“Mỗi cá nhân nên có một sổ hộ tịch thể hiện mọi biến động về hộ tịch, lấy nơi đăng ký khai sinh làm gốc. Dù công dân có ở nước ngoài đi nữa mà có yêu cầu thì chỉ cần lên mạng là được đáp ứng” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh về một trong những điểm mới của Dự án Luật Hộ tịch tại phiên họp lần thứ 3 hôm qua - 23/3.
|
Họp ban soạn thảo ngày 23/3. |
Theo dõi mọi biến động về tình trạng hộ tịch
Ở phiên họp thứ 2 của Ban soạn thảo Luật Hộ tịch, vấn đề gộp chung một sổ đăng ký (thay vì nhiều sổ như hiện nay) đã được đề cập. Một sổ sẽ theo dõi mọi biến động về tình trạng hộ tịch của công dân, tiện cho cả họ và cơ quan quản lý nhà nước. Tổ biên tập đề xuất sổ này sẽ là sổ đăng ký khai sinh.
Tại phiên họp hôm qua, Dự thảo luật mới đã chỉnh sửa theo hướng, sổ đăng ký khai sinh sẽ là sổ gốc; nơi đăng ký khai sinh là nơi quản lý hộ tịch gốc của cá nhân; các việc hộ tịch sau khi được đăng ký phải được ghi vào Sổ đăng ký khai sinh;
Các việc hộ tịch cụ thể được đăng ký vào từng sổ riêng như kết hôn, nuôi con nuôi, khai tử…nhưng sau khi được đăng ký vào sổ riêng đều phải được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh. Riêng thẩm quyền đăng ký các việc hộ tịch có thể được thực hiện tại nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi cư trú của đương sự.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn ủng hộ: Mỗi người cần có một sổ, nên gọi là sổ hộ tịch và lấy nơi khai sinh làm gốc. “Cần thiết kế một mục dành cho sự di biến động hộ tịch, khi đăng ký ở nơi mới, cán bộ nơi đó có trách nhiệm thông báo về cho nơi cũ. Như vậy, công dân đỡ phiền hà”. Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ lo ngại khi kỷ luật hành chính chưa tốt, liệu cán bộ nơi đăng ký mới có thể thông báo về nơi có sổ gốc?
“Nếu do sơ suất, hoặc do nơi đăng ký hộ tịch tiếp theo vì lý do gì đó chưa kịp thông báo thì người dân vẫn có cơ sở để tự mình yêu cầu cập nhật vì họ cũng có trong tay một sổ hộ tịch, điều này thuận lợi cho việc làm các thủ tục hành chính, dân sự khi có yêu cầu. Một sổ hộ tịch cũng sẽ khắc phục tình trạng mất giấy tờ hộ tịch và phải đăng ký lại” - bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng -Trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) phân tích.
Xây dựng chức danh hộ tịch viên không “đẻ” thêm bộ máy
Dự thảo Luật Hộ tịch xây dựng chế định hộ tịch viên, đảm bảo hộ tịch viên là một chức danh chuyên nghiệp. Dự thảo Nghị định dành một chương quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, nhiệm vụ của hộ tịch viên và những việc hộ tịch viên không được làm.
Phó Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha và đại diện đến từ một số cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH…cho rằng việc xây dựng chức danh nói trên là cần thiết tuy nhiên, lưu ý đối với một số nơi không có cấp xã thì bố trí như thế nào? Nếu theo phương án 2-3 xã mới có một hộ tịch viên thì vấn đề quản lý cán bộ đó ra sao?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu băn khoăn: Hộ tịch viên là công chức hay viên chức. Phải thống nhất giữa các quy định của luật này với Luật Cán bộ công chức. Ông Thu cũng lo ngại, có thêm chức danh hộ tịch viên sẽ “phình bộ máy”, rồi việc giải quyết chế độ…”. “Cái gì cần thiết vẫn phải làm nhưng phải thuyết minh cho được” - ông Thu nói.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Việc đăng ký tập trung về cấp xã là cần thiết, trừ những trường hợp đã có quyết định như về quốc tịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Có những việc xã không làm được nhưng về nguyên tắc người dân chỉ biết đến cấp xã mà thôi; còn việc xã giải quyết như thế nào, xin ý kiến ai là việc các cơ quan nhà nước với nhau.
Bộ trưởng cũng cho biết: Hiện nay mỗi xã cơ bản đã có 2 cán bộ, hộ tịch tư pháp, tuy nhiên có đến 30% số này chưa được đào tạo. “Xây dựng chức danh hộ tịch viên để đội ngũ này chuyên nghiệp lên. Trước mắt nếu chưa cần thiết mỗi xã phải có 1 hộ tịch viên thì tùy nhu cầu 2-3 xã mới có một hộ tịch viên cũng được. Sau này tùy tình hình có thể bổ nhiệm thêm” - Bộ trưởng gợi ý.
Về vấn đề mã số cá nhân, Dự thảo Luật Hộ tịch chỉ quy định nguyên tắc mỗi cá nhân khi đăng ký khai sinh. Mã số cá nhân có ý nghĩa để tra cứu dữ liệu hộ tịch của cá nhân, không có ý nghĩa thay thế cho danh tính cá nhân. Bộ Công an có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và cấp mã số cá nhân. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đồng tình với quy định này. |
Bình An