TP trực thuộc Trung ương không cần điều kiện đăng ký thường trú riêng
Dự thảo Luật bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn TP trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật này, nhiều ý kiến tán thành qui định này; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương như Luật hiện hành.
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các TPố trực thuộc Trung ương đã được khảo sát về việc không cần thiết quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với TP trực thuộc Trung ương như trong Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các TP lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Đồng thời, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn (do là nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn).
Hơn nữa, so với quy định hiện hành, điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, TP trực thuộc Trung ương theo dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện về diện tích bình quân tối thiểu của nơi ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nên thực chất đối với TP trực thuộc Trung ương chỉ là bỏ điều kiện về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú. Như vậy, sẽ chỉ tăng số người dân có đăng ký thường trú chứ hầu như không dẫn đến tăng dân số cơ học.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về quản lý dân cư, cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, nên tập trung vào các giải pháp có tính tổng thể về quy hoạch, xây dựng, phân bố dân cư và hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, có tính chất phân biệt đối xử giữa các vùng, miền, nông thôn, đô thị.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy rằng, trên thực tế, không chỉ ở các quận nội đô, mà ở một số tỉnh hoặc một số huyện thuộc TP trực thuộc Trung ương cũng đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn; số người đăng ký tạm trú tăng nhanh, thậm chí nhiều hơn số người đăng ký thường trú và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn, ở nhờ.
Do đó, cần phải có một số điều kiện nhất định đối với việc đăng ký thường trú của nhóm đối tượng này nhằm bảo đảm điều kiện sống thiết yếu của người thuê, mượn, ở nhờ và phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú.
Khi nào bỏ được sổ hộ khẩu giấy?
Dự thảo Luật thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin, cụ thể như quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên CSDLQG về dân cư, CSDL về cư trú.
Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ cá nhân đã thể hiện trên CSDLQG về dân cư cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Tuy nhiên, theo kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành.
Do đó, nhiều ý kiến lo rằng, nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến CSDLQG về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép cơ quan Nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên CSDLQG về dân cư, CSDL về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú.
Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 7 chương, 40 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.