Nửa mừng, nửa lo khi du khách đặt tour qua mạng

(PLVN) - Theo Google và Temasek, quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Du lịch trực tuyến Việt Nam trên đà phát triển. Tuy nhiên, du khách cần thận trọng hiện tượng tự phong sao “ảo”, bán phá giá, lừa đảo trực tuyến… khi đặt tour trên bàn phím.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ còn 30% du khách đặt tour truyền thống

Hơn 600 đại biểu trong và ngoài nước vừa tham gia “Ngày Du lịch trực tuyến 2019” tại Hà Nội. Chủ đề năm nay của Ngày Du lịch trực tuyến là “Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến” đã thu hút hàng trăm đại biểu, diễn giả đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, công nghệ và thông tin. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Agoda, Tik Tok, Vietjet Air, Traveloka, Napas… tham dự.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nói rằng, xu hướng du lịch trực tuyến ngày càng phát triển chóng mặt. Được biết, trong năm 2018, Việt Nam đón hơn 15,5 triệu lượt khách quốc tế trong đó có khoảng 70% khách đặc tour trực tuyến, chỉ còn 30% khách đặt tour truyền thống. Điều này, đã đưa du lịch phát triển theo xu hướng mới. 

Tại Diễn đàn “Ngày du lịch trực tuyến năm 2019” xoay quanh 4 chủ đề, các đại biểu nhận xét, nhiều doanh nghiệp lớn từng tiếp cận sớm với du lịch trực tuyến đến nay đã chậm thích ứng trong khi công nghệ thay đổi hàng ngày.

Các đơn vị nhỏ lẻ có những mô hình hoạt động linh hoạt bước đầu có hiệu quả nhưng so với những “ông lớn” như Agoda đang có hàng triệu booking/ngày thì chắc chắn phải chịu nhiều thua thiệt. Quản lý du lịch trực tuyến như thế nào để chống thất thu thuế cho Nhà nước khi ngày càng nhiều hoạt động vượt ra ngoài lãnh thổ cũng là bài toán cần tính toán cẩn trọng, lâu dài.

Cũng lắm rủi ro 

Chỉ với vài thao tác đơn giản và nhanh gọn, thanh toán trực tuyến khi đặt phòng khách sạn ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi cũng là vô vàn rủi ro về lỗ hổng bảo mật, rò rỉ thông tin cá nhân, khiến cho kẻ xấu có thể thu thập thông tin của bạn để trục lợi. 

Hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại một số trang web bán phòng khách sạn xây dựng lên thương hiệu ảo để lợi dụng lòng tin người dùng với mục đích lừa đảo và trục lợi. Bên cạnh đó, cũng tồn tại những website đặt phòng khách sạn tuy không có mục đích lừa đảo, nhưng lại không có hệ thống bảo mật thông tin cho khách hàng trong quá trình giao dịch.

Có thể thấy khả năng lộ thông tin thẻ tín dụng cá nhân này ở việc phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho các bên đặt phòng. Ví dụ như khi đặt phòng khách sạn qua một số trang web nước ngoài, khách hàng phải để lại thông tin thẻ tín dụng trên hệ thống của họ (giao thức bắt buộc) và thông tin ấy sẽ được chuyển đến cơ sở dữ liệu của khách sạn mà không bị mã hoá.

Quá trình này nếu không được bảo mật một cách cẩn trọng, thông tin của khách hàng có thể bị rò rỉ và nguy cơ khách hàng bị đánh cắp thông tin là rất cao. 

Ngoài ra, một số trang web trực tuyến đều có thuật toán phân loại, cấp sao có nơi  khác với tiêu chuẩn sao do Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp hạng. Cụ thể, nhiều khu resort, khách sạn, nhà hàng mới chưa được thẩm định về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ vẫn gắn mác 3 - 4 sao trên những kênh trực tuyến này, gây ra nhiều hiểu nhầm đối với du khách khi sử dụng những kênh trực tuyến này.

Trong khi đó, những khu nghỉ dưỡng này định giá thuê phòng thấp hơn nhiều, ép thấp giá thị trường, gây ảnh hưởng tới những khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn đã được Tổng cục Du lịch xét duyệt, cấp hạng sao hợp pháp.

Việc kinh doanh du lịch online qua mạng hiện nay đang được thực hiện một cách tràn lan bởi các chủ thể không rõ nguồn gốc, thậm chí không phải các công ty du lịch làm sinh ra hiện tượng kinh doanh “chui” và sử dụng hướng dẫn viên giả, hoặc chưa có chứng chỉ hành nghề. Không như các công ty du lịch thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa,

Thể thao và Du lịch, các công ty du lịch online không đăng ký dưới sự quản lý của Bộ nên việc kinh doanh hay hoạt động qua môi trường online sẽ rất khó để cơ quan chức năng quản lý cũng như kiểm duyệt.  Do vậy, du khách có thể bị đặt phải tour, khách sạn “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Hiện, có nhiều văn bản pháp luật quy định hành lang pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, quảng cáo online như Luật An ninh mạng, Luật Quảng cáo, Luật Du lịch và gần đây nhất là Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Tùy vào mức độ vi phạm, doanh nghiệp lữ hành có thể bị phạt hành chính từ vài triệu tới vài trăm triệu đồng; thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, việc nhận dạng và xử lý những hình thức kinh doanh du lịch trực tuyến có dấu hiệu gian dối hoặc lừa đảo trên nền tảng công nghệ hiện đại vẫn đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng và quản lý nhà nước.

Chưa kể tới việc quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú qua đại lý trực tuyến từ nước ngoài đang là thách thức lớn bởi pháp luật Việt Nam chưa có một văn bản luật cụ thể liên quan đến công tác quản lý hành chính đối với dịch vụ kinh doanh này. 

Đọc thêm