Phát biểu tại lễ khởi động, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngày 16/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án LinkSME. Như vậy sau một năm chuẩn bị, dự án đã chính thức được phê duyệt, là kết của của sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan, trong đó có Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, USAID, cũng như của KH&ĐT.
Theo đó, Dự án LinkSME gắn kết quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể với quá trình nghiên cứu, cải cách theo ngành cũng như gắn kết những chỉ đạo cải cách từ Chính phủ với những nỗ lực thay đổi từ dưới lên, từ bản thân DN.
Việc hỗ trợ phát triển các DNNVV của Việt Nam theo dự án LinkSME sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững và khả năng thoát khỏi bẫy các nước có thu nhâp trung bình của Việt Nam trong những thập niên tới.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh về việc năm 2019 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân doanh nghiệp và đạt được những kết quả tích cực.
Việt Nam đang trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Qua việc Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án LinkSME có thể thấy, Chính phủ đang quyết tâm đồng hành cùng DN thông qua việc luôn nỗ lực cải cách thể chế, giúp DN cắt giảm chi phí tuân thủ quy định và từ đó có thêm nguồn lực dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá tình hình hoạt động của DN trong nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện cả nước có hơn 730 ngàn DN đang hoạt động, trong đó hơn 97% có quy mô nhỏ và vừa. Chính các DN này đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia thông qua tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, góp phần quan trọng giảm khoảng cách giàu nghèo, phát triển các cơ hội đầu tư vào các thị trường ngách.
Bên cạnh đó, các DNNVV cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết ngành điện tử, dệt may, thủy sản...
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, do quy mô nhỏ bé nên DNNVV Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất.
Hiện cũng chỉ có khoảng 21% DN Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn tỉ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết ông có nhiều lần hỏi các DN FDI về việc tại sao không hợp tác được với DN Việt thì họ trả lời do chất lượng sản phẩm của chúng ta chưa đạt yêu cầu về chất lượng để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án USAID LinkSME sẽ giải quyết và giúp nâng cao năng lực DN trong nước. Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, không thể hô hào, sử dụng mệnh lệnh để yêu cầu DN trong nước kết nối với DN FDI được mà phải tuân theo cơ chế thị trường.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, tại Việt Nam cho biết, thông qua Dự án LinkSME do USAID tài trợ sẽ giúp DNNVV tại Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng hệ sinh thái DN, tạo việc làm cho cộng đồng, cải thiện đời sống và khích lệ tinh thần đổi mới kinh doanh...
Với kinh phí 22,1 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, Dự án LinkSME sẽ phối hợp với VPCP và Bộ KH&ĐT nhằm cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho DNNVV và nâng cao năng lực cho các hiệp hội DN trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV.
Cũng theo Đại sứ Daniel J. Kritenbrink, một trong ưu tiên của Hoa Kỳ là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, phát triển tại Việt Nam và tin tưởng mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp.