Anh Đặng Hoàng Giang bày tỏ: “Nếu con tôi đi học, khách nước ngoài đến cho kẹo socola thì con tôi có thể đứng chờ ở cổng trường, và bỏ học. Những đứa trẻ không biết gì cả, nếu cho kẹo thì đương nhiên chúng sẽ thích. Tôi cho đây là một hành vi làm xâm phạm đến nhân phẩm, đằng sau hành vi đó là nụ cười của những đứa trẻ, bởi họ là những người nghèo khổ đáng thương, lạc hậu. Việc cho kẹo xuất phát từ tích cực, sự yêu thương. Đây là một sự yêu thương ích kỉ, vì yêu thương cho kẹo cũng có thể dẫn đến cái sai nếu như không có tri thức đi kèm”.
Tâm thư gây “sốt”
Mới đây nhất, trên Facebook xuất hiện một số hình ảnh nhiều trẻ em vùng cao nhặt bánh kẹo được vứt ra từ ô tô chở khách du lịch trên đường, cùng với dòng trạng thái: “Cho thì cho đàng hoàng, vừa đi vừa vứt xuống đường vừa nguy hiểm vừa phản cảm (Đường từ Đồng Văn về Yên Minh Hà Giang sáng 15/10/2016)”.
Tại nhiều điểm du lịch ở Hà Giang, chính quyền đã dán thông báo khuyến cáo “Khách du lịch không cho trẻ em địa phương tiền, bánh kẹo. Trẻ em sẽ bỏ học chữ để đi xin tiền, bánh kẹo”
Những hành vi cho tiền, bánh, kẹo của khách du lịch vô tình đã tác động chưa tốt đến văn hóa cũng như cuộc sống của người dân địa phương, tạo nên một hình ảnh chưa đẹp về một số vùng du lịch tại Việt Nam.
Chính vì vậy, việc tự nhận thức của khách du lịch về các hành vi du lịch của mình là điều hết sức cần thiết, có thể coi như một kỹ năng cần có cho người đi du lịch nhằm góp phần giữ gìn văn hóa, cuộc sống của người dân địa phương.
Người xưa vẫn nói “của cho không bằng cách cho”. Một cô gái đã bức xúc đăng tâm thư trên trang cá nhân facebook gửi các phượt thủ. Trước đó, người dân cao nguyên Mộc Châu cũng đã viết tâm thư cầu xin các phượt thủ đừng vì thú vui của bản thân mà phá hoại vườn hoa cải của họ. Mất 10.000 đồng vé vào cửa, nhóm phượt thủ có lẽ đã “phá cho bõ” số tiền chi ra để có những bức ảnh đẹp!
Bức thư lan truyền trên mạng có đoạn:
“Hà Giang mình toàn đá, toàn rừng già, toàn hoa cỏ dại, lấy đâu ra sơn hào hải vị, lấy đâu ra chăn ấm đệm êm, điều hòa, nóng lạnh khi những đứa trẻ vẫn thiếu cái quần, cái áo và thiếu thốn đủ điều. Các bạn lên Hà Giang như lên theo phong trào cho vui vậy, chứ đâu phải là trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống nghèo khổ và thời tiết khắc nghiệt ở nơi đây.
Dân phượt, chúng tôi gọi các bạn như vậy và các bạn cũng coi mình như vậy, nhưng các bạn có phải là dân phượt thật sự chưa??? Các bạn có tự mang đồ ăn để nấu, ngủ trong rừng hay ven đường, sống cảnh thiếu thốn thực sự chưa mà tự cho mình là dân phượt?
Các bạn đi mà phải nói là “lao đi” mới đúng, như những con ngựa hoang chưa được thuần hóa, khiến nhiều lúc mình ngồi trong nhà còn giật mình huống hồ người đi đường. Các bạn đi đến đâu hoa chết đến đấy, giẫm lên hoa, nằm lên hoa, ngủ trên hoa chắc cảm giác này phải phiêu lắm các bạn mới làm như thế được.
Các bạn có bao giờ nghĩ đến người dân nơi đây khổ sở vất vả như thế nào mới trồng được những bông hoa như vậy không (mình chỉ nói một số bạn không có ý thức thôi nhé. Xin các bạn đừng vứt rác bừa bãi đi đến đâu cũng vứt la liệt nhìn mà thấy khiếp…
Các bạn đang làm gì, nói gì về quê hương mình vậy? Một Hà Giang nghèo nàn được nổi lên như một hiện tượng, thậm chí nó là thiên đường do các bạn đặt chứ với mình, Hà Giang quê mình hoang sơ lắm, nghèo nàn và lạc hậu lắm, đừng nâng nó lên tận mây xanh rồi vùi dập nó như vậy, hãy cứ để nó hoang sơ như nó vốn có đi.
Con người nơi đây tuy tầm hiểu biết không cao, cuộc sống nghèo nàn nhưng tình cảm giữa con người và con người luôn được đặt lên hàng đầu, họ sống tình cảm, thật thà chả có cái kiểu lừa lọc, trộm cắp hay đại loại gì đâu (đa số người dân nơi đây là vậy)...
