Du lịch cân bằng cảm xúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Áp lực từ cuộc sống, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhiều yếu tố khác khiến nhiều du khách tìm đến những kỳ nghỉ dưỡng, trải nghiệm chữa lành trong năm 2023. Nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Mexico, Pháp, Hy Lạp, Thái Lan, Ấn Độ… đã đầu tư và phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch sức khỏe và chữa lành tâm hồn. Nhìn lại Việt Nam, dù có rất nhiều tiềm năng nhưng du lịch sức khỏe mới ở giai đoạn khởi đầu, vẫn còn tương đối ít sản phẩm đặc sắc.
Thái Lan cũng là một “ngôi sao mới nổi” trong ngành du lịch sức khỏe. (Ảnh: TTG Asia)
Thái Lan cũng là một “ngôi sao mới nổi” trong ngành du lịch sức khỏe. (Ảnh: TTG Asia)

Xu hướng tìm kiếm sự an yên

Yếu tố sống khoẻ (wellness) ngày càng được chú trọng hơn trong ngành du lịch toàn cầu. Trong những năm qua, ngày càng có nhiều điểm đến chăm sóc sức khỏe ở mọi nơi trên thế giới, xuất phát từ nhu cầu gia tăng của du khách trong bối cảnh cuộc sống và công việc của họ có thêm nhiều thách thức, căng thẳng.

Từ cuối năm 2021, du lịch sức khoẻ không chỉ gói gọn trong những tour “chữa lành” về bệnh tật vật lý mà còn cả về sức khoẻ tâm lý, tinh thần, cảm xúc. Có thể hiểu đơn giản, một mô hình du lịch “chữa lành” toàn diện bao gồm việc kết hợp các liệu pháp chăm sóc cơ thể (ví như spa) và tinh thần (ví như yoga, thiền định), kèm theo những hỗ trợ khác cho sức khỏe thể chất (ví như thực đơn ăn kiêng).

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành đạt mức 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới. Trước đó, trong báo cáo Kinh tế Sức khỏe toàn cầu do Viện Sức khỏe toàn cầu (GWI) công bố cuối năm 2021 đã đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2020 – 2025 là 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành chăm sóc sức khỏe nói chung.

Bên cạnh đó, khảo sát của Tổ chức Du lịch Sức khỏe Thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022 cho thấy, 76% người được hỏi cho biết họ muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe và 55% nói rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý.

Gần đây, nền tảng đặt phòng trực tuyến Booking.com cũng thực hiện một cuộc khảo sát với người dùng của họ. Kết quả cho thấy gần 44% du khách muốn đặt chỗ cho các chuyến đi thiền và chánh niệm, trải nghiệm kết hợp các liệu pháp chăm sóc sức khỏe, tinh thần.

Những trung tâm du lịch sức khỏe hàng đầu thế giới

Những năm qua, châu Á là khu vực dẫn đầu về cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch sức khỏe. Nổi bật là du lịch y tế tại Ấn Độ, nơi sở hữu những điểm đến trị liệu tuyệt vời, với nền y học cổ truyền, các phương pháp trị liệu tâm lý lâu đời, chào đón tất cả những người tìm kiếm sự an yên, thánh thiện từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Yếu tố sống khỏe ngày càng được chú trọng hơn trong ngành du lịch toàn cầu.

Yếu tố sống khỏe ngày càng được chú trọng hơn trong ngành du lịch toàn cầu.

Điển hình như Kanha Shanti Vanam tại thành phố Hyderabad được biết đến là trung tâm thiền định lớn nhất thế giới; Trung tâm thiền quốc tế Osho trong một khuôn viên xinh đẹp bao quanh bởi thiên nhiên hoang sơ, Koregaon của thành phố Pune; Trung tâm nghệ thuật Sống quốc tế Vishalakshi Mantap tại thành phố Bengaluru, một thiền đường bao gồm 5 tầng với thiết kế là những cánh hoa sen bao quanh… Tour “chữa lành” của Ấn Độ từ miễn phí cho đến có tính phí với mức giá có thể lên tới 10.000 USD/tuần. Lĩnh vực du lịch y tế năm 2020 ước tính trị giá 5 - 6 tỷ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là y học cổ truyền với các phương pháp trị liệu tâm lý lâu đời.

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng là một “ngôi sao mới nổi” trong ngành du lịch sức khỏe, với những tour trị liệu tâm lý gần như tốt nhất thế giới. Ngành trị liệu tâm lý tại nước này còn có các dịch vụ chữa trị cho người nghiện, bao gồm nghiện game, nghiện công việc, nghiện rượu... Giá một tour điều trị tại các resort hạng sang lên đến 16.000 USD/tháng.

