Từ Lễ hội cà phê Luân Đôn trực tuyến, chính quyền Mỹ lắp đặt camera cập nhật 24 giờ, tại lễ hội hoa anh đào ở Washington DC đến việc tiếp cận mô hình thực tế ảo của các phòng trưng bày nổi tiếng thế giới thông qua ứng dụng Art and Culture; những ý tưởng trải nghiệm du lịch thông qua Internet không lạ nhưng lại là một hướng đi mới trong bối cảnh hiện nay.
Sáng kiến về du lịch qua internet
Lễ hội hoa anh đào tại Washington DC (Mỹ) là lễ hội thường niên thể hiện tình hữu nghị Nhật Bản và Mỹ, được dự kiến tổ chức trong khoảng ba tuần từ ngày 20/3 đến 12/4, nhưng phải bị hủy bỏ bởi dịch bệnh bùng phát.
Chính quyền thành phố đã nảy ra sáng kiến lắp đặt hệ thống camera, liên tục cập nhật 24 giờ mỗi ngày những chùm hoa anh đào đủ màu sắc nở rộ trên 3.800 cây được trồng dọc theo hai bờ sông Potomac và hồ Tidal Basin. Việc làm này sẽ giúp người dân có thể ngắm hoa anh đào nở qua mạng internet mà không cần đến tận nơi, nhằm thoả mãn nhu cầu thưởng hoa của du khách mà vẫn bảo đảm an toàn cho sức khoẻ của họ.
Tại Anh, Lễ hội cà phê tại Luân Đôn thường được tổ chức vào cuối tháng 3 nhưng phải hoãn lại vì dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình này, Ban quản lý lễ hội đã đưa ra ý tưởng Lễ hội cà phê trực tuyến đầu tiên trên thế giới. Lễ hội cà phê trực tuyến sẽ được truyền hình trực tiếp từ Amsterdam qua các kênh YouTube và Facebook tới khán giả toàn cầu.
Như vậy, những người yêu thích và sành cà phê vẫn có thể chia sẻ niềm đam mê và hiểu biết của họ về cà phê thông qua các workshop trực tuyến với các chuyên gia thế giới về cà phê như các chuyên gia Ronny Billemon, Joe McTaggart, Talor Browne, hay các nhà vô địch barista Matt Winton, Wendelien van Bunnik.
Du lịch thông qua công nghệ thực tế ảo
Mặt khác, lĩnh vực du lịch bảo tàng cũng có những bước ngoặt mới. Trước khi chính phủ ban hành lệnh đóng cửa tất cả các điểm đến du lịch, Bảo tàng đương đại Delaware (Wilmington, Mỹ) đã có ý tưởng mô phỏng 3D tất cả các vật phẩm trưng bày tại đây và đưa lên website chính thức.
Không chỉ riêng Bảo tàng đương đại Delaware mà rất nhiều bảo tàng khác trên nước Mỹ cũng đang áp dụng công nghệ thực tế ảo để cung cấp những tour du lịch ảo cho du khách, nhằm đem đến những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Theo đó, Dự án Art & Culture của Google đã hợp tác với hơn 500 bảo tàng và phòng trưng bày trên nhiều quốc gia, để đem tới các trải nghiệm tham quan ảo trực tuyến. Đơn cử, chuyến tham quan Bảo tàng Guggenheim tại New York (Mỹ), Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia Washington DC; Bảo tàng Musee d’Orsay (Paris)…
Đáng nói, vào tháng 4/2019, phiên bản số hóa 3D lăng Tự Đức trong quần thể di tích Cố đô Huế (Việt Nam) cũng đã có mặt trên Google Arts & Culture, được thực hiện bởi Google và CyArk (tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn các di sản văn hóa thế giới dưới dạng kỹ thuật số).
Cũng trong năm 2019, Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp Google triển khai chiến dịch quảng bá các điểm đến du lịch hàng đầu tại miền Trung trên Google Art and Culture, trong đó có động Phong Nha, hang Én, hang Tiên... Google Arts & Culture là nền tảng hoạt động như một bảo tàng trực tuyến nơi cộng đồng có thể truy cập và xem những hình ảnh có độ phân giải cao của những tác phẩm nghệ thuật trong các bảo tàng và đối tác.
Trải nghiệm leo núi và thưởng ngoạn thiên nhiên cũng được nhiều nước trên thế giới đưa vào thực tế ảo. Các công viên tiểu bang South Carolina (Mỹ) đã ra mắt phiên bản thực tế ảo dài năm phút của chuyến đi bộ vất vả lên núi Table Rock vào tháng 1 năm nay.
Mục đích ban đầu là để những người có khả năng di chuyển hạn chế hoặc sức khoẻ không quá tốt cũng có thể tận hưởng chuyến trekking 3,6 dặm, đồng thời giảm tải áp lực quá tải du lịch gây ô nhiễm môi trường.
Mới đây, trong giai đoạn dịch bệnh, Ban quản lý núi Cuba (Delaware, Mỹ) cũng đưa lên trang web một chương trình thực tế ảo mà người dùng chỉ cần nhấp vào đó có thể được trải nghiệm “đi” khắp các khu vườn rộng 20 mẫu Anh với tốc độ đi bộ chậm, đều đặn, thưởng thức thiên nhiên ngoài trời như thể họ đang ở đó.
Ông Leslie Shaffer – Giám đốc điều hành Bảo tàng đương đại Delaware (Mỹ):
“Trong thời kỳ dịch bệnh, chúng tôi cho rằng quyền truy cập với những vật trưng bày tại bảo tàng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với giới nghệ thuật, những người tham quan thường xuyên của chúng tôi mà còn là tất cả mọi người trên thế giới”.
Ông Matthew Mickletz - Quản lý bảo tàng Winterthur (Mỹ):
“Điều quan trọng là vẫn phải giữ mối liên kết với người tham quan trong giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt khi nhu cầu tham quan, tìm hiểu và sáng tạo vẫn luôn hiện hữu. Và chúng tôi muốn góp một phần vào xu thế chung này”.
Ông George Coombs – Ban quản lý khu danh lam núi Mt. Cuba (Mỹ):
“Chúng tôi cho rằng thưởng thức thiên nhiên là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng trong thời gian này và chúng tôi thực sự muốn mọi người có cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp tại Mt. Cuba”.
Jeremy People - Biên tập viên của trang tin tức du lịch Travindy:
“Trong giai đoạn khó khăn, con người vẫn tìm kiếm đến sự kết nối với nhau, với nền văn hoá và với thế giới tự nhiên, dù là trải nghiệm thông qua internet. Do vậy, các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch không nên lo sợ về điều này mà nên nắm lấy cơ hội, khuyến khích người dùng, du khách sử dụng các tài nguyên trực tuyến như bảo tàng trực tuyến miễn phí, phim thực tế ảo của Google Art and Culture,…
Đây có thể là xu thế đáng quan tâm của tương lai. Một số điểm tham quan của Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của công nghệ để cung cấp các tour du lịch ảo trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.