Khó giữ chân du khách
Tham quan nhiều mô hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam, không khó để bắt gặp những nét văn hóa lai căng, pha tạp. Ở Sa Pa (Lào Cai) ngày nay đầy rẫy những nhà hàng, quán cà phê kiểu Âu để phù hợp với thị hiếu của khách du lịch quốc tế.
Địa phương này cũng đã biến đổi nhiều nét văn hóa bản địa để kinh doanh những sản phẩm ở miền xuôi. Ví dụ, tại Bản Hồ, những nghề được ưa chuộng ở đây lại là kinh doanh nước giải khát, khuân vác hành lý… cho khách nước ngoài bởi nghề truyền thống như làm đồ thủ công ít lợi nhuận, nay ít hộ bám nghề.
Như Bản Vàng Pheo (Lai Châu) nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Thái trắng, lại được trời phú cho cảnh quan đẹp, cùng với văn hóa nhà sàn độc đáo, ẩm thực đa dạng. Song khi đưa vào du lịch, du khách không khỏi thất vọng khi thấy hầu hết các nhà sàn chỉ bố trí sơ sài, sản phẩm từ nghề truyền thống còn quá đơn giản, vẫn chưa thấy những nét đặc trưng… như lời quảng cáo.
Tình trạng chung ở nhiều địa phương, là các khách sạn, homestay, nhà hàng trong cùng một khu vực, phục vụ cùng một loại dịch vụ, đồ ăn, thức uống nhưng giá mỗi nơi mỗi khác, phục vụ mỗi nhà một kiểu, thiếu sự đồng nhất.
Làm cách nào để biến du lịch cộng đồng từ sinh kế trở thành một nghề bền vững đối với cộng đồng địa phương, đem giá trị tới các bên liên quan là vấn đề cốt lõi được đưa ra mổ xẻ trong tọa đàm “Tăng cường sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam”, trong khuôn khổ Diễn đàn mô phỏng nghị viện trẻ (Việt Nam Youth Parliament) vừa qua.
Tại đây, nhiều chuyên gia nhận định, việc kinh doanh “ăn xổi” sẽ tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, chỉ mang đến những lợi ích “nhãn tiền” cho người dân nhưng không đem lại những giá trị du lịch bền vững về lâu dài.
Người dân chưa ý thức được cách làm du lịch, cũng chưa có chuyên môn nghiệp vụ để “giữ chân” du khách. Bởi vậy, mới có người ví von rằng, du lịch cộng đồng Việt Nam vẫn còn lộn xộn giống như “một rổ khoai tây, đổ ra là lăn lóc mỗi nơi một củ”, để mô tả thực tế ngày càng mất kiểm soát, thiếu định hướng trong loại hình du lịch này.
Là xu hướng nổi bật trong nhiều năm qua, nhưng các mô hình du lịch cộng đồng vẫn chủ yếu diễn ra manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng phục vụ thấp. Điều này kéo theo hệ lụy nhiều du khách “một đi không trở lại”, nguồn lợi du lịch không những không được khai thác hết mà nền văn hóa bản địa còn đứng trước nguy cơ mai một, lai tạp nội ngoại.
Bài toán giữ gìn bản sắc
Diễn giả Nguyễn Quang Trung – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam cho biết, mỗi tỉnh thành đều có một nét riêng biệt để khai thác và phát triển những mô hình du lịch cộng đồng khác nhau.
Nói riêng về ẩm thực, Hà Giang nổi tiếng món thắng cố, hay Hội An vang danh cao lầu, mì quảng; vì thế “đừng thay thắng cố bằng mỳ Ý”, bởi du khách muốn trải nghiệm, chứ không phải những điều quá quen thuộc ở quốc gia của họ.
Người cung cấp dịch vụ phải nắm rõ văn hóa vùng miền và tích cực áp dụng vào kinh doanh, để hướng dẫn du khách “nhập gia tùy tục” trong quá trình tìm hiểu thưởng thức văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc.
Theo diễn giả Nguyễn Thị Lệ Quyên – Quỹ Văn hóa Hà Nội, cộng đồng là những người tạo ra hệ sinh thái du lịch và tiếp tục giữ gìn hồn cốt và nét đẹp của văn hóa làng xã, cảnh quan tự nhiên; nhưng thực trạng du lịch cộng đồng lộn xộn ở nhiều địa phương dẫn tới nét văn hóa dân tộc đặc sắc đã phần nào mai một, không còn hấp dẫn du khách.
“Người H’mông đã không còn mặc trang phục truyền thống do chính tay họ dệt. Đất nông nghiệp ở các địa phương bị bán đi hoặc sử dụng xây nhà homestay, vậy du khách đến còn trải nghiệm gì nữa?” – bà Quyên chia sẻ.
Khi làm du lịch, cộng đồng có thể vì lợi nhuận mà dễ đánh mất bản sắc văn hóa. Vì thế, để khắc phục, cần có sự quan tâm đúng mực của các cấp chính quyền, có lộ trình nâng cao nhận thức tới người dân, mới đảm bảo tính bền vững của các mô hình du lịch cộng đồng.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, còn phải đi sâu vào nghiên cứu đặc trưng văn hóa vùng miền, tìm ra sự kết nối hòa hợp giữa người dân, doanh nghiệp du lịch và chính quyền các cấp.
Tóm lại, nếu không có một cơ chế hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người làm du lịch, cũng như biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cơ bản của cộng đồng thì loại hình du lịch này khó có thể phát triển bền vững về lâu dài.