Dự án sân bay Long Thành: Phấn đấu hoàn thành phần xây dựng vào cuối năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 28/12, khi kiểm tra thực địa Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Đồng Nai, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, công trình này không cho phép chậm nữa, tất cả dồn vào mục tiêu hoàn thành phần xây dựng vào cuối năm 2024.
Dự án sân bay Long Thành: Phấn đấu hoàn thành phần xây dựng vào cuối năm 2024

Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, đến nay, tỉnh đã giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam với tổng diện tích 1.479,53ha/2.532ha, đạt 58,43%. Dự kiến phần diện tích khoảng 1.000ha còn lại, tỉnh sẽ hoàn thành giao trong quý I/2022. Dự kiến từ nay đến hết năm 2021, Đồng Nai sẽ giải ngân được 18.122 tỷ đồng, đạt hơn 79% tổng vốn đã bố trí.

Báo cáo về tiến độ xây dựng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết, đối với hạng mục san nền, ngày 17/12 vừa qua đã phát hồ sơ mời thầu và ACV sẽ tập trung trong 1 tháng là chọn xong nhà thầu. Ngay sau đó sẽ khởi công hạng mục này với khối lượng dự kiến hơn 56 triệu m3 đất. ACV đặt mục tiêu khởi công phần thân nhà ga trong tháng 10/2022, thời gian thi công dự kiến khoảng 30 tháng. Về hạ tầng cảng hàng không, đến nay đã chọn được liên danh tư vấn, sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật vào tháng 6/2022, khởi công vào tháng 8/2022, bảo đảm theo kịp tiến độ nhà ga.

Ghi nhận nỗ lực của ACV nhưng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chưa hài lòng với việc các hạng mục chậm được hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công thực tế. Theo Phó Thủ tướng, san lấp là hạng mục quan trọng, mà thời gian 30 tháng là quá dài.

Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Nai tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng bởi đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển mới cho địa phương. Đồng thời, phải thiết lập trụ sở Ban quản lý dự án tại công trường, Phó Thủ tướng nêu rõ, tinh thần là cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu cuối năm 2024 là hoàn thành phần xây dựng, đầu năm 2025 vận hành thử và khánh thành. Do đó, chủ đầu tư cần đưa ra yêu cầu cao hơn về tiến độ đối với nhà thầu, tư vấn.

Cùng ngày, trong chuyến kiểm tra thực địa hướng tuyến và làm việc về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đổi mới phương pháp, phối hợp chặt chẽ để khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, khởi công công trình vào tháng 10/2022.

Phó Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng đã chủ động thực hiện chủ trương của Chính phủ, chủ động nhận vai trò là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, Lâm Đồng chủ động tìm, bố trí nguồn vốn cho dự án. Đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ tốt đa cho Lâm Đồng để làm nhanh, làm đúng các thủ tục về phê duyệt chủ trương dự án.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm trình Bộ NN&PTNT xem xét việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, chậm nhất là vào 10/1/2022, để có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, Bộ GTVT sớm triển khai đoạn cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, tỉnh Lâm Đồng triển khai đoạn Bảo Lộc-Liên Khương để nối thông cao tốc đoạn Dầu Giây-Liên Khương, qua đó kết nối TP HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.

Đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Đông Nam Bộ với khu vực Tây nguyên, Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66 km, là một trong 3 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Liên Khương (có tổng chiều dài 200,3 km) nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời gian 2021-2030.

Tại cuộc làm việc, các bộ bày tỏ sự ủng hộ triển khai dự án, luôn đồng hành cùng địa phương, đẩy nhanh triển khai các thủ tục để dự án sớm được khởi công. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa, đồng thời cam kết triển khai đoạn cao tốc Dầu Giây-Tân Phú để đảm bảo khai thác liền mạch, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Đọc thêm