Các tỉnh, thành “rục rịch” khởi động du lịch
Theo Nghị quyết Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, tính tới đầu tuần này (18/10), có 13 tỉnh, thành trên cả nước đã công bố đạt cấp độ phòng, chống dịch tiêu chuẩn bình thường mới (cấp 1).
Cụ thể, các tỉnh, thành công bố “vùng xanh” bao gồm: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên và Sóc Trăng. Bên cạnh đó, có 9 tỉnh, thành công bố thuộc “vùng vàng”, gồm: Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Nhờ nỗ lực chống dịch tiến triển tích cực tại những tỉnh thành này, ngành du lịch tỉnh đang có những dấu hiệu khởi động trở lại.
Tại khu vực miền Bắc, đơn cử hai tỉnh đều năm trong danh sách “vùng xanh” là Tuyên Quang và Lai Châu đều đã ngay lập tức có một số động thái phục hồi du lịch địa phương. Tại tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Na Hang vừa có kế hoạch tổ chức các hoạt động du lịch, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11.
Theo đó, các hoạt động du lịch sẽ được tổ chức tại thị trấn Na Hang, xã Năng Khả và Hồng Thái gồm: Khôi phục hoạt động chợ đêm, biểu diễn nhảy lửa của người Dao đỏ; trải nghiệm mùa vàng Hồng Thái, hội thi câu cá huyện Na Hang lần thứ nhất tại xã Năng Khả và các hoạt động cắm trại dã ngoại tại Phiêng Bung…
Còn tại tỉnh Lai Châu, mới đây UBND tỉnh mới ra quyết định rời thời gian tổ chức Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2021 sang tháng 12/2021 để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Điều này là hợp lý bởi hoạt động lễ hội, sự kiện tập trung đông người vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời gian này.
Tuy nhiên, ngoài những sự kiện lớn, tỉnh Lai Châu hướng tới đẩy mạnh các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Trước nay, tỉnh vẫn luôn được đánh giá cao bởi sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ, với nhiều nét văn hoá dân tộc thiểu số độc đáo, đa dạng..
Những điểm đến du lịch cộng đồng nổi tiếng thu hút du khách được mở cửa trở lại có thể kể tới bản Sin Súi Hồ - được vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu Việt Nam”, nằm ở độ cao gần 1.500m, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn huyền thoại. Hay bản Vàng Pheo - một trong những bản cổ xưa nhất của người Thái trắng có vị trí tựa mình vào núi Phu Nhọ Khọ, nằm ở nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm.
Hoặc bản Sì Thâu Chải của người Dao thuộc huyện Tam Đường, nằm ở độ cao 1.400m – vị trí tuyệt đẹp để ngắm toàn cảnh thị trấn Tam Đường với những cánh đồng lúa mênh mông. Cuối cùng, cũng không thể không nhắc tới bản Thẳm – nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Lự, thuộc xã Bản Hon, huyện Tam Đường.
|
Bản Sìn Suối Hồ ở tỉnh Lai Châu mở cửa đón khách. |
Về khu vực miền Trung, điển hình có tỉnh Quảng Nam mới đây công bố lộ trình khôi phục ngành du lịch tỉnh từ nay đến đầu năm 2022 với 4 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối tháng 10 này với thị trường mục tiêu là khách nội tỉnh và các tỉnh thành liền kề (vùng xanh).
Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ tháng 12, thí điểm đón khách theo luồng xanh nội địa từ một số tỉnh thành trên toàn quốc đã kiểm soát được dịch bằng các tour du lịch khép kín. Lúc đó, tất cả lao động các khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đã được tiêm 2 mũi vắc xin.
Giai đoạn 3 dự kiến từ tháng 1/2022 khi tình hình kiểm soát dịch diễn biến tốt, tỉnh sẽ mở rộng đón khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng với khách nội địa trên cả nước.
Giai đoạn cuối cùng khả quan nhất là đón khách quốc tế bằng chuyến bay charter sau khi mô hình Phú Quốc thí điểm kết thúc cũng như được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Tại khu vực miền Nam, tỉnh Sóc Trăng cũng đang tận dụng cơ hội đã nằm trong danh sách “vùng xanh” để phát triển các tiềm năng du lịch tỉnh. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng nằm trong không gian phát triển du lịch phía Tây với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái, trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, lịch sử, lễ hội.
