quy Nhơn - Chí Thạnh (58%), Chí Thạnh - Vân Phong (59%), Vân Phong – Nha Trang (61%), Bãi Vọt - Hàm Nghi (65%). Trên cơ sở đó, kiến nghị Quốc hội cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP từ 54 - 65% tổng mức đầu tư của dự án.
Liên quan đến phương án xử lý trong trường hợp triển khai theo phương thức PPP không thành công, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho hay, với mục đích nâng cao hiệu quả tài chính, nâng cao tính hấp dẫn, khả thi triển khai các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, phương án tài chính được tính toán với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia từ 54 - 65% tổng mức đầu tư và thời gian thu hồi vốn khoảng 15 năm, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn triển khai thành công.
Để đáp ứng yêu cầu sớm hoàn thành dự án theo kết luận của Bộ Chính trị, Bộ GTVT tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội: giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công.
Ngoài các cơ chế nêu trên, theo Bộ GTVT, Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 để trình Quốc hội tại Kỳ họp chuyên đề bổ sung (dự kiến khai mạc trong tháng 12 năm 2021). Do vậy, sau khi được Quốc hội thông qua, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm.