Dự án KCN Long Đức được ưu đãi, tư nhân hưởng lợi?

Vừa qua, PLVN đã liên tục phản ánh về việc hàng loạt những dự án khu công nghiệp được hưởng rất nhiều ưu đãi của địa phương. Tại dự án KCN Long Đức thuộc Cty CP đầu tư Long Đức (Cty Long Đức) sau khi được chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm, bàn giao mặt bằng, Cty này đã chuyển nhượng lại đến 88% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, lợi nhuận mang lại là rất lớn nhưng đang đặt câu hỏi: Ai đã hưởng lợi?.

Vừa qua, PLVN đã liên tục phản ánh về việc hàng loạt những dự án khu công nghiệp được hưởng rất nhiều ưu đãi của địa phương. Tại dự án KCN Long Đức thuộc Cty CP đầu tư Long Đức (Cty Long Đức) sau khi được chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm, bàn giao mặt bằng, Cty này đã chuyển nhượng lại đến 88% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, lợi nhuận mang lại là rất lớn nhưng đang đặt câu hỏi: Ai đã hưởng lợi?.

Sau 7 năm, mặt bằng KCN Long Đức vẫn chỉ là bãi đất trống.
Sau 7 năm, mặt bằng KCN Long Đức vẫn chỉ là bãi đất trống.

Nhiều ưu đãi đặc biệt

Theo Quyết định số 5505/QĐ.CT-UBT của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ngày 12/11/2004, Cty Long Đức được lập thủ tục đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Long Đức tại xã An Phước và xã Long Đức, huyện Long Thành với diện tích khoảng 270 ha, kéo dài trong 50 năm. Toàn bộ diện tích đất này vốn trước đây được giao cho Cty Chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) quản lý khai thác.

Ngay trong Quyết định trên, giá thuê đất là 200 đồng/m2/năm, với thời gian 50 năm thì một m2 đất chủ đầu tư chỉ phải trả 10 nghìn đồng/m2. Trong khi đó, theo tìm hiểu của tác giả thì cùng thời điểm này, giá thuê đất của các chủ đầu tư khác khoảng từ 500 - 700 đồng/m2/năm. Ngay Cty CP Golf Long Thành - một trong những DN được hưởng những ưu đãi đặc biệt - thì vẫn phải thuê đất với 280 đồng/m2/năm. Do nguồn gốc từ đất công nên tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định giá đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án là 37 tỷ đồng, toàn bộ số tiền được giao lại cho Donafoods để mở rộng đầu tư kinh doanh.

Trái ngược, tại khu vực huyện Long Thành theo quy định khung giá đất được chia làm ba vị trí khác nhau, các chủ đầu tư thực hiện ở vị trí ba- vị trí thấp nhất -phải chi gần 700 triệu đồng/ha, còn vị trí một lên đến gần 1,2 tỷ đồng/ha. Cứ thế mà so sánh, chủ đầu tư dự án KCN Long Đức đã hưởng lợi hơn các dự án khác lên đến trên 200 tỷ đồng. Một vấn đề khác, khi các chủ đầu tư khác đều phải tự bỏ tiền đầu tư đường vào dự án KCN nhưng với những chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp này, Ban quản lý dự án huyện Long Thành đã đầu tư 73 tỷ đồng làm đường vào thẳng KCN Long Đức.

Với dự án KCN Long Đức, còn có thể thấy thủ tục cho việc đầu tư đều thuộc dạng “tốc hành” chưa từng có, từ thời điểm trình Chính phủ xin chủ trương, ý kiến đánh giá của sở ngành, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, đến quyết định chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm của UBND tỉnh chỉ hết… hơn một tháng. Và, sau khi có được các quyết định cấp đất, cuối 2011 chủ đầu tư đã sang nhượng lại đến 88% cổ phần của Cty cho nhà đầu tư Nhật.

Lợi nhuận rơi vào túi ai?

Tại sao nhận được nhiều ưu đãi như vậy, Cty Long Đức lại đem bán gần như hết cổ phần cho DN đầu tư nước ngoài?.

Thực tế, để đầu tư KCN Long Đức ngay từ tháng 10/2004, Cty Long Đức đã được lập nên với ba cổ đổng, có vốn điều lệ 30 tỷ đồng; trong đó, Donafoods nắm giữ 40% giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT, hai cổ đồng cá nhân mang tên Huỳnh Văn Mạnh và Huỳnh Thị Kim Lưu đều có hộ khẩu thường trú tại TP.Hồ Chí Minh với số vốn chia đều mỗi người 30% cổ phần.

Ông Mạnh và bà Lưu là ai khi mà nhận được nhiều ưu ái từ dự án KCN Long Đức, câu hỏi này từ dư luận đặc biệt quan tâm vẫn chưa có câu trả lời.

Đến nay, mọi thông tin về việc bán cổ phần tại Cty Long Đức được bao nhiêu và lãi như thế nào vẫn chưa được chính thức công bố nhưng trên thực tế, vào thời điểm tháng 6/2011, tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Donafoods chuyển nhượng 28% cổ phần tại Cty Long Đức, tương đương 84 nghìn cổ phần, với giá bán khoảng 2.632.500 đồng/cổ phần (mệnh giá 100 nghìn đồng/cổ phần) cho Tập đoàn Sojitz (Nhật) để đầu tư xây dựng KCN Long Đức.

Đồng Nai cũng giao toàn bộ số tiền bán được số cổ phần này cho Donafoods sử dụng đầu tư các dự án của Cty đảm bảo đúng quy định và phát huy tốt hiệu quả. Trong số 88% cổ phần Cty Long Đức bán cho phía đối tác, ông Mạnh và bà Lưu nhượng lại toàn bộ 60% cổ phần đang lắm giữ; đồng thời, hai cổ đông cá nhân sau khi bán cổ phần đã rút toàn bộ vốn khỏi Cty Long Đức. Như vậy, với 60% cổ phần ông Mạnh và bà Lưu nắm giữ, tương đương với 180 nghìn cổ phần được nhân với giá mà Donafoods đã chuyển nhượng, số tiền thu về lên đến trên 473,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, trong suốt quá trình lập, thực hiện dự án và đến khi chuyển nhượng kéo dài hơn 7 năm nhưng hầu như Cty Long Đức không đầu tư gì nhiều. Cho đến nay, dù đã chuyển nhượng được gần một năm nhưng KCN Long Đức vẫn đang… san lấp mặt bằng. Do đó, phải chăng sau khi rút vốn khỏi Cty Long Đức, toàn bộ 473,8 tỷ đồng bán cổ phần đã “chảy vào túi” ông Mạnh và bà Lưu?.

Nếu trường hợp này là đúng, thì những ưu đãi đặc biệt của chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tạo thành khoản lãi hàng trăm tỷ đồng cho… ngân sách tư nhân. Như vậy, còn có thể bình luận gì nữa về chính sách ưu đãi đầu tư ở một tỉnh năng động như Đồng Nai?.

Minh Đức

Đọc thêm