Du lịch với ý nghĩa gì?
Vừa qua, Talkshow “Kẹo Ngọt Cho Ai?” là một buổi trò chuyện mang đến cái nhìn đa chiều về những tác động của du lịch đến văn hóa, cuộc sống của người dân địa phương đang sinh sống tại các vùng du lịch được tổ chức bởi nhóm hoạt động về sự phát triển của người dân tộc thiểu số, với thành viên là các bạn thanh niên Hmông đang sinh sống và học tập tại Hà Nội.
Talkshow có sự tham gia của ba vị khách mời: chị Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O’chau, chị là người phụ nữ Hmông đầu tiên được nhận giải “30 Under 30” trong tổng số 30 gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam năm 2016.
Anh Lê Minh Hiếu, đại sứ cộng đồng CouchSufing Hanoi và Việt Nam. Anh Đặng Hoàng Giang, PGĐ Trung tâm hỗ trợ cộng đồng và nghiên cứu phát triển, tác giả cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can”.
Talksow “Kẹo Ngọt Cho Ai?” là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động gây quỹ cho chương trình Tết Mông Xuống Phố đã được tổ chức thành công và tạo được sự lan tỏa tự hào văn hóa mạnh mẽ trong cộng đồng người Hmông vào ngày 17 tháng 01 năm 2016.
Talkshow nhằm mong muốn những người khách du lịch sẽ tự nhận thức được ảnh hưởng của mình đến việc giữ gìn văn hóa của người dân địa phương, góp phần xây dựng một hình ảnh du lịch đẹp trong mắt bạn bè bốn phương cùng với việc phát triển du lịch bền vững.
Anh Đặng Hoàng Giang bày tỏ: “Nếu con tôi đi học, khách nước ngoài đến cho kẹo socola thì con tôi có thể đứng chờ ở cổng trường, và bỏ học. Những đứa trẻ không biết gì cả, nếu cho kẹo thì đương nhiên chúng sẽ thích.
Tôi cho đây là một hành vi làm xâm phạm đến nhân phẩm, đằng sau hành vi đó là nụ cười của những đứa trẻ, bởi họ là những người nghèo khổ đáng thương, lạc hậu. Việc cho kẹo xuất phát từ tích cực, sự yêu thương. Đây là một sự yêu thương ích kỉ, vì yêu thương cho kẹo cũng có thể dẫn đến cái sai nếu như không có tri thức đi kèm”.
Theo anh Giang, khi đi du lịch, anh luôn luôn đi với tâm trạng có lỗi, bởi rất khó để nói là mình luôn đi có trách nhiệm. Nếu đi với mục đích là muốn học, muốn biết, xem cuộc sống họ như thế nào, thì ít ra với tâm thế muốn học sẽ giúp chúng ta gây ít tác hại hơn.
“Trên Sapa cũng có những em đi bán hàng, cũng có những lời nói không được phù hợp, tại sao những người ngoài không tôn trọng chúng tôi? Chúng tôi không cần một con cá mà chúng tôi cần một cái cần câu. Các em cần lời ăn tiếng nói, một nụ cười, một lời hỏi thăm, cần những cái bắt tay hơn là “ném kẹo.
Chúng ta đừng có giẫm chân lên nhau mà sống, hãy tôn trọng nhau, con người mới là cái quý giá nhất. Chúng tôi luôn luôn tự hào là chúng tôi cũng có thể hòa nhập. Cái giá trị lớn nhất không thể nằm ở bề ngoài.
Đừng dẫm chân lên nhau mà sống, hãy tôn trọng nhau. Hôm nay, tôi ngồi đây nói chuyện với mọi người là do tôi phải học, tôi rất trân trọng những văn hóa của chúng tôi, tôn trọng những ngày thơ bé của tôi”, chị Tẩn Thị Su bày tỏ chân thành.
Trải qua quá trình phát triển, các quốc gia đều bắt đầu hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó có phát triển du lịch bền vững. Du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững có sự tương đồng về khái niệm và mục tiêu.
Khái niệm du lịch bền vững ra đời từ năm 1992, tuy nhiên đối tượng và phương pháp thực hiện như thế nào vẫn là vấn đề luôn được đặt ra. Trước nhu cầu thực tế đó, khái niệm du lịch có trách nhiệm được đưa ra năm 2002 thể hiện cách thức tiến hành để thực sự hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Du lịch có trách nhiệm giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, tăng cường lao động, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn.
Du lịch có trách nhiệm tại các điểm đến được hiểu là việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch; khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa nhằm duy trì một thế giới đa dạng; cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách thông qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương, tạo hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương; tạo cơ hội cho những người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn; tôn trọng văn hóa địa phương, khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa khách du lịch và người dân địa phương; tạo dựng niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho cộng đồng.