Tác động Luật Cạnh tranh rất mờ nhạt
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Cạnh tranh là nền tảng vận hành- cũng có thể coi như bản Hiến pháp - của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau 12 năm thực thi thì tác động của Luật Cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt. “Trong khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì người lạc quan nhất cũng không thể nói rằng cạnh tranh hoàn hảo. Thị trường thỉnh thoảng lại chứng kiến những sự kiện vô lý đến kỳ lạ, giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng, trong khi giá nguyên liệu không tăng. Cơ quan Nhà nước loay hoay tìm kiếm các giải pháp hành chính can thiệp nhưng không nổi”, ĐB Lộc nói.
Đưa ra những điều kỳ lạ trong cạnh tranh trên thị trường của Việt Nam, ĐB Lộc dẫn thực tế cho biết, có cơ quan nhà nước vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà. Theo ông, những quyết định hành chính như vậy đã can thiệp trực tiếp vào cung - cầu và ít các cơ quan khi ban hành một quyết định hành chính như vậy lại có tính toán đến góc độ là quyết định đó ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh. Trong khi đó, một số quy định quan trọng có tính chất cốt lõi tại dự thảo chưa được quy định cụ thể.
Doanh nghiệp Việt đang bị chèn ép
Liên quan đến vấn đề tập trung kinh tế trong cạnh tranh đang gây ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, trên thực tế có những hành vi tập trung kinh tế không đạt thị phần trên 50% nhưng vẫn có khả năng tạo ra vị trí thống lĩnh thị trường. Lý giải quan điểm của mình bằng vụ việc doanh nghiệp CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và chèn ép doanh nghiệp Việt được báo chí đồng loạt phản ánh, ĐB Cương cho biết: Năm 2016 vừa qua 8 doanh nghiệp điện ảnh của Việt Nam gửi thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng vì bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia quá thấp cho phim Việt. Sự việc đẩy lên đến đỉnh điểm với việc CGV từ chối phát hành một bộ phim Việt vì không chấp nhận tỷ lệ ăn chia như phim ngoại.
Cũng theo ĐB Cương, sau khi sự việc xảy ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu CGV đàm phán với 8 nhà sản xuất phim và phát hành phim ở trong nước để giải quyết mâu thuẫn qua hình thức thương lượng. Tuy nhiên, thực tế CGV đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp trong nước cùng thống nhất và ký vào một bản đề xuất về tỷ lệ ăn chia của CGV để CGV xem xét. Ông Cương cho rằng, khoản 1 Điều 26 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp Việt có thị phần 30% thị trường có liên quan là một quy định bất hợp lý. “Vì trong trường hợp trên thị trường tồn tại một doanh nghiệp khác là CGV chiếm hơn 40% rạp chiếu và khoảng 60% phát hành thì nhóm doanh nghiệp Việt có thị phần 30% không thể coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được. Có nghĩa là các doanh nghiệp Việt có kết hợp cùng với nhau thành một bó đũa để đàm phán thay vì đơn lẻ nhưng cấu thành 30% thị phần dù không thống lĩnh thị trường vẫn là sai luật”, ĐB Cương nói và đề nghị tiêu chí này phải được sửa đổi ở trong luật là “có thị phần lớn nhất nhưng không thấp hơn 30% thị trường có liên quan” để đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thực tế.
Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, nhiều cử tri, nhất là các doanh nghiệp quốc nội phản ánh nhiều bất hợp lý, bất công và muốn được Chính phủ, Quốc hội quan tâm giải quyết thông qua Luật Cạnh tranh. Đó là, trong khi hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đang vất vả để giữ thị phần trên các thị trường nước ngoài, đang phải đấu tranh gian khổ để tồn tại trong nước thì các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn, bán lẻ, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài bằng nhiều thủ đoạn khác nhau từ việc liên tục báo lỗ trong nhiều năm để không đóng một đồng thuế nào. Theo ĐB Nghĩa, đây là sự báo động của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ bởi hiện trạng cho thấy những nỗ lực vừa qua của Nhà nước trong việc đưa những “đứa con doanh nghiệp nội” chưa đủ mạnh, trách nhiệm chưa đủ cao và với tình hình này cần có những giải pháp đột phá, cấp bách trước khi trở nên không cứu vãn được nữa.