Du lịch Thủ đô trong hương sắc mùa thu

(PLVN) - Mỗi năm, cứ vào khoảng tháng 9, khi Thủ đô Hà Nội khoác lên mình tấm áo mùa thu vàng lãng mạn. Du khách từ khắp nơi lại bắc những nhịp cầu đi tới Hà Nội, hòa mình vào không gian nên thơ, ngọt ngào của nắng, của gió và hương hoa sữa mơ màng. Cứ như vậy, thu Hà Nội dần vươn tầm trở thành “thương hiệu” du lịch của mảnh đất Thăng Long ngàn năm lịch sử.
Festival Thu Hà Nội đem đến nhiều hoạt động hấp dẫn du khách. (Nguồn: Người Hà Nội)

Đắm say trước “mùa vàng” ở Hà Nội

Mỗi vùng đất, một địa phương đều được thiên nhiên, trời đất ban cho những vẻ đẹp riêng biệt. Ta nhớ đến một mùa đông bảng lảng khói sương, ẩn hiện trong những bông hoa tuyết của thành phố Sa Pa. Một mùa xuân yên bình trên các bản làng vùng cao Tây Bắc. Mùa hè trải dài cát vàng bên bờ biển ở Nha Trang, Đà Nẵng. Đến mùa thu, du khách thập phương lại nhớ về Thủ đô Hà Nội, cổ kính, đài các, mơ màng pha chút buồn man mác như một nàng thiếu nữ đang độ trăng rằm nhạy cảm, mong manh.

Thu Hà Nội đẹp - một vẻ đẹp đã đi vào thơ ca từ biết bao thế hệ. “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió/Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”. Cứ khi độ giữa tháng 9, lúc những cơn gió mùa nhẹ nhàng ùa về, Hà Nội bước vội sang thu, Hà Nội lại nhộn nhịp đón khách du lịch đến tham quan, khám phá. Bởi tháng 9, tháng 10 là thời gian Việt Nam bước vào mùa cao điểm đón khách nước ngoài. Thủ đô Hà Nội là điểm đến văn hóa, lịch sử hàng đầu được khách quốc tế ghé thăm.

Du khách sẽ đến Hồ Hoàn Kiếm ăn kem Tràng Tiền, đi bộ dọc theo phố Đinh Tiên Hoàng, ra vườn hoa Lý Thái Tổ chụp ảnh, thăm Tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Khách cũng có thể đi bộ ngắm phố cổ Hàng Đào, Hàng Ngang, Mã Mây và thưởng thức cà phê trứng, bánh cốm. Du khách cũng có thể ghé chợ Đồng Xuân mua sắm và dùng bữa trưa tại phố cổ với các món như bún chả, chả cá Lã Vọng.

Đối với các vị khách nội địa, Hà Nội mùa thu là một địa chỉ hấp dẫn để lựa chọn du lịch, trải nghiệm. Đầu tiên, đến tháng 9, tháng 10 hàng năm, Hà Nội có những hoạt động kỉ niệm các ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Trung thu (15/9 Âm lịch),... Đây là những mốc thời gian du khách nhớ đến các địa điểm mang tính “biểu tượng” ở Hà Nội như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác), Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, phố Hàng Mã. Nối liền với những di tích văn hóa, lịch sử, các vị khách nội địa sẽ thưởng thức không khí mát mẻ, vẻ đẹp lãng mạn, mơ màng của mùa thu Hà Nội. Trên các con đường như Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Nguyễn Du dễ dàng bắt gặp những kẻ lãng du đang thả hồn bên mùi hoa sữa nồng nàn, ôm những bó hoa đầy sắc màu.

Cuối cùng, trung tâm Hà Nội có các tuyến đường giao thông thuận lợi, để du khách tiếp tục cuộc hành trình tham quan, khám phá mảnh đất nghìn năm tuổi này. Như từ Thủ đô Hà Nội, du khách có thể đến Hồ Tây để sống chậm lại một nhịp, hòa mình vào thiên nhiên sông nước trữ tình. Chiều thu Hà Nội, bên dưới ánh nắng vàng ươm như mật trời rót xuống nhân gian, các vị khách sẽ đi dạo một vòng xung quanh Hồ Tây. Đâu đó khi đói, du khách sẽ dừng lại nhâm nhi cốc cà phê ven đường, ăn cây kem mát lạnh, thưởng thức món bánh tôm Hồ Tây trứ danh.

Ẩm thực Thu Hà Nội góp phần định vị thương hiệu sản phẩm du lịch. (Nguồn: VinWonders)

Nếu như du khách muốn chìm đắm trong không gian làng quê mộc mạc, từ Thủ đô Hà Nội, đi xuôi xuống khoảng 30 - 40 km, các làng nghề thấp thoáng hiện ra. Từ làng xôi Phú Gia - Phú Thượng, tới lụa Vạn Phúc Hà Đông, làng cổ Đường Lâm, làng sơn mài Hạ Thái, làng hương Quảng Phú Cầu, đều còn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống xưa kia.

Vì vậy, mùa thu Hà Nội năm nào cũng thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Như theo số diệu do Sở du lịch Hà Nội công bố trong ba năm nay có thