Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng, phát triển Thủ đô

(PLVN) - Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 diễn ra mới đây, thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung được quy định tại Điều 21 về phát triển văn hóa, thể thao của dự thảo Luật. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định để đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bổ sung quy định về bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Thủ đô

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.

Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô nhận định, một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh đô thị của người dân.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa được quy định tại khoản 1 Điều 39 và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóa, các quy định của dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định Điều 11 của Luật hiện hành, thiên về phát triển “phần cứng”, chưa có nhiều quy định thúc đẩy “phần mềm” của văn hóa.

Đồng thời, cũng chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam như được xác định tại Điều 21 của dự thảo Luật.

Vì vậy, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Từ đó, bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp riêng có của Thủ đô, về khen thưởng, xử phạt, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Thủ đô.

Có chung mối quan tâm, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tán thành với các quan điểm phát triển văn hóa, thể thao và ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô trong dự thảo Luật.

Đại biểu nhất trí với việc giao HĐND TP Hà Nội quy định nội dung mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên theo khả năng cân đối ngân sách TP đối với nhiều trường hợp được quy định cụ thể trong khoản 4 Điều 21 của dự thảo Luật, trong đó có các nghệ nhân, những người thực hành di sản văn hóa phi vật thể được truyền dạy, thực hành và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Quy định cụ thể đối tượng được hưởng ưu đãi đặc thù

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, với gần 2.000 di sản văn hóa phi vật thể các loại hình đang hiện hữu, TP Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước. Bên cạnh đó, TP cũng có hàng trăm người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú.

Ngoài ra, TP Hà Nội hiện có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể cần được ưu tiên bảo vệ khẩn cấp, đặc biệt là các di sản thuộc loại hình diễn xướng dân gian. Đây là các di sản không được thực hành thường xuyên và những người nắm giữ di sản tuổi thường đã cao và rất hiếm đối tượng để trao, truyền. Không gian, điều kiện để thực hành những di sản này cũng không còn nhiều do môi trường sống có nhiều thay đổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại Hội nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại Hội nghị.

Trong bối cảnh chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân còn khá ít ỏi, thường mang tính chất động viên tinh thần là chính, Đại biểu đề nghị cần có quy định đãi ngộ xứng đáng để động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di sản đang nắm giữ, góp phần quan trọng làm nên giá trị ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

“Đây cũng là nền tảng quan trọng để phát triển văn hóa, du lịch tại Thủ đô”, Đại biểu nêu quan điểm.

Điểm a khoản 4 Điều 21 dự thảo Luật quy định đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên là “người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật”.

Nhận định quy định còn quá chung chung, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về “người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” hoặc bổ sung quy định HĐND TP Hà Nội quy định cụ thể đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được hưởng ưu đãi đặc thù để đảm bảo chặt chẽ và dễ xác định đối tượng thụ hưởng hơn.

Về quy định về các khu vực, di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa tại Thủ đô Hà Nội khá nhiều và khá đặc biệt. Do đó, cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị.

Trong khi đó, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị làm rõ thêm, có các tiêu chí để đánh giá thế nào là biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị để tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Đại biểu bổ sung thêm bảo tàng vào nhóm các khu vực, di tích và di sản sau đây được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Đọc thêm