Du lịch Ninh Bình thời 4.0

(PLVN) -Trước sự bùng nổ của thời kỳ công nghệ số, những năm gần đây ngành Du lịch Ninh Bình đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số, ứng dụng số hóa vào phát triển du lịch thông minh.
Sở Du lịch Ninh Bình thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ làm du lịch trong tỉnh. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Tích cực chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang tác động đến toàn bộ cuộc sống của con người. Ở lĩnh vực du lịch, việc áp dụng công nghệ mới sẽ mang tính chất như một cuộc cách mạng, một bước chuyển mình trong tiến trình phát triển.

Trong thời gian qua, Ninh Bình đã chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với việc triển khai số hoá dữ liệu ngành Du lịch và kết nối cơ sở dữ liệu du lịch với các lĩnh vực của các sở, ban, ngành. Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, xúc tiến, xây dựng bản đồ số du lịch. Xây dựng hệ thống thông tin số du lịch, dịch vụ du lịch “thực tế ảo” với ứng dụng công nghệ 3D/4D, hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo nhằm mục đích hỗ trợ cho du khách, nghiên cứu xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh.

Các nền tảng quảng bá du lịch Ninh Bình trên trang fanpage "Ấn tượng Ninh Bình" ra mắt đúng dịp kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp; cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, điều hành, tương tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Qua phần mềm này, các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, kết nối, hình thành nên các tour tuyến mới; tạo thêm điều kiện cho du khách có cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp độc đáo, khác biệt của Ninh Bình.

Từ năm 2016 đến nay, ngành Du lịch tỉnh đã xây dựng và phát triển 3 trang tin điện tử tổng hợp phục vụ cho công tác quản lý và quảng bá du lịch gồm (sodulich.ninhbinh.gov.vn; dulichninhbinh.com.vn; trangandanhthang.vn). Ngành cũng khai thác khá hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok, Zalo, Google map với tên gọi chung "Ấn tượng Ninh Bình" để du khách dễ dàng định vị được thương hiệu du lịch Ninh Bình. Thông qua đó, hình ảnh du lịch Ninh Bình với nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử ngày một đến gần hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tại Khu Di tích Cố đô Hoa Lư, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa đã triển khai thử nghiệm sản phẩm quét mã QR thuyết minh tự động tại di tích. Từ tháng 7/2023, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, đồng thời để người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin, giới thiệu, quảng bá, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa theo hướng số hóa hiện đại.

Tiện lợi mã QR thuyết minh tự động

Du khách nước ngoài quét mã QR để trải nghiệm sản phẩm thuyết minh tự động,

Bà Lê Thị Bích Thục - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, trong những năm qua, bên cạnh công tác giữ gìn thì Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua đội ngũ thuyết minh viên. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan, có thời điểm số lượng thuyết minh viên không đủ để phục vụ hoặc số lượng thuyết minh viên có trình độ ngoại ngữ còn ít và chủ yếu là thuyết minh viên nói tiếng Anh, tuy nhiên có những đoàn khách lại yêu cầu ngôn ngữ khác, chủ yếu là tiếng Pháp hoặc tiếng Hàn Quốc… Những bất cập trên chưa đem lại sự hài lòng cho du khách về việc tìm hiểu thông tin cũng như chất lượng phục vụ.

Việc đưa vào thử nghiệm sản phẩm quét mã QR thuyết minh tự động đã đưa các thông tin của di tích đến gần hơn với du khách. Công nghệ thuyết minh chuyển đổi số này giúp cho du khách có thể truy cập nhanh chóng vào trang thuyết minh bằng mã QR code khi được số hóa dữ liệu thuyết minh.

“Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào du lịch, du khách là người chủ động dành thời gian cho chủ đề/vấn đề mà mình quan tâm. Công nghệ thuyết minh số được xây dựng đa ngôn ngữ dữ liệu dạng thuyết minh văn bản, ứng dụng sẽ có các ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới; Ứng dụng tự động phiên dịch sang tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Pháp... sẽ giúp cho du khách trong nước và quốc tế tiếp cận nhanh, thể hiện sự hiện đại về công nghệ của Trung tâm. Tự động đọc âm thanh thuyết minh theo văn bản tại màn hình điện thoại, du khách có thể tạm dừng hoặc nghe lại các đoạn thuyết minh. Du khách dễ dàng truy cập trên các thiết bị máy tính để bàn, mobile, tablet,… Sẵn sàng phục vụ khách tham quan bất kỳ thời điểm nào. Ứng dụng dễ dàng kết nối với các trang mạng xã hội để tìm kiếm các thông điệp hấp dẫn, quảng bá/quảng cáo thông tin, chủ động tiếp cận nhu cầu tham quan của xã hội”, bà Thục nói.

Theo anh Võ Nhật Quân, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sản phẩm quét mã QR thuyết minh tự động tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư rất hiện đại và dễ sử dụng... Toàn bộ thông tin dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh của di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư được đưa lên ứng dụng vừa rất trực quan và sống động... dễ ghi nhớ, giúp tôi hiểu thêm được nhiều giá trị, thông tin về di tích này và đem lại cảm xúc ấn tượng”.

Bà Lê Thị Bích Thục cho biết thêm, thời gian tới Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư sẽ triển khai thuyết minh tự động đối với các bảo vật quốc gia (02 Long Sàng, 01 bộ Phủ Việt gồm 04 hiện vật). Ngoài thuyết minh tự động 04 ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn, Pháp như hiện tại, trong thời gian tới sẽ triển khai thêm ngôn ngữ vào thuyết minh tự động để phục vụ được du khách nhiều quốc gia trên thế giới.

Khu di tích Cố đô Hoa Lư vừa được triển khai thử nghiệm sản phẩm du lịch quét mã QR để nghe thuyết minh tự động. (Nguồn: TTBTDTLSVH cố đô Hoa Lư)

Bên cạnh việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển du lịch, nhận thức được tầm quan trọng của việc bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao trình độ ngoại ngữ của người lao động trong ngành nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Hằng năm, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình xây dựng hệ thống các bài thuyết minh làm tài liệu hướng dẫn khách du lịch tại một số khu du lịch trọng điểm; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Phụ nữ tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý dự án EU (Tổng cục Du lịch), các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp được giao quản lý khu, điểm du lịch mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự đối với khách du lịch cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, từ năm 2010 đến nay, Sở Du lịch đã tổ chức 114 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho trên 17.500 cán bộ, nhân viên, người lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng dịch vụ kinh doanh du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Với nhiều giải pháp thu hút khách du lịch, trong đó việc ứng dụng khoa học công nghệ phát triển du lịch là một trong những giải pháp quan trọng, để cập nhật xu thế chung của thế giới cũng như mang đến những trải nghiệm mới, thú vị và chuyên nghiệp cho du khách trong nước và quốc tế. Mục tiêu năm 2023, toàn tỉnh đón 6,8 triệu lượt khách du lịch. Trong đó: Khách nội địa đón trên 6 triệu lượt khách, khách quốc tế đón 550 nghìn lượt, doanh thu ước đạt 6.850 tỷ đồng.

6 tháng cuối năm 2023, Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, đột phá về chất lượng và tính chuyên nghiệp, đồng thời bảo đảm hiệu quả và bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu định hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra, phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.