Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên Vụ phó Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) – người vừa được tôn vinh trong Chương trình truyền hình trực tiếp “Một trái tim – một thế giới” gửi đơn đến các cơ quan chức năng để ngăn chặn đối tác muốn biến dự án nhân đạo thành dự án thương mại.
Dự án Trường Mầm non Hòa Bình đang bị chính quyền tạm đình chỉ thi công sau khi có đơn của bà Hòa |
Toan tính vì miếng mồi ngon
Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình (Trung tâm) là tổ chức từ thiện tự nguyện do bà Hòa và một số cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh lập, Trung tâm trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tâm huyết của tập thể cán bộ, nhân viên và sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Trung tâm đã giữ vững ổn định và từng bước phát triển.
Đến nay, Trung tâm đang nuôi dạy và bảo trợ 325 trẻ em thiệt thòi bất hạnh đến từ 25 tỉnh, thành, trong đó phần lớn các cháu ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Có 109 trẻ em nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Trung tâm bảo trợ đến cuối đời.
Ngày 4/3/2010, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1020 thu hồi 4.185 m2 đất tại ô đất C10/NT2 Khu đô thị mới Nam Trung Yên, Cầu Giấy giao cho Trung tâm để xây dựng Trường Mầm non Hòa Bình, thời hạn 50 năm, được miễn tiền sử dụng đất. Mục tiêu của dự án là đầu tư và quản lý vận hành Trường Mầm non Hòa Bình với phương thức hoạt động kinh doanh có thu, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ công tác nhân đạo từ thiện cho các trẻ em thiệt thòi được Trung tâm đón nhận và bảo trợ.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm cho biết, thời điểm được cấp phép xây dựng Trường Mầm non Hòa Bình, Trung tâm cực kỳ khó về tài chính nên hợp tác với Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 309 ngày 10/2/2010. Theo đó, một pháp nhân mới - Cty TNHH Giáo dục & Đầu tư Hòa Bình được thành lập (trên cơ sở góp vốn giữa Trung tâm, Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình cùng một số cá nhân) và được giao toàn quyền thi công Trường Mầm non.
“Trong quá trình triển khai dự án, vì phải chữa bệnh ở nước ngoài, tôi với vai trò là Giám đốc Trung tâm đã ủy quyền điều hành Trung tâm và dự án cho một Phó Giám đốc. Khi về nước, phát hiện nhiều điểm bất cập, tôi đã đàm phán trực tiếp và phát hành nhiều công văn đề nghị đối tác cùng giải quyết các bất cập. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực đó đều bị bỏ qua, thậm chí đối tác còn thách thức, xây rào chắn và đẩy mạnh tốc độ xây dựng”, bà Hòa bất bình.
Có thể tuyên hợp đồng vô hiệu
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước thời điểm ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, Trung tâm đã thực hiện đúng, đầy đủ các qui trình của pháp luật để thực hiện dự án. Đến nay, toàn bộ diện tích đất mà UBND TP. Hà Nội giao cho Trung tâm đều được đưa vào xây dựng Trường Mầm non (trên 3.000m2) và khu nhà nhân đạo (trên 1.000m2). Khu nhà nhân đạo đã hoạt động ổn định từ tháng 6/2010.
Nguyên nhân khiến bà Hòa phải cầu cứu các cơ quan chức năng bắt nguồn từ hợp đồng hợp tác đầu tư ký kết giữa Trung tâm với Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình. Theo Hợp đồng số 309, tỷ lệ góp vốn của Trung tâm là 10%, Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình là 90%.
Luật sư Nguyễn Minh Anh, Văn phòng Luật sư Trí Minh nhận định: Tỉ lệ góp vốn này là không hợp lý. Trung tâm là chủ đầu tư dự án, đứng ra xin đất, góp hơn 4.000m2 đất mà lại chỉ chiếm có 10% vốn đầu tư dự án nên không thể bảo đảm được quyền lợi cho các trẻ em thiệt thòi đang được bảo trợ tại Trung tâm.
Vì lẽ đó, quyết định đề nghị đối tác đàm phán thương thảo lại hợp đồng, cân nhắc đến tư cách chủ đầu tư và phần đóng góp của Trung tâm là hoàn toàn chính xác và hợp pháp. Việc Cty TNHH Giáo dục & Đầu tư Hòa Bình, căn cứ vào hợp đồng hợp tác nói trên để thực hiện quyền triển khai xây dựng Trường Mầm non Hòa Bình trong thời gian vừa qua là không đúng với quy định của pháp luật.
Về pháp lý, cần khẳng định: Hợp đồng hợp tác đầu tư số 309 không thể là căn cứ pháp lý để xác lập quyền của Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình và Cty TNHH Giáo dục & Đầu tư Hòa Bình đối với dự án xây dựng Trường Mầm non Hòa Bình. Việc Trung tâm đứng ra hợp tác với một tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án do mình làm chủ đầu tư phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sự hợp tác giữa Trung tâm và Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Vì lẽ đó, cho đến khi đạt được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội, chỉ có duy nhất Trung tâm mới là chủ đầu tư dự án, và cũng chỉ duy nhất Trung tâm mới có quyền tiến hành việc xây dựng, triển khai, vận hành và quản lý Trường Mầm non Hòa Bình. “Do đó, tôi cho rằng, việc hợp tác giữa Trung tâm và Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình nên được chấm dứt. Và trên thực tế, hợp đồng này đã có những dấu hiệu sai phạm (chưa xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) nên theo quy định của pháp luật có thể bị tuyên vô hiệu” - Luật sư Nguyễn Minh Anh khẳng định.
Được biết, bà Hòa đã khởi kiện Cty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình ra TAND TP Hà Nội. Hy vọng, tòa án sẽ có phán quyết thấu tình đạt lý để một dự án nhân đạo cao cả không bị biến tướng để kiếm lời.
Đức Trường