Các số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Trung ương và Bộ Y tế Thái Lan cho thấy, trước dịch, Thái Lan đón khoảng 3,42 triệu lượt khách quốc tế theo dạng du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, doanh thu đạt tới 140 tỷ baht (3,99 tỷ USD). Sau dịch, du lịch sức khỏe chính là một trong những ngành đóng góp nổi bật vào sự phục hồi của ngành du lịch Thái Lan, trong đó 5 thị trường khách du lịch sức khỏe lớn nhất của Thái Lan là Kuwait, Campuchia, Myanmar, Nhật Bản và Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy ngành du lịch “chữa lành”, ví như chính sách “Sức khỏe để giàu có” (Health for Wealth); chính sách thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng với ngành du lịch sức khỏe của Ấn Độ.

Ở các nước phương Tây, xu hướng khách sạn và các khu nghỉ dưỡng bổ sung các gói dịch vụ chăm sóc tâm lý kèm theo chăm sóc thể chất ngày càng phổ biến hơn. Đặc biệt tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Mexico, Pháp, Hy Lạp..., những dự án du lịch sức khỏe thu hút mối quan tâm và nguồn đầu tư khổng lồ, nhằm cung cấp những trải nghiệm tập trung vào quá trình gắn kết cơ thể con người với tâm trí, thiên nhiên, giá trị bản địa. Trong đó, mỗi nơi sẽ có một cách thức tiếp cận riêng, các liệu pháp được sử dụng rất đa dạng, đơn cử như du lịch “chữa lành” bằng âm nhạc, hội họa; chăm sóc, nuôi thả động vật, trò chuyện nhóm, thiền định, trị liệu…

Theo thống kê của HotStarts, các khách sạn có đa dạng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thu về doanh thu cao hơn trung bình 43% so với các khách sạn không có dịch vụ này. Giải thích cho số liệu này có thể kể đến những ưu điểm của du lịch sức khỏe. Bên cạnh những liệu trình ngắn hạn, những dịch vụ trị liệu dài hơn có thể đến 14 ngày, giữ du khách ở lại trải nghiệm lâu hơn so với các chuyến du lịch nghỉ dưỡng thông thường.

Mặt khác, đặc thù của gói trị liệu là tính lặp lại. Một chu kỳ trị liệu như chăm sóc, tái tạo, phục hồi sức khỏe có thể kéo dài từ 3 - 12 tháng, định kỳ mỗi tháng 1 - 2 lần. Điều này tạo động lực cho khách hàng quay trở lại nhiều hơn, tạo ra hiệu ứng kích cầu, thúc đẩy phát triển mạng lưới khách hàng rộng lớn, tăng trưởng bền vững theo thời gian tại các điểm đến du lịch sức khỏe bài bản, chất lượng cao.

Tiềm năng bỏ ngỏ tại Việt Nam

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, những điểm đến có khí hậu lý tưởng, môi trường trong lành, hội tụ cùng các giá trị tài nguyên sẽ mang đến cho du khách những sự trải nghiệm sâu sắc về sức khỏe thể chất, cảm xúc tinh thần và trí tuệ.

Trong những điểm đến du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khoẻ có tiềm năng lớn nhất tại Việt Nam có thể kể đến tỉnh Thừa Thiên Huế, với lợi thế sở hữu bề dày văn hoá, nhiều danh lam thắng cảnh như Vườn Quốc gia Bạch Mã, vịnh Lăng Cô, bãi biển Cảnh Dương, Thuận An, Vinh Thanh,… mang nguồn không khí tươi mát, có thể chữa lành tâm hồn, thể chất. Vùng đất này có nền y học cổ truyền lâu đời, nhiều lương y, lương dược gắn liền với cung đình xưa và thái y viện triều Nguyễn; cùng với đó là hệ thống các bệnh viện với cơ sở hạ tầng, vật chất hiện đại.

Trong Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định du lịch chăm sóc sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thương hiệu của du lịch Cố đô. Trong đó chỉ rõ các giải pháp: “Tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế y tế trên địa bàn để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm miền Trung và tổ hợp y tế công nghệ cao phục vụ khám, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm y tế và kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Trên thực tế, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã và đang phát triển những tour chăm sóc sức khỏe bài bản kết hợp chữa bệnh giữa Đông - Tây y và khôi phục lại một số hoạt động của Thái Y Viện ở Hoàng Cung. Du khách cư trú trong các resort cũng có thể nhận được sự tư vấn, chăm sóc sức khỏe tận nơi từ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế, bên cạnh những điểm đến truyền thống như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quốc tế Huế…

Đến nay, mô hình du lịch sức khỏe ngày càng mở rộng sang nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này có thể phát triển mạnh mẽ, các chuyên gia hiến kế ngành du lịch cần phối hợp với ngành Y tế nhằm xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa các dịch vụ, quy trình khám, chữa bệnh tại những cơ sở du lịch; cùng với đó là ban hành các chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước...

Đọc thêm