Du lịch Hà Nội vượt 'rào cản' COVID-19 cách nào?

(PLVN) - Dự báo năm 2022 ngành du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, đưa ra nhiều giải pháp để đạt mục tiêu thu hút từ 10 - 12 triệu lượt khách du lịch...

Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, doanh nghiệp du lịch Thủ đô sẽ được hỗ trợ phục hồi, phát triển. Sở Du lịch Hà Nội sẽ đề xuất UBND Thành phố ban hành và triển khai kịp thời các giải pháp, cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển thị trường du lịch. Đồng thời, đề xuất đơn giản các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực du lịch; đề xuất giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm ký quỹ kinh doanh đối với doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngành du lịch Hà Nội đồng thời tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch Thủ đô. Các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện tích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.

Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp cùng các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo, chất lượng, để quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Nội. Trọng tâm là xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa là điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Một mặt, phối hợp với quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Ngành Du lịch đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới tập trung thu hút khách du lịch nội địa, như: Tour du lịch đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học, tour du lịch trải nghiệm "Đêm thiêng liêng" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò... Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị khởi động các sản phẩm du lịch trong tình hình mới.

Từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tính đến hết tháng 10/2021, Hà Nội chỉ có khách nội địa với 2,92 triệu lượt khách, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,18 nghìn tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2021, Hà Nội đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020). Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020).

Hà Nội hiện có 3.722 cơ sở lưu trú du lịch, với 69.954 phòng; trong đó, có 589 khách sạn xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 24.371 phòng, chiếm 15,8% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, có 20 khách sạn được UBND thành phố ra quyết định phê duyệt là cơ sở y tế tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 đến 5 sao ước đạt là 23%.

Năm 2022, ngành Du lịch đưa mục tiêu thu hút từ 10 - 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó từ 1,2 - 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8,8 - 10 triệu lượt khách du lịch nội địa; phấn đấu công suất sử dụng phòng trung bình năm của khối khách sạn trên 40% - 45%...

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm