Du lịch Thủ đô bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh chóng. Điểm sáng là Hà Nội đã đạt được mục tiêu đặt ra về lượng khách nội địa và quốc tế, bên cạnh việc thu về nhiều giải thưởng quốc tế uy tín về du lịch.
Lễ hội khinh khí cầu ở Hà Nội vào cuối tháng 3/2022 là một sản phẩm mới đã thu hút nhiều du khách.
Lễ hội khinh khí cầu ở Hà Nội vào cuối tháng 3/2022 là một sản phẩm mới đã thu hút nhiều du khách.

Tận dụng tốt lợi thế

Kể từ ngày 15/3/2022, Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, ngành Du lịch cả nước nói chung và Du lịch Hà Nội nói riêng đã từng bước phục hồi, tìm lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, trong khi thị trường du khách nội địa phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng vượt bậc thì thị trường khách quốc tế còn đìu hiu, lượng khách còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Thủ đô Hà Nội vẫn vươn lên như một điểm sáng.

Ngay từ khi mở cửa du lịch hoàn toàn, Sở Du lịch Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào năm 2022 - với chủ đề Get on Hanoi 2022” để giới thiệu, quảng bá với du khách trong nước và quốc tế với nhiều hoạt động hấp dẫn như Lễ hội khinh khí cầu “Hà Nội muôn màu”, đêm hoa đăng “Night of Dreams”, trình diễn nhạc kịch, nghệ thuật thị giác…

Ngành Du lịch Thủ đô cũng tận dụng phát triển những lợi thế sẵn có để thu hút khách. Đơn cử các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề có sẵn, như tour du lịch Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Làng cổ Đường Lâm…

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu đón 7 - 8 triệu lượt khách du lịch nội địa và 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Từ tháng 7/2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 10,6 triệu lượt, vượt xa so với mục tiêu đề ra của cả năm. Đến tháng 11/2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 17,02 triệu lượt, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là lượng khách du lịch quốc tế là 1,27 triệu lượt, đã chạm mốc kế hoạch đề ra của cả năm.

Về sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, Hà Nội đã vinh dự nhận giải khu vực “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” và “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” tại Giải thưởng du lịch thế giới 2022 (World Travel Awards).

Tư duy sinh thái để thu hút du khách

Để tăng thêm lượng khách quốc tế trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội cùng các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn rất chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch, tăng cường những sản phẩm mới như tour đêm, tour du lịch mùa lúa chín, du lịch khinh khí cầu, du lịch thể thao…

Trong tháng 12 tới, Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội Áo dài, trao giải cuộc thi ảnh về Hà Nội. Thành phố cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các sản phẩm du lịch văn hóa, phát triển du lịch nông nghiệp cùng nhiều sản phẩm mới dựa trên đặc trưng, thế mạnh của mỗi địa phương. Ngoài ra, Hà Nội cũng hướng tới một số sản phẩm thu hút khách quốc tế như du lịch golf, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện (MICE).

Mặc dù có nhiều lợi thế và đà phục hồi tích cực, ngành Du lịch Thủ đô vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, cần nhìn nhận tâm lý kìm nén trong dịch và bùng phát đi du lịch sau dịch là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Khi tâm lý này qua đi, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, thậm chí phải thay đổi tư duy, chiến lược, để thu hút và giữ chân du khách. Tình trạng du lịch chủ yếu “bùng nổ” vào những dịp lễ, Tết cũng gây ra quá tải tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Trong một Tọa đàm bàn về “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19” vào cuối tháng 10/2022, Sở Du lịch Hà Nội cho biết sẽ mở lớp tập huấn cho nhân lực du lịch địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Bên cạnh đó, Sở sẽ rà soát các cơ sở lưu trú hiện tại bị xuống cấp để hỗ trợ các đơn vị có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch...

Các chuyên gia đánh giá Hà Nội có lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu COVID-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng ngành Du lịch cần thay đổi tư duy theo hướng phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Các thông điệp sinh thái có thể lồng ghép trong các chiến dịch truyền thông nhằm gây ấn tượng mạnh mẽ hơn với du khách, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề môi trường đang ngày càng nổi cộm.

Đọc thêm