Du lịch chữa bệnh sẽ lên ngôi?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau thời gian dài cả thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh gia tăng đã khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, mong muốn giải tỏa căng thẳng.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Những chuyến đi dài ngày của du khách sẽ không chỉ là tham quan đơn thuần mà còn là du lịch tận hưởng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo do nhiều người mắc các triệu chứng hậu COVID-19.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe do có nhiều điểm suối khoáng nóng, bùn khoáng trải dài cả nước, nhiều khu vực có khí hậu ôn hòa... Có thể kể đến du lịch chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác nước khoáng, nước nóng, khoáng bùn tự nhiên, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư khai thác như Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm - Tuyên Quang được Tập đoàn Vinpearl đầu tư, Khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh -Quảng Ninh, Khu du lịch suối khoáng nóng Thanh Thủy ở tỉnh Phú Thọ, được Tập đoàn YoKo của Nhật Bản đầu tư khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản…

Một số khu du lịch có cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, massage như khu du lịch Trăm Trứng, tỉnh Khánh Hòa, khu du lịch V- Resort ở tỉnh Hòa Bình, khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn - Bình Châu ở thành phố Vũng Tàu…

Các công ty du lịch cũng bắt đầu đưa ra sản phẩm du lịch thiền - yoga ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng. Những tour này thường có huấn luyện viên hướng dẫn tập cho du khách.

Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch hè 2022 và kích cầu du lịch sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3 vừa qua, Tập đoàn du thuyền và khách sạn cao cấp Paradise Vietnam hợp tác với Học viện Thiền quốc tế IMA g triển khai hải trình “Sức khỏe vàng” - du thuyền khám phá vịnh Hạ Long 2 ngày 1 đêm kết hợp trải nghiệm thiền nâng cao sức khỏe.

Đây là lần đầu tiên trên vịnh Hạ Long, hải trình du lịch được kết hợp với trải nghiệm thiền dưỡng sinh năng lượng được ông Lê Thái Bình (người sáng lập Học viện Thiền quốc tế IMA - Giám đốc Trung tâm dưỡng sinh thiền Việt, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) phát triển từ mật pháp thiền Việt thời nhà Trần.

Khác với hầu hết hải trình có trải nghiệm tập thái cực quyền tại vịnh Hạ Long, hải trình “Sức khỏe vàng” của Paradise Vietnam được thiết kế với các bài thiền chuyên sâu về thư giãn, chú trọng thở chậm, sâu sẽ giúp du khách đưa không khí giàu oxy đến các tế bào, cơ quan nội tạng, sâu nhất trong đáy phổi nhằm cải thiện các vấn đề về sức khỏe như đau mỏi vai gáy, stress, tăng đề kháng, đẩy lùi tật bệnh, đặc biệt là hồi phục sức khỏe, tổn thương hậu COVID-19. Trước đó, phương pháp này cũng được triển khai trực tuyến, nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân thông qua chương trình thiền vì cộng đồng “Phục hồi sức khỏe và chữa lành hậu COVID-19”...

Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Điều đó cho thấy, không chỉ khách quốc tế mà “sân nhà” cũng là mảnh đất màu mỡ của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, trong giai đoạn mới khi chẳng thể xuất ngoại, du khách bày tỏ mong muốn được xanh lối sống, mạnh thân tâm và lành tinh thần.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này. Đặc biệt, hai ngành cần liên kết xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe ở cả trong và ngoài nước.

Đọc thêm