Du lịch bụi hồn nhiên thì hiểm họa sẽ chờ phía trước

(PLO) - Vậy là phượt thủ bị lạc ở rừng Tà Năng đã được tìm thấy, đã tử vong sau bao nỗ lực tìm kiếm của cơ quan chức năng và các tình nguyện viên. Thêm một vụ việc đau lòng cảnh báo cho cơn sốt du lịch bụi đầy mạo hiểm nhưng thiếu kĩ năng của các bạn trẻ.
Những tình nguyện viên tổ chức vào rừng tìm kiếm Thi An Kiện. Ảnh: Bảo Lê

Không phải cái chết đầu tiên

Phượt thủ Thi An Kiện, 24 tuổi, bắt đầu hành trình trekking qua cung đường Tà Năng - Phan Dũng cùng nhóm bạn với đầy háo hức khám phá của tuổi trẻ. Không ai ngờ, chỉ một ngày sau đó (12/5), Thi An Kiện bị lạc nhóm và mất tích. Trong suốt một tuần lễ, cả cơ quan chức năng và tình nguyện viên bao gồm bạn bè, các hướng dẫn viên, phượt thủ... kể cả chó nghiệp vụ đã được huy động để lục soát từng ngõ ngách cánh rừng. Nhưng ngày 20/5 vừa qua, thi thể Kiện đã được tìm thấy ở tầng sâu của một con thác, xác định là bị ngã xuống. Bao chờ đời, kì vọng của người thân và bạn bè Kiện đã bỗng chốc trở thành nỗi thất vọng và đau đớn. Đây cũng là một “cú sốc” cho cả cộng đồng phượt cùng những người trẻ mê du lịch bụi, yêu thích khám phá thiên nhiên. 

Thời gian gần đây, Tà Năng - Phan Dũng bỗng chốc trở thành cung đường trekking “hot” nhất của cộng đồng phượt. Đây là cung đường đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng chiều dài khoảng 55km. Để hoàn thành cuộc hành trình, những người tham gia phải băng rừng, vượt đèo, vượt suối và thác, và di chuyển từ độ cao 1.100m xuống 500m so với mực nước biển. Tất cả nhằm được tận mắt thưởng ngoạn những cảnh tượng hùng vĩ, hoang sơ tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Và còn một lý do nữa, đó là trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng đã trở thành một “niềm tự hào”, hay nói cách khác là minh chứng cho “phượt thủ thứ thiệt”, theo quan niệm của nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho những khoảnh khắc đẹp ngỡ ngàng, những bức ảnh ấn tượng hay sự trầm trồ của những người chung quanh, là những hiểm nguy khó lường, thậm chí mất mạng.  Đây không phải là lần đầu tại cung đường này xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Cách đây chỉ vài tháng, một nữ phượt thủ tuổi đời còn rất trẻ đã phải nằm lại ở cung đường này, vì sau một trận mưa, khe suối nhỏ đang êm ả bỗng trở thành thác dữ và cô gái không kịp lên bờ trước khi nước lũ cuộn đến...

Chủ quan là nguyên nhân

Còn những vụ tai nạn xảy ra cho các phượt thủ tại cung đường đẹp nhất Việt Nam cũng không ít. Anh Quang Huy, một trong những người làm nghề dẫn đường cho du khách khám phá các cung đường “phượt” chia sẻ, trường hợp có người lạc nhóm khi trekking qua cung đường Tà Năng cũng đã xảy ra, nhưng may mắn là phát hiện và tìm ra ngay được. Ngoài ra còn có một số nguy hiểm khác rình rập phượt thủ như rắn cắn, té ngã hay bị sốt do dị ứng thời tiết, do côn trùng... Tất cả những điều này nếu xảy ra trong đời sống hàng ngày thì tương đối dễ xử lý, nhưng giữa rừng sâu mông quạnh, nhiệt độ ban đêm rất thấp và thiếu thốn đủ thứ thì mọi chuyện trở nên rất nghiêm trọng, một sai lầm nhỏ có thể đánh mất tính mạng như chơi. Cạnh đó, khe suối nhỏ hiền hoà cũng đồng thời chính là một cái bẫy có thể lấy mạng phượt thủ chỉ sau một cơn mưa.

Chị Thu Hồng, một trưởng phòng nội dung website dành cho bà mẹ trẻ em cũng chia sẻ câu chuyện “rùng mình” về cung đường này. Vì háo hức trước một cung đường đẹp và chiều các con, mong muốn các con được rèn luyện, trau dồi kĩ năng sống và tiếp xúc với thiên nhiên, chị và bạn bè đã tổ chức chuyến trekking vượt rừng Tà Năng.

Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi những người lớn và lũ trẻ vượt qua khe suối. Một nửa thành viên trong nhóm đã qua được bờ bên kia của suối, nhóm còn lại chưa kịp qua thì con suối đã “trở mặt”, trở nên hung dữ, chảy xiết. May mắn là chị Hồng và các con đã kịp thời quay lại bờ bên này. Họ đã chờ đợi suốt nhiều tiếng đồng hồ trong ướt lạnh để con suối hiền hoà trở lại nhằm vượt suối hội ngộ cùng đoàn, tuy nhiên, thấy đêm bắt đầu xuống với hơi rừng quá lạnh, bị ướt và chờ đợi bên bờ suối rất nguy hiểm, chị Hồng quyết định cùng những người lớn và trẻ con còn lại tìm đường mò mẫm quay trở lại bìa rừng. Sau chuyến đi đầy nguy hiểm và sợ hãi đó, chị tự hứa với mình không bao giờ dám mạo hiểm tính mạng gia đình như thế nữa và sẽ chỉ du lịch bụi khi đã trang bị an toàn tối đa.

Sau cái chết của phượt thủ Thi An Kiện, khá nhiều nhóm phượt đã cân nhắc và quyết định huỷ bỏ chuyến trekking Phan Dũng - Tà Năng vì mất tinh thần và cũng vì bắt đầu ý thức được sự nguy hiểm của cung đường này, nhất là khi mùa mưa đã tới.  

Nhưng các cung đường du lịch đầy nguy hiểm không chỉ có Tà Năng. Từng có những phượt thủ, những đoàn du lịch bụi lạc đường, bị thương khi tìm cách chinh phục đỉnh Phanxipang ngày chưa có cáp, những phượt thủ bỏ mạng trên những đoạn cua gắt cùi chỏ vùng đèo Đông Bắc, thậm chí có cả những phượt thủ lạc lối ở một ngọn núi khá dễ đi như núi Bà Đen.

Tất cả mọi điều đều có thể xảy đến, nếu bạn trẻ đi du lịch bụi với một tâm thế quá hồn nhiên và liều lĩnh, đi theo một trào lưu, theo sự ham thích nhất thời, bất chấp sức khoẻ, thiếu hiểu biết về địa hình, thiếu kĩ năng du lịch khám phá và không có sự đề phòng, chuẩn bị cùng như lường trước mọi rủi ro... 

Đọc thêm