Không dễ để công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

(PLO) -Giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan trong nước cũng như cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan đã có rất nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn những khó khăn phát sinh từ thực tiễn áp dụng quy định pháp luật.
Không dễ để công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

Với tư cách là cơ quan đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ, từ năm 1994 - 2004, Bộ Tư pháp đã nhận được hơn 150 hồ sơ xin công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, đối với các hồ sơ xuất phát từ những nước chưa có với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp thì gần như không có hồ sơ yêu cầu nào được Tòa án Việt Nam chấp nhận. Từ năm 2004 - 2011, Bộ Tư pháp đã nhận được gần 70 hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. 

Có thể thấy rằng, mặc dù số lượng đơn yêu cầu tương đối nhiều nhưng số lượng đơn được chấp nhận lại không cao. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do cơ sở pháp lý chưa thực sự hoàn thiện nên quá trình thực thi vấp phải khó khăn. Điều này đã dẫn đến hệ quả là rất nhiều hồ sơ yêu cầu không được chấp nhận dẫn đến không bảo vệ được lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự ra đời của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015, nút thắt tương đối quan trọng này đã được tháo gỡ. BLTTDS ghi nhận “quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài”. Có điều, một khó khăn thực tế hiện nay là việc công nhận và cho thi hành quyết định, bản án chỉ được tiến hành trên cơ sở điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước có liên quan hoặc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Trong khi vẫn chưa có sự hướng dẫn áp dụng thống nhất nguyên tắc có đi có lại cũng như cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam với nước có liên quan trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thì yêu cầu của Việt Nam về xác minh các điều kiện liên quan đến bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thực hiện không hề dễ dàng hoặc mất rất nhiều thời gian. 

Mặt khác, Việt Nam chưa tham gia vào các công ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp nên công tác tống đạt giấy tờ, văn bản trong quá trình giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài gặp nhiều khó khăn, từ đó hạn chế khả năng giải quyết các đơn yêu cầu. Còn nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp đã được quy định trong BLTTDS cũng như trong Luật Tương trợ tư pháp nhưng ít phát huy tác dụng do không có hướng dẫn thi hành cụ thể. Điều này đem lại những điểm bất lợi cho Việt Nam khi mà Việt Nam đáp ứng yêu cầu ủy thác của nước ngoài nhưng ngược lại, phía cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không đáp ứng yêu cầu của Việt Nam.

Có thể nói, việc ban hành các cơ sở pháp lý cũng như tiến hành ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia khác là việc làm cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này, đồng thời tạo tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quan hệ kinh doanh với Việt Nam. Cùng với đó, việc tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là vô cùng cấp thiết để góp phần xây dựng một hành lang pháp lý ổn định, phù hợp với các yêu cầu của nền kinh tế, xã hội, thúc đẩy giao lưu dân sự - kinh tế quốc tế phát triển.

Đọc thêm