Du lịch chật vật trước thách thức tăng giá xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chớm phục hồi từ đầu năm 2022, đến nay nhiều doanh nghiệp lại “đau đầu” trước thách thức tăng giá xăng dầu. Ngành du lịch rơi vào tình cảnh “thập diện mai phục”.
Nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến vận chuyển và nhiều dịch vụ cung ứng khách trong du lịch. (Ảnh minh họa)
Nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến vận chuyển và nhiều dịch vụ cung ứng khách trong du lịch. (Ảnh minh họa)

Chi phí tăng cao

Sau đà tăng 6 lần liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước có lần giảm đầu tiên. Xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 632 đồng/lít. Tuy nhiên, nhìn trên mặt bằng chung, giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phục hồi của ngành “công nghiệp không khói”.

Thời điểm nhiều đơn vị du lịch đang kích hoạt du lịch bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, thì cú tăng giá xăng dầu cao tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Xăng dầu tăng, giá vé vận tải sẽ tăng, từ hàng không đến đường bộ. Người đi du lịch bằng phương tiện cá nhân, gia đình cũng tính toán lại vì tổng chi phí cho xăng dầu quá cao.

Cùng với đó, giá xăng dầu tăng, đánh bắt hải sản chi phí cao, giá thực phẩm cung ứng cho du lịch cũng tăng theo. Như vậy, chi phí ăn uống trong cơ cấu giá tour du lịch cũng sẽ tăng.

Các dịch vụ vận chuyển du khách ở các địa phương, điểm đến cũng tăng giá, cộng dồn vào thì tổng chi phí cho tour du lịch tăng. Giá tour tăng, tiêu xài tốn kém hơn, đương nhiên sẽ giảm lượng khách tham gia. Các hãng lữ hành còn e ngại khả năng nhà hàng, khách sạn… sẽ tăng giá theo.

Giám đốc Công ty du lịch Sun Smile Travel Dương Thanh Hằng lo lắng, nếu tới đây giá một số dịch vụ như khách sạn, nhà hàng “leo thang” theo giá xăng dầu thì chắc chắn giá tour khó có thể giữ nguyên. “Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp lữ hành phải đối mặt không chỉ là thay đổi giá tour, mà còn là khả năng giảm thu hút khách, nhất là trong điều kiện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do dịch COVID-19” - bà Dương Thanh Hằng phân tích.

Không chỉ đơn vị lữ hành, các hãng hàng không cũng chật vật với nỗi lo tăng giá nhiên liệu. Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết giá vé máy bay đang có dấu hiệu tăng. Cụ thể, hiện tại, giá vé khứ hồi Hà Nội - Nha Trang vào khoảng 2,5 triệu đồng/người. Trong khi đó, chặng Hà Nội - Phú Quốc là 3,5 triệu đồng/người. “Mọi năm, dịp tháng 3, tháng 4, giá vé máy bay không cao thế này. Tôi nghĩ có 2 lý do chính. Thứ nhất là vì giá xăng, dầu tăng. Thứ hai, nhu cầu du lịch của khách Việt sau Tết tăng quá nhanh khiến giá vận chuyển tăng theo”, người này cho biết.

Trong khi đó, theo nhận định của Vietravel Airlines, những khó khăn đối với ngành hàng không vẫn chưa sớm kết thúc. Ngành hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác như chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát. Đồng thời, kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn.

Lữ hành “cân đong” từng chi phí

Theo nhiều doanh nghiệp, cái khó nhất lúc này là phải bù lỗ cho những sản phẩm đã bán ra với giá cũ. Việc giá xăng, dầu tăng không có nghĩa sản phẩm du lịch cũng tăng ngay theo được. Do đó, các sản phẩm đã bán coi như doanh nghiệp phải chịu thiệt.

Trong khi đó, để có thể cân đối doanh thu, nhiều đơn vị đã phải tăng giá tour. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp du lịch ngần ngại bởi họ đang cần thu hút du khách sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, trong cơ cấu giá thành của một chương trình du lịch, phần chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu hỏa, thuyền...) chiếm tỷ lệ cao nhất.

Cụ thể, đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe ô tô, chi phí này chiếm khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% giá tour nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Việc xăng dầu liên tục tăng giá khiến doanh nghiệp buộc phải đẩy giá tour lên cao.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại, nhưng ảnh hưởng của giá xăng dầu khiến giá tour tăng. Điều này sẽ giảm sức cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore” - ông Nguyễn Công Hoan lo lắng.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, nơi tập hợp của khoảng 8200 hội viên (gồm 200 hội viên chính thức và 8.000 hội viên online) cho biết, 2 năm qua, để kích cầu thị trường, các doanh nghiệp hội viên đã tính toán, cắt giảm lãi nhằm tạo ra chính sách giá tour tốt nhất để duy trì hoạt động, tuy nhiên với đà tăng giá lần này, giá tour sẽ lên đôi chút, vấn đề chỉ là thời gian. Đối với các hành trình xa, đi lại bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển nhiều khi lên tới 40, thậm chí là 50% tổng giá tour, chính vì thế việc tăng giá tour sẽ là điều không tránh khỏi.

Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng nhận định, với đà tăng giá này, hầu bao của nhiều người đều vơi đi, thu nhập khả dụng cũng giảm xuống nên việc chi tiêu cho các hoạt động không thiết yếu như du lịch, giải trí… sẽ bị tiết giảm.

Ông Quỳnh cho rằng, để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi mà vẫn có được những trải nghiệm tốt nhất cho mỗi người, mỗi gia đình, du khách nên lên kế hoạch cho chuyến đi từ sớm để tránh các phát sinh về chi phí.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, những nỗ lực phục hồi của ngành công nghiệp "không khói" vừa mới manh nha hình thành đã thực sự gặp thách thức và khó khăn không nhỏ với những tác động từ giá nhiên liệu đầu vào. Điều này một lần nữa làm cản trở đà hồi phục của ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Đọc thêm