Thời gian qua, nhiều điểm du lịch tiêu biểu ở Sóc Trăng đã được nâng cấp về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn trật tự và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: Chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Kh’leang, chùa Bốn Mặt, Nhà trưng bày Văn hóa Khmer,…
Bên cạnh đó, những điểm du lịch mới cũng được hình thành và từng bước phát triển như: Cụm du lịch cộng đồng tại ấp Phương An 3 (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú), Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách), Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung.
Cùng với đó là Đề án cấp tỉnh “Làng Văn hóa – Du lịch chợ nổi Ngã Năm” nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển; và các giải pháp khai thác tiềm năng du lịch khác như đẩy mạnh phát triển du lịch điện gió, du lịch biển, mở trở lại tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo… Tất cả những hoạt động này nhằm chuẩn bị cho những đợt kích cầu du lịch sau này khi các “vùng xanh” dần dần được mở rộng.
|
Du lịch tỉnh Quảng Nam thận trọng “mở cửa” theo bốn giai đoạn. |
Vẫn phải thận trọng từng bước
Các tỉnh thành không thuộc danh sách “vùng xanh” cũng đang nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều địa phương đã bước đầu mở cửa một phần với khách nội địa, thậm chí đã chuẩn bị cho viễn cảnh được đón tiếp cả khách quốc tế.
Điển hình là thành phố Đà Nẵng – thuộc “vùng vàng” – đã lên phương án khởi động và phục hồi du lịch. Theo đó, Sở Du lịch Đà Nẵng xác định khôi phục theo phương châm: “chủ động thích ứng, linh hoạt để đạt hiệu quả”; đồng thời bảo đảm an toàn cho khách, cộng đồng và nhân viên phục vụ. Trước mắt Sở đề xuất UBND thành phố phương án đón khách du lịch nội địa theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ 20/10/2021), đón khách du lịch tại chỗ là người dân Đà Nẵng; khách công vụ đến Đà Nẵng theo hướng dẫn công dân vào Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 (từ tháng 11/2021), điều chỉnh hình thức dịch vụ theo quy định phòng chống dịch, quy định đi lại của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải. Triển khai mô hình “bong bóng du lịch” với một số tỉnh thành kiểm soát tốt dịch bệnh để khai thác và trao đổi nguồn khách. Khách nội địa đến Đà Nẵng theo một hành trình khép kín. Hình thức chính là khách đi tour/combo khép kín qua công ty lữ hành khi đến Đà Nẵng. Tour/combo trọn gói có thể là tour nghỉ dưỡng, tour golf, tour nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí (tại Bà Nà/núi Thần Tài/Hội An/Ngũ Hành Sơn)…
Giai đoạn 3, hoạt động du lịch trong tình hình bình thường mới theo chỉ đạo của Chính phủ và cập nhật hướng dẫn mới của các bộ ngành, địa phương.
Đáng chú ý, Đà Nẵng cũng đã xác định lộ trình thí điểm đón khách quốc tế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11.2021 đến khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế), đón khách quốc tế và Việt kiều đi theo mục đích thương mại, công vụ, hồi hương, thăm thân nhân, nhập cảnh Đà Nẵng. Du khách sẽ được cách ly tập trung 7 ngày tại khách sạn được thiết lập làm cơ sở cách ly có thu phí do thành phố ra quyết định thiết lập, sau đó tự cách ly tại nhà 7 ngày. Giai đoạn này còn đón khách quốc tế đi du lịch theo tour/combo trọn gói khép kín tham quan du lịch Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 (khi Chính phủ cho phép khôi phục lại các đường bay quốc tế kèm các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ, thành phố), nguồn khách là thị trường Hàn Quốc, Nga; các thị trường khác cho phép công dân được đi nước ngoài, có độ an toàn cao về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Úc...
Nhìn chung, mô hình “vùng xanh” hiện đang được đánh giá là “chìa khoá” nối lại du lịch nội địa. Mặc dù vậy, do tính chất đặc thù nên du lịch là một trong số ít ngành kinh tế chuyển động thận trọng nhất trong bối cảnh bình thường mới hiện nay.