Toàn cảnh phiên họp. |
Tại phiên họp, sau khi nghe ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC - đơn vị xây dựng dự án Luật - trình bày tóm tắt Tờ trình của TANDTC về dự án Luật, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã trình bày báo cáo thẩm tra của Nhóm nghiên cứu Thường trực UBTP về dự án Luật.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật. |
Theo đó, cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp NCTN; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan tới trẻ em. Đặc biệt, Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã đề ra giải pháp: “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
Dự án Luật cũng cơ bản phù hợp với các nguyên tắc trong các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Trẻ em, Bộ Luật hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý…; tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Các đại biểu góp ý tại phiên họp. |
Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, việc xây dựng Luật Tư pháp NCTN với hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) trong khi Luật XLVPHC chưa được sửa đổi có thể chưa đảm bảo sự tương xứng, thống nhất, trong chính sách xử lý NCTN vi phạm pháp luật.
Do đó Nhóm nghiên cứu đề nghị TANDTC chủ động phối hợp với Chính phủ rà soát Luật XLVPHC để đề xuất, kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo Nhóm nghiên cứu, về cơ bản tài liệu hồ sơ dự án Luật đảm bảo theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành VBQPPL. Tuy nhiên hồ sơ còn thiếu ý kiến của Chính phủ tham gia đối với dự án Luật, đề nghị TANDTC đôn đốc để sớm có ý kiến của Chính phủ, bảo đảm đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ những nội dung Ban soạn thảo cần bổ sung, chỉnh sửa liên quan tới phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; tính khả thi của các biện pháp XLCH, quy định tách vụ án, vai trò của viện kiểm sát, nhân viên công tác xã hội trong quá trình tố tụng…
Chủ trì Phiên họp, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội cho biết, đây là Dự án Luật mới, phức tạp, được tách một phần từ Bộ Luật Hình sự, Luật Thi hành án dân sự và một số quy định liên quan. Do đó, bà Nga đề nghị các đại biểu tích cực cho ý kiến, nhất là với các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tính khả thi của 12 biện pháp XLCH, tính khả thi về vai trò của nhân viên công tác xã hội tham gia tố tụng, quy định tách vụ án… và các nội dung liên quan.
Sau đó, nhiều đại biểu đã thẳng thắng góp ý, nêu quan điểm. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng một đạo luật chuyên biệt cho NCTN phạm tội, thể hiện bước tiến trong xây dựng pháp luật. Qua đó bảo vệ trẻ em tốt hơn, thể hiện tính nhân văn của pháp luật, tạo điều kiện cho NCTP phạm tội sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng nhiều quy định trong dự án Luật cần cụ thể, chi tiết hơn. Chẳng hạn như quy định về biện pháp XLCH, đây là quy định mới nên cần hết sức chặt chẽ về điều kiện áp dụng, cần bổ sung thêm phương án áp dụng trong từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để tăng tính khả thi…
Hay như quy định liên quan đến nhân viên công tác xã hội, những người này theo dự án Luật tham gia nhiều, có vai trò lớn trong tố tụng với NCTN phạm tội. Câu hỏi đặt ra là có phải tất cả nhân viên công tác xã hội đều đáp ứng yêu cầu tham gia tố tụng. Dự án Luật cũng chưa quy định cụ thể về việc cơ quan nào đào tạo, xác nhận đủ trình độ chuyên môn tham gia tố tụng cũng như cơ chế chi trả chế độ cho đội ngũ này…
Nội dung nữa cũng thu hút nhiều đại biểu tham gia ý kiến là hình phạt với NCTN phạm tội. Nhiều ý kiến cho rằng quy định giảm mức hình phạt như dự án Luật là hợp lý, thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo lắng quy định này sẽ xung đột với quy định của BLHS, có thể làm tình hình tội phạm liên quan tới NCTN gia tăng, thậm chí có thể xuất hiện các nhóm tội phạm NCTN...
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án TANDTC tiếp thu các ý kiến đóng góp. |
Phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án TANDTC, đơn vị xây dựng dự án Luật cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của cơ quan thẩm tra cũng như các đại biểu. TANDTC sẽ giải trình làm rõ các ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến.
Xử lý chuyển hướng (XLCH) đối với NCTN phạm tội là các biện pháp giám sát, giáo dục khi NCTN được miễn trách nhiệm hình sự mà BLHS đang quy định. Bản chất của biện pháp này là đưa người chưa thành niên ra khỏi trình tự tố tụng hình sự; là chuyển hướng người chưa thành niên sang thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn. Do đó, dự thảo luật đã quy định thành xử lý chuyển hướng.
Dự thảo Luật quy định 12 biện pháp XLCH, trong đó 6 biện pháp được áp dụng độc lập, gồm: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Giáo dục tại trường giáo dưỡng; có 6 biện pháp không áp dụng độc lập, chỉ được áp dụng đồng thời với biện pháp XLCH khác, gồm: Bồi thường thiệt hại; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Cấm tiếp xúc; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Cấm đến một địa điểm nhất định.