Đủ điều kiện khởi tố hình sự vụ xâm hại cây bồ đề

 Công ty TNHH Thủ Đô II đã bị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi “tự ý di dời cây xanh”. Tuy nhiên, vụ việc có thể sẽ không dừng lại ở mức độ xử lý hành chính khi Giám đốc Công an Hà Nội cho hay “đang cân nhắc xử lý hành chính hay hình sự trong vụ việc này”

Công ty TNHH Thủ Đô II đã bị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi “tự ý di dời cây xanh”. Tuy nhiên, vụ việc có thể sẽ không dừng lại ở mức độ xử lý hành chính khi Giám đốc Công an Hà Nội cho hay “đang cân nhắc xử lý hành chính hay hình sự trong vụ việc này”.

[links()]

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Nguyễn Bắc Hà - Phó Chánh thanh tra Sở Xây Dựng Hà Nội, người ký quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Thủ Đô II (Cty Thủ đô II) cho hay:“Nếu cơ quan công an cho trằng đây là vi phạm hình sự và được yêu cầu thì chúng tôi sẵn sàng rút quyết định xử phạt (để đảm bảo một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần) và chuyển giao hồ sơ cho cơ quan công an để xem xét khởi tố vụ án”.  

Cây bồ đề được tìm thấy ở bãi Sông Hồng thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ trước khi được đem về trồng lại

Trong một động thái khác, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an Tp Hà Nội phát biểu với báo giới rằng: “Chúng tôi chỉ đạo CQĐT phải xem xét trách nhiệm của những người đã chặt phá cây này, xem xét việc xử lý hình sự hay xử lý hành chính, đúng với hành vi vi phạm mà các đối tượng gây ra”.

Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho hay: "Tiếp tục điều tra làm rõ hành vi huỷ hoại tài sản nhà nước, truy tố trước pháp luật để làm gương". Tiếp tục quá trình xử lý, trước mắt Công an Hà Nội sẽ đề xuất thành lập Hội đồng định giá tài sản để xác định giá trị thiệt hại.

Rất có thể, việc định giá cây sẽ phải xem xét thực tế tại hiện trường. Tuy nhiên, qua hồ sơ hiện có, có thể xác định sơ bộ giá trị vật chất của cây vì biên bản “Bàn giao mặt bằng cây xanh” ngày 22/6/2010 (trước khi bị bứng hạ hơn 4 tháng) thể hiện, “cây cổ thụ, có đường kính D>=1m, cây xanh tốt, phát triển bình thường, cần bảo tồn nằm trong hệ thống cây bóng mát trên địa bàn thành phố”.

Trước đó 1 tháng, Cty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cũng xác định “cây bồ đề đường kính 80cm, chiều cao 10m, cây xanh tốt, phát triển bình thường”.

Hồ sơ cũng cho thấy, Cty Thủ đô II đã từng xin phép di dời cây. Khi không được cơ quan chức năng chấp thuận thì xảy ra việc bứng, hạ cây như trên. Sự việc này, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhìn nhận: “Công ty làm dự án ở đó, lấy lý do là cây bị đổ để đào mang đi chỗ khác.

Tuy nhiên, qua dư luận báo chí, qua điều tra, cây đó không phải bị đổ mà do ảnh hưởng đến dự án đó, hay là họ muốn mở rộng dự án về thiết kế xây dựng nên mới đào bỏ” và“Sai phạm của công ty thể hiện vì lợi ích của doanh nghiệp, coi thường kỷ cương về vấn đề bảo vệ cây xanh cho thành phố.

Ông Nhanh cũng khẳng định: “Đây là vi phạm nghiêm trọng. Nếu qua điều tra ban đầu xác định đủ dấu hiệu hình sự, sẽ khởi tố, điều tra làm rõ”.

Xung quanh vụ việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Tạ Anh Tuấn - VP Luật sư Tín Việt và Cộng sự:

Có dấu hiệu tội “Cố ý huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”?

 * Thưa ông, từ góc nhìn từ của một Luật sư, ông có quan điểm xử lý như thế nào về việc Cty Thủ Đô II bứng cây bồ đề tại đường 19/12?

- Việc bứng, hạ cây bồ đề rồi đem đi bỏ chỗ khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền thì rõ ràng là vi phạm rồi. Tuy nhiên, để xác định đây là hành chính hay hình sự, phải dựa vào mức độ gây thiệt hại của hành vi; tức là, nếu cây bồ đề này có giá trị trên 2 triệu đồng thì đã có dấu hiệu của tội “Cố ý huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 143 BLHS).

Luật sư Tạ Anh Tuấn

Ngoài ra, nếu giá trị cây không đến 2 triệu mà hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc trước đó, người thực hiện hành vi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì cũng bị khởi tố.

Xin nói thêm rằng, theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2001 của VKSNDTC - TANDTC - Bộ Công an - Bộ Tư pháp thì “gây hậu quả nghiêm trọng” có thể là hậu quả phi vật chất. Trong trường hợp này, có thể xem xét hậu quả về tinh thần như: gây dư luận xấu, gây bất bình trong nhân dân, xâm hại đến “cây thiêng” trong tín ngưỡng của người dân, tại 1 nơi có dấu ấn lịch sử như đường 19/12…

Một pháp nhân (công ty) không thể bị khởi tố nên để truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ việc này, phải cụ thể hoá hành vi. Tức là phải xem xét những cá nhân nào có hành vi vi phạm cụ thể ra sao? Ví dụ, ai là người chủ mưu bàn cách “hạ cây”, ai là người “ra lệnh”, ai là người giúp sức, thiệ hiện….?

Đã có hành vi huỷ hoại tài sản thì phải có người bị hại. Tôi cho rằng, cây bồ đề bị bứng là tài sản của Nhà nước, được giao cho Cty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội quản lý nên đơn vị này được coi là bị hại trong vụ án (nếu được khởi tố).

 * Nhưng trong giải trình, Cty TNHH Thủ Đô 2 cho rằng, trong quá trình thi công, “bức tường bị đổ làm cây bồ đề bị đổ theo” và họ “không báo sự việc với cơ quan chức năng mà đã mang cây đi trồng chỗ khác”… chứ không cố ý hạ cây?

- Việc vô ý hay cố ý hạ cây sẽ được cơ quan chức năng làm rõ (qua lưòi khai, qua giám định xem cây có bị cưa, chặt không…). Nhưng giả sử có chuyện cây bồ đề bị đổ thì đây vẫn là tài sản của Nhà nước. Cây đổ không có nghĩa là cây đã bị chết. Cây đổ vì bất cứ lý do gì thì anh vẫn phải báo cho đại diện chủ sở hữu hoặc có ngay biện pháp trồng lại cây.

Nhưng anh lại tự ý chở đi chỗ khác, rồi 2-3 ngày sau mới được người dân phát hiện trong tình trạng “củi khô” là không được. Nhất là khi anh đã có cam kết rằng, “việc cắt sửa, chặt hạ, đánh chuyển phải có Giấy phép của Sở Xây dựng. Nói tóm lại, dù anh không cố ý trong việc hạ cây thì anh vẫn cố ý trong việc không thực hiện các biện pháp cứu cây, để cây bị chết.

 * Thưa Luật sự, hiện cây bồ đề đã được trồng lại, chưa chắc là cây này sẽ chết và mọi người đang nỗ lực cứu cây.

- Việc Cty Thủ Đô 2 mang lại cây về trồng chỉ được coi là việc khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ chứ nó không thể biện minh cho việc huỷ hoại cây trước đó được. Qua việc nội dung giải trình, “bằng sự nỗ lực với tinh thần cầu thị và lắng nghe ý kiến của các báo, đơn vị đã mang cây bồ đề trồng lại tại vị trí cũ”, có thể thấy, Cty Thủ Đô II phải trồng lại cây là do “áp lực của dư luận” chứ không phải xuất phát từ việc Cty này đã nhận thức được sai phạm. Làm rõ “động cơ, mục đích” của việc bứng, hạ cây trên, sẽ hiểu rõ thêm việc Cty Thủ Đô II trồng lại cây có nằm ngoài mong muốn, ý định ban đầu hay không.

 * Xin cảm ơn ông!

PV

Đọc thêm