Không chỉ là quê hương cách mạng, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, ATK Định Hóa còn là vùng đất có bề dầy truyền thống văn hóa gắn với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trên địa bàn huyện hiện có 183 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt (gồm 13 di tích thành phần); 18 di tích Quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Huyện còn có 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Nghi lễ Then của dân tộc Tày; múa rối cạn dân tộc Tày ở xã Đồng Thịnh và Bình Yên; Lễ hội Lồng tồng; Lượn cọi của người Tày; Pả Dung của người Dao.
Trung bình mỗi năm, huyện Định Hóa thu hút khoảng 600 nghìn lượt du khách về nguồn, tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm các làng nghề. Tuy vậy, doanh thu từ dịch vụ du lịch không đáng kể vì nhiều lý do.
Nhằm phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; phát triển du lịch nhằm tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế xã hội cho các xã vùng ATK Định Hóa và tạo sự liên kết với Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, năm 2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Đến ngày 10/5/2023, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư từ 465 tỷ đồng xuống còn 302,01 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2019 – 2025 và điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, địa điểm, thời gian thực hiện dự án.
Tuyến đường khi hoàn thành có bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 8m, mặt đường được thảm lớp bê tông nhựa dày 7cm, vận tốc thiết kế 60km/h, xây dựng đồng bộ với công trình thoát nước và hệ thống đảm bảo an toàn giao thông hoàn chỉnh. |
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Khi mới triển khai dự án, tiến độ thi công gặp nhiều khó khăn, chậm 70% so với kế hoạch dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là do thời gian đầu không có mặt bằng để thi công, khiến nhà thầu không thể triển khai thi công hạng mục nền đường do không có đất đắp, phải chờ phê duyệt hồ sơ phát sinh; chờ thủ tục chuyển đổi đất rừng đặc dụng, chờ di chuyển công trình công dẫn đến thi công cầm chừng. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều vướng mắc do nhiều vị trí buộc phải di chuyển công trình công.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chủ đầu tư và các nhà thầu đã có nhiều giải pháp vượt khó, bảo đảm chất lượng dự án. Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên đã thành lập văn phòng, túc trực 24/24h tại công trình. Trực tiếp nghiệm thu sản lượng thi công, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc vật liệu đầu vào; áp dụng, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Các đơn vị thi công tích cực huy động tối đa máy móc, nhân lực, xây dựng phương án thi công hợp lý để triển khai dự án.
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công, những ngày này trên tuyến đường đi vào khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, chủ đầu tư đã tăng cường giám sát chặt chẽ, phối hợp với các đơn vị địa phương gấp rút hoàn thành các hạng mục của công trình.
Ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Dự án còn một số đoạn nhà thầu đã thi công xong nhưng chưa thể bàn giao được vì còn vướng đường điện. Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị điện lực để di dời nhanh chóng, đảm bảo tiến độ mà dự án đã đề ra".
Sau khi tuyến đường đi vào khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa được mở rộng, bảo đảm an toàn giao thông sẽ giúp phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế, xã hội. Đây cũng chính là niềm mong mỏi lớn nhất của người dân và chính quyền địa phương.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Định Hóa đang tích cực chuyển mình, tạo nhiều đột phát nhằm biến tiềm năng du lịch thành lợi thế, trở thành động lực phát triển cho vùng đất chiến khu xưa.