Vẻ đẹp từ những thước phim

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian đã phủ lớp bụi lên những thước phim cổ, tấm ảnh cũ, tuy nhiên giá trị của chúng không mất đi. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hối hả, sôi động với nhiều âm thanh, màu sắc đa dạng trên truyền hình, nhưng nhiều người trẻ vẫn dành tình cảm cho các bức ảnh cũ, thước phim xưa.

Nhìn lại một thời hoàng kim của phim Việt

Hoàng Thị Loan (24 tuổi, sinh sống Hà Nội) chia sẻ, cô thường thích xem lại các bộ phim những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Dù đang sinh sống ở Hà Nội, nhưng gốc gác của Loan vốn ở một làng quê Bắc bộ. Cô thích vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của con người ở nông thôn. Thích thời kỳ internet, mạng xã hội chưa nhộn nhịp như bây giờ, con người sống với nhau bằng tình làng, nghĩa xóm.

Cô tâm sự: “Khi xem lại những phim đó tôi thấy chiều sâu nội dung, có tính nhân văn cao. Tôi cảm thấy phim lột tả được đời sống và hiện thực xã hội thời điểm đó, thấy được như có một phần cuộc sống mình trong phim. Vì thế mà xem phim xong mình có nhiều điều suy ngẫm, chiêm nghiệm”.

Bộ phim xưa để lại nhiều giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. (Nguồn: Cellphone S)

Bộ phim xưa để lại nhiều giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. (Nguồn: Cellphone S)

Một số bộ phim như “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng 12”. Loan cho biết, cô rất thích bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, kịch bản của bộ phim được nhà văn, nữ biên kịch Đoàn Lê chuyển thể từ 3 tác phẩm độc lập của Nam Cao. Những nhân vật của ông: từ ông giáo Thứ đến Lão Hạc, từ Chí Phèo, Thị Nở đến Bá Kiến, Lý Cường... được nhà biên kịch tài ba này quy tụ về trong một không gian văn hóa của làng Vũ Đại trước Cách mạng Tháng 8/1945.

Cô chia sẻ: “Dù đó là những thước phim không có màu, nhưng các nhân vật diễn rất có hồn, tự nhiên. Tôi như chìm trong cuộc sống của người nông dân Việt Nam vào những năm 1945. Sống trong những túp nhà tranh đơn sơ, quẩn quanh bên trong vòng đời bé nhỏ”.

Minh Ngọc (28 tuổi, sinh sống ở Bắc Ninh) cho biết, anh là một người học chuyên ngành nghệ thuật. Từ nhỏ, Minh Ngọc đã thích xem phim, nhưng anh đặc biệt dành tình cảm cho những bộ phim xưa được sản xuất từ 20 - 30 năm đổ về trước. Nhiều người nói Ngọc “cổ hủ”, “lạc hậu”. Nhưng đối với anh, những bộ phim xưa mang cảm giác chân thực, gần gũi, hồn nhiên, mộc mạc như chính tâm hồn người Việt Nam.

Anh tâm sự: “Tôi thích nhất bộ phim “Người Hà Nội” được công chiếu lần đầu năm 1996. Bộ phim có nhiều tuyến nhân vật khác nhau. Dù có số lượng nhân vật đông đảo, nhưng mỗi người một tính cách, một số phận. Từ một cô Thảo xinh đẹp nhưng có nội tâm mạnh mẽ, hay thay đổi. Tới cô Lãm đại diện cho số phận người phụ nữ thời xưa chỉ biết chăm chồng, thương con, nhẫn nhục. Hay cô Diễm, người phụ nữ của thế hệ mới sắc sảo, quyết đoán, sẵn sàng tự mình bươn chải kinh doanh”.

Minh Ngọc cho biết, càng xem, anh càng cảm thấy “thấm”. Sao mà phận đời những người phụ nữ đó lại giống mẹ, giống bà anh đến vậy. Bà anh cả đời tần tảo lo cho con, cho cháu, dù khó khăn mấy cũng nhẫn nhịn để gia đình êm ấm, hạnh phúc. Còn mẹ anh, người phụ nữ sinh ra trong thời kỳ đầy biến động, bà phải bươn chải, dùng tài năng khéo léo lo toan, vun vén cho gia đình.

Bộ phim “Chị Tư Hậu” đã để lại trong lòng Minh Ngọc nhiều cảm xúc ngổn ngang. Anh cho biết, mỗi lần xem chị Tư Hậu, anh vừa thấy xót xa, vừa yêu thương những người phụ nữ Việt Nam đã tham gia cách mạng. Anh cho biết: “Diễn viên Trà Giang đã khắc họa chị Tư Hậu vừa dịu dàng, đằm thắm, vừa kiên cường, mạnh mẽ. Giống như những mẹ Việt Nam anh hùng, người vợ, người con gái thời xưa. Bình thường, họ e ấp, nhẹ nhàng, thanh lịch, khi xảy ra chiến tranh họ kiên cường, bất khuất không kém gì những đấng nam nhi”.

Khác với Minh Ngọc và Hoàng Loan, Nhật Linh (32 tuổi, sinh sống tại TP HCM) cho biết, anh lại thích các bộ phim tư liệu thời xưa. Anh chia sẻ: “Hiện nay, Việt Nam có nhiều bạn trẻ sản xuất các bộ phim chất lượng, so với ngày xưa còn đôi phần chưa dày dặn nhưng các bậc tiền bối”.

Thực tế, lùi về khoảng 30 - 40 năm trước, những tác phẩm như “Chuyện tử tế” hay “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy từng tạo nên “cơn sốt” hâm mộ với công chúng phim đương thời. Ngày đó, phần vì ít phim, lựa chọn giải trí thiếu thốn, phần vì đó là giai đoạn hoàng kim của phim tài liệu Việt Nam với vô số giải thưởng quốc tế, nên dòng phim này được khán giả đón nhận nhiệt tình. Đạo diễn Trần Văn Thủy từng được mời đi nói chuyện ở cả trong nước lẫn nước ngoài về 2 tác phẩm tài liệu xuất sắc của mình.

Bộ phim, bức ảnh cổ vẫn thu hút được rất nhiều người trẻ. (Ảnh: Minh Ngọc/NVCC)

Bộ phim, bức ảnh cổ vẫn thu hút được rất nhiều người trẻ. (Ảnh: Minh Ngọc/NVCC)

Tiếp tục phát huy giá trị những thước phim cổ

Mới gần đây nhất, sự kiện giao lưu và công chiếu phim Tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy vừa diễn ra. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần phim Tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

“Hà Nội trong mắt ai” là một bộ phim tài liệu Việt Nam, sản xuất bởi Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương do Trần Văn Thủy làm đạo diễn. Tác phẩm thực hiện năm 1982, công chiếu lần đầu vào 1983 nhưng bị cấm chiếu cho tới 1987 mới được tái phát hành rộng rãi. Phim sử dụng những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn liền với Hà Nội để liên hệ suy nghĩ của dân chúng về tình hình xã hội trước thềm Đổi mới.

“Hà Nội trong mắt ai” mở đầu bằng hình ảnh nghệ sĩ guitar khiếm thị Văn Vượng và mong muốn của ông được một lần tận mắt chứng kiến vẻ đẹp Thủ đô Hà Nội. Tiếp đó phim kể lại những câu chuyện và nhân vật gắn liền với lịch sử thành phố: từ Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thì Nhậm tới Bùi Xuân Phái. Buổi công chiếu phim đã thu hút được đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi đến xem, trong đó có rất nhiều thanh, thiếu niên đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên.

Không chỉ ở Hà Nội, việc chiếu bộ phim cổ, phim xưa cho thanh, thiếu niên đã được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện. Hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố trong dịp tháng 4, tháng 5/2024 lịch sử và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024, Trung tâm Thông tin Triển lãm và Điện ảnh thành phố kết hợp với Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức chiếu phim miễn phí phục vụ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố.

Trong tuần lễ này, các em học sinh được thưởng thức những bộ phim như: “Tiếng cồng định mệnh” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Khúc tráng ca cuối cùng” của nhà văn Chu Lai; bộ phim “Mùi cỏ cháy” lấy bối cảnh từ sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị; bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ trận chiến giữa hổ và voi” khắc họa vai trò quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường Điện Biên Phủ; bộ phim tài liệu “Trận đánh huyền thoại sân bay Cát Bi” có nội dung về chiến thắng Cát Bi ngày 7/3/1954 là trận tập kích chiến lớn nhất, tiêu biểu nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Hải Phòng về trình độ tác chiến…

Người trẻ nô nức xếp hàng xem phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Nguồn: qdnd.vn)

Người trẻ nô nức xếp hàng xem phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Nguồn: qdnd.vn)

Thực tế, những bộ phim xưa vẫn đang thu hút người trẻ bảo tồn, phục dựng và lan tỏa cho cộng đồng. Đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), bộ phim tài liệu “Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân” được phục chế màu và giới thiệu trên mạng xã hội, ngay lập tức thu hút hàng nghìn lượt xem.

Được biết, đây là thành quả của chàng trai trẻ Viêm Hồng Quang. Cơ duyên đưa anh đến bộ phim, do một lần tình cờ xem bộ phim “Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân” của đạo diễn Hà Lan Joris Ivens (1898 - 1989) thực hiện năm 1967, hoàn thiện năm 1968, khiến anh rất xúc động.

Đặc biệt là đoạn cậu bé 9 tuổi Phạm Công Đức tự tin trả lời phỏng vấn trước ống kính như thể đang nói lên ý chí bất khuất của một dân tộc. Từ cảm xúc đó, anh bắt đầu tìm hiểu bộ phim và biết đạo diễn Xuân Phượng (người phiên dịch cho đạo diễn Joris Ivens khi làm phim này - PV) chính là người phỏng vấn cậu bé khi xưa. Bà đã chia sẻ với anh rất nhiều về 2 tháng làm phim tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Sau khi được bà Xuân Phượng chia sẻ, anh quyết tâm phục chế màu cho bộ phim và giới thiệu lên các trang mạng như Facebook, Youtube, như món quà tri ân của thế hệ sau đối với thế hệ trước, những người đã vất vả, hy sinh để có bộ phim và hơn thế là có được hòa bình như hôm nay.

Hiện, bản phim phục chế màu đã được chiếu tại Vĩnh Linh, địa điểm quay bộ phim khi xưa. Sau đó, đại diện tỉnh Quảng Trị đã gửi tặng Hồng Quang một bản phim chuẩn được lưu trữ. Anh tiếp tục làm trên bản mới đó, thêm phần thuyết minh tiếng Việt (bản phim gốc bằng tiếng Pháp) để chia sẻ đến mọi người nhân ngày 27/7 năm nay.

Đọc thêm