Dự báo diễn biến chất lượng không khí: Người dân cần được tiếp cận và hướng dẫn

(PLVN) - Trong những năm gần đây, diễn biến bất thường về chất lượng không khí ở Thủ đô thường gây lo lắng trong dư luận. Tuy nhiên, rất khó để trả lời câu hỏi chất lượng không khí ở Hà Nội có ô nhiễm không và nếu có thì đến mức nào. 
Chất lượng không khí tại đô thị đang khiến dư luận lo lắng.

“Loạn” thông tin chất lượng không khí 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trong Thủ đô Hà Nội. Nguyên nhân chính có thể kể tới việc sử dụng bếp than tổ ong, bụi và khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp nội đô, hoạt động đốt rơm rạ ở các vùng lân cận, diện tích cây xanh, mặt nước còn thiếu thốn trong đô thị…

Bên cạnh đó còn có các sự cố môi trường do những sơ suất, bất cập trong phòng ngừa, ứng phó với rủi ro. Không chỉ Hà Nội, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, tác động tiêu cực tới sức khoẻ cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, khó có thể xác định mức độ ô nhiễm của những địa phương, đô thị này như thế nào để có các giải pháp xử lý triệt để. Theo TS. Lý Bích Thủy - Viện Khoa học & Công nghệ môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội thì “Bản thân ô nhiễm không khí là một vấn đề phức tạp, liên quan đến rất nhiều loại thành phần ô nhiễm khác nhau, từ hạt bụi ở nhiều kích thước đến các chất ô nhiễm dạng khí và phụ thuộc rất nhiều đến các yếu tố khác nhau như điều kiện khí tượng, hoạt động của con người. Chúng ta mới chỉ nắm bắt được một bức tranh sơ bộ chứ chưa thể có được thông số chính xác”.

Đáng nói, chuyện công bố thông tin chất lượng môi trường không khí vẫn chưa đồng bộ ở tất cả các địa phương, đô thị, khiến người dân hoang mang. Mặc dù, một số đô thị đã chủ động thông tin quan trắc và đánh giá môi trường không khí lên Cổng thông tin của tỉnh/thành phố nhưng nhiều địa phương lại chậm trễ trong việc công bố thông tin về chất lượng không khí. 

Trả lời báo chí, TS.Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: “Có hai nguyên nhân khiến người ta không muốn chia sẻ dữ liệu là vốn dĩ trước đây Nhà nước không có thói quen công khai số liệu, bây giờ cũng không muốn vì sợ số liệu không đủ chất lượng, số liệu không đồng đều do thiết bị quan trắc cũng thường trục trặc, mỗi lần như thế phải ngừng vận hành mà ngừng vận hành thì trống dữ liệu thu thập”. 

Mặt khác, khó có thể kiểm soát hết các luồng ý kiến trái chiều trên các mạng xã hội, các trang web, bản đồ ô nhiễm môi trường, các app thông tin chưa rõ mức độ tin cậy. Dữ liệu đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ, trong nước và ngoài nước, cùng các loại thiết bị đo lường chất lượng không khí (từ các máy đo lắp tại nhà dân đến các sensor, trạm quan trắc). 

Có quá nhiều thông tin khác nhau được công bố sẽ gây nhiễu loạn tâm lý và niềm tin của người dân, mỗi người tiếp nhận thông tin một kiểu, khó thể tránh khỏi hiểu lầm thông tin, tuyên truyền sai lệch. 

Người dân cần được khuyến cáo cụ thể hơn

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. 

Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước. Mặt khác, Thủ tướng còn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về chất lượng không khí, các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí kịp thời, chuẩn xác. Các trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang trong cộng đồng sẽ bị xử lý nghiêm theo  các quy định của pháp luật. 

Quan trọng nhất là người dân và giới chuyên gia cần được tiếp cận với các thông tin chính thống từ các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường ở các tỉnh, thành phố. Nếu các cơ quan chức năng chủ động công bố thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí đến người dân một cách rõ ràng, kịp thời thì có thể tránh được rất nhiều hiểu lầm tai hại và những luồng dư luận tranh cãi không đáng có. 

Hiện nay, trong bối cảnh công nghệ 4.0, các kênh thông tin đến người dân cũng đa dạng và nhanh chóng hơn, giới chức nhà nước cũng không thể “lười” sử dụng đa dạng các kênh thông tin mới để tuyên truyền, cảnh báo người dân hiệu quả hơn. 

Để tránh việc đưa thông tin chung chung, dư luận hiện nay phần lớn quan tâm đến các thông tin cơ bản như: thành phố đang sử dụng hệ thống quan trắc nào; mức độ hiện đại và chính xác đến đâu so với tiêu chuẩn thế giới; vị trí các trạm quan trắc hoặc máy đo được đặt ở đâu; những thông tin quan trắc đánh giá môi trường từ các trạm, thiết bị này có đủ để đại diện cho tổng quan môi trường của cả khu vực hay không; người dân cần được khuyến cáo ra sao khi chất lượng ô nhiễm không khí ở mức xấu, có hại...

Đáng nói, hiện nay thông tin về chất lượng không khí tới người dân mới chủ yếu dừng ở việc thông báo mức độ tốt – xấu của không khí chứ chưa khuyến cáo người dân cần làm gì. So sánh với thành phố Seoul (Hàn Quốc), khi chất lượng không khí ở mức có hại cho sức khoẻ, người dân được chính phủ khuyến cáo tránh ra ngoài đường vào các khung giờ nhất định. Thậm chí, trước các khung giờ ô nhiễm lên cao, các tuyến tàu điện ngầm, xe buýt được miễn, giảm giá vé để khuyến khích người dân về nhà sớm sau giờ làm việc. 

Mức độ ô nhiễm không khí ở các đô thị hiện đang là vấn đề nóng, được quan tâm hàng ngày. Vì thế, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một nhận thức đúng đắn về thực trạng chất lượng môi trường đô thị, trong đó có chất lượng không khí, cũng như các hành động để cải thiện tình hình. 

Đọc thêm