Dự án hoa tại xã Tây Tựu: Chính sách bất cập, dân thiệt hại

Hơn ba năm kể từ ngày có quyết định thu hồi trên 9,7ha đất nông nghiệp của xã Tây Tựu để xây dựng Dự án “Hoa công nghệ cao”, trong khi gần 200 hộ dân đã được nhận đền bù thì vẫn còn 19 hộ tiếp tục khiếu nại do phương án đền bù bất bình đẳng, khiến họ bị thiệt hại. 

Hơn ba năm kể từ ngày có quyết định thu hồi trên 9,7ha đất nông nghiệp của xã Tây Tựu để xây dựng Dự án “Hoa công nghệ cao”, trong khi gần 200 hộ dân đã được nhận đền bù thì vẫn còn 19 hộ tiếp tục khiếu nại do phương án đền bù bất bình đẳng, khiến họ bị thiệt hại. 

Các hộ dân trình bày nỗi bức xúc.
Các hộ dân trình bày nỗi bức xúc.
Văn bản bất cập
Từ cuối năm 2008, UBND huyện Từ Liêm đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho trên 200 hộ dân xã Tây Tựu do thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện Dự án công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản hoa, phục vụ phát triển vùng hoa Tây Tựu. Nhưng đến nay vẫn còn hơn 20 hộ chưa nhận đền bù.
Nguyên nhân các hộ khiếu nại xuất phát từ một số bất cập nảy sinh từ Quyết định (QĐ) 18 ban hành năm 2008 của UBND TP.Hà Nội quy định về đền bù đất nông nghiệp. Theo QĐ 18, với những hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, ngoài số tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định còn được thêm 80m2 đất dịch vụ, có thể nhận đất hoặc nhận tiền một lần.
Quy định trên đã nảy sinh bất cập, bất bình đẳng. Cụ thể: Có những hộ ít ruộng nên mới thu hồi chưa đến 1 sào Bắc bộ (360m2) đã quá 30%, nếu họ nhận tiền một lần thì tổng số tiền lên tới hơn 700 triệu đồng. Trong khi, có những hộ nhiều ruộng thì bị thu đến 2 - 3 sào song vẫn chưa quá 30% diện tích thì họ chỉ được nhận đền bù theo đơn giá 162 ngàn đồng/m2. Như vậy dù diện tích đất bị thu hồi lớn gấp nhiều lần nhưng họ chỉ được đền bù bằng 1/5 số tiền của hộ bị thu hồi ít nhưng đạt 30% tổng đất.
Do đó, đã nảy sinh mâu thuẫn, hộ bị thu hồi ít lại nhận được tiền đền bù nhiều, hộ bị thu hồi nhiều lại nhận được ít hơn. Chính vì điều này, còn 51 hộ dân xã Tây Tựu chưa chịu nhận đền bù và tiếp tục khiếu nại.
Để khắc phục, ngày 1/10/2009, UBND TP.Hà Nội ban hành QĐ 108 quy định chế độ đền bù đất nông nghiệp thay thế QĐ 18. Theo QĐ 108, đối với những hộ bị thu hồi đất, ngoài số tiền đền bù là 162 ngàn đồng/m2, được hỗ trợ thêm 5 lần giá đất (tương đương với 810 ngàn đồng/m2).
Dân chịu thiệt
Điều bất cập nữa là, trong số 51 hộ chưa nhận đền bù thì chỉ có 30 hộ được giải quyết theo QĐ 108, còn 21 hộ dân vẫn phải nhận đền bù theo QĐ 18. Lý do các hộ dân không được giải quyết theo đơn giá mới là vì họ thuộc diện được phê duyệt phương án bồi thường từ đợt 1 của dự án. Cần nói rõ, các hộ này được phê duyệt đợt 1 là do đất có sổ đỏ nên được “ưu tiên” kiểm đếm đo đạc trước và điều “ưu tiên” đó đã dẫn đến hệ lụy khiến họ bị thiệt hại.
Các hộ dân khiếu nại, đến ngày 1/11/2011, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP.Hà Nội đã có Tờ trình số 773 gửi UBND TP về việc “Đề nghị chấp thuận áp dụng chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thực hiện Dự án Hoa công nghệ cao tại xã Tây Tựu. Theo đó, đề nghị UBND TP chấp thuận cho UBND huyện Từ Liêm phê duyệt bổ sung mức hỗ trợ khác đối với các hộ dân… (vận dụng tương tự như chính sách đã được UBND TP chấp thuận đối với Dự án ở 3 khu đô thị mới Xuân Phương trên cùng địa bàn huyện). Nhưng, đề nghị chính đáng trên vẫn không được chấp nhận. 
Khiếu nại có cơ sở pháp lý, cần được chấp thuận
Trình bày với phóng viên, các hộ dân bức xúc cho biết: Hầu hết họ là những hộ nghèo lại phải gánh chịu thiệt thòi do những bất cập của phương án đền bù. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Sỹ thuộc diện hộ nghèo, có vợ mắc bệnh xơ gan, sỏi mật đã phải đi phẫu thuật 7 lần trong 3 năm, vẫn mỏi mòn chờ được giải quyết tiền đền bù theo phương án mới để chữa bệnh. Hay như hộ cụ Kim Văn Phú (72 tuổi) bị thu hồi 360m2 ruộng; hộ ông Nguyễn Phan Hùng bị thu hồi 392m2; hộ ông Nguyễn Tự Lưu bị thu hồi 405m2, hộ ông Chu Thiên Ngọc bị thu hồi 360m2… vẫn tiếp tục khiếu nại đề nghị được đền bù theo đơn giá mới.
Theo họ phản ánh, trong khi họ bị thu hồi diện tích ruộng lớn lại bị “ép” nhận đền bù giá bèo thì có những hộ dân chỉ bị thu hồi 1 sào ruộng nhưng được giải quyết đền bù tới 2 suất tái định cư. Nghiêm trọng hơn, một phần đất trong khuôn viên của Dự án hoa đã được chủ đầu tư phân lô đem bán theo đơn giá 16 triệu đồng/m2.
Khiếu nại của các hộ dân xã Tây Tựu là hoàn toàn chính đáng, có cơ sở pháp lý. Đề nghị Ban giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm và TP.Hà Nội cần xem xét lại để điều chỉnh phương án bồi thường cho họ theo đơn giá mới của QĐ 108, tránh khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc và ảnh hưởng đến an ninh nông thôn.
Họ đều rất ủng hộ chủ trương của thành phố về xây dựng Dự án hoa công nghệ cao, nhưng phải gánh chịu thiệt hại. Cùng một mảnh ruộng, liền bờ nhau của 1 xứ đồng trong khi các hộ dân được đền bù đất dịch vụ từ 3 năm trước, có hộ khác nhận bồi thường theo đơn giá mới thì nay các hộ này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng là một bất cập khó chấp nhận.

Trần Nguyên

Đọc thêm