Du lịch đô thị: Cần giải pháp phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Du lịch vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều đô thị tại Việt Nam nhưng cũng là nguyên nhân đẩy nhanh các vấn đề bất cập như quá tải du khách, ô nhiễm môi trường, áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng…
Hà Nội là một trong hai đô thị “hút” khách du lịch nhất cả nước. (Nguồn: tuyengiao.vn)
Hà Nội là một trong hai đô thị “hút” khách du lịch nhất cả nước. (Nguồn: tuyengiao.vn)

Đô thị vẫn là điểm đến phổ biến nhất

Các đô thị vẫn là điểm đến chính trong xu hướng du lịch toàn cầu bởi nhiều lợi thế như sự thuận tiện về giao thông, quy tụ đa dạng bản sắc văn hoá, các loại dịch vụ phong phú và dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn an ninh trật tự…

Theo số liệu của Liên Hợp quốc, có khoảng 56% dân số thế giới, tương đương với trên 4 tỷ người sống ở các thành phố, xu hướng này sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050. Theo đó, du lịch được xem là một trong những động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển của nhiều đô thị, đồng thời góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự đô thị mới và 17 Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 11 về “Làm cho các thành phố và khu định cư của con người trở nên hòa nhập, an toàn, kiên cường và bền vững”.

Hiệp hội du lịch và lữ hành thế giới cũng khẳng định, có gần 50% số chuyến du lịch quốc tế toàn cầu hiện nay có điểm đến là các đô thị, ví như London (Anh), Paris (Pháp), Milan (Ý), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản),… đều là những trung tâm “hút” khách du lịch của thế giới.

Tại Việt Nam, nổi bật nhất là Hà Nội và TP HCM đều là những thành phố có bề dày lịch sử, sở hữu bản sắc văn hoá đặc trưng và giao thoa, tốc độ phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng vượt bậc. Hai điểm đến này thường xuyên cùng nhau đứng đầu cả nước về phát triển du lịch, dần dần trở thành những “cực nam châm” thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số cái tên nổi trội nhất trong bức tranh du lịch đô thị nước ta.

Thống kê đến tháng 9/2022, Việt Nam có 888 đô thị với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nhiều đô thị sở hữu nhiều khả năng và tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai phá hết. Nhiều đô thị phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã cho thấy những kết quả đóng góp tích cực vào mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đó là tạo ra nhiều việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân bản địa, cải thiện cảnh quan, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng, thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Có thể kể tới Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Mới đây, tại Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã khẳng định: “Giai đoạn vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khá nhanh tạo điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch. Hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỉ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước”.

Thúc đẩy chính sách bền vững

Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị hiện đang là mối quan tâm hàng đầu và cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn ngành Du lịch, bởi nguồn thu to lớn mà du lịch đô thị mang lại, cũng như nhằm đáp ứng xu hướng du lịch bền vững tất yếu tại nước ta và trên thế giới.

Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy, phát triển du lịch đô thị thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: gia tăng sức ép đến môi trường, giao thông tại các khu, điểm du lịch, nhất là vào mùa cao điểm; quy hoạch cảnh quan đô thị có thể bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch; và một số vấn đề xã hội khác.

Đồng tình, TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng nhận định: Thực tế phát triển du lịch tại các đô thị ở Việt Nam như Sa Pa, Hạ Long, Hội An... cho thấy sự gia tăng lượng khách đến các đô thị, nhất là vào mùa cao điểm, góp phần gây nên những áp lực không nhỏ đến hạ tầng đô thị.

Bên cạnh các vấn đề giao thông, môi trường, sự phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu khách du lịch tại các đô thị đã dẫn đến xâm lấn không gian sống với người dân địa phương, quỹ đất thu hẹp, giá bất động sản tăng cao…

Trong thập kỷ hiện tại, ngành Du lịch Việt Nam định hướng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn phải bảo đảm phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, các sản phẩm du lịch đô thị vẫn là một trong những hướng ưu tiên chính.

Để hiện thực hoá các quan điểm, mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng cần phải tìm kiếm những giải pháp mới, sáng tạo hơn, linh hoạt và phù hợp hơn. Đặc biệt, cần quan tâm đến chính sách đối với phát triển đô thị mang tính đặc thù cho du lịch; phát triển năng lực quản lý của chính quyền đô thị theo hướng xanh và thông minh; tăng cường khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị, môi trường, nguồn nhân lực,…

Đọc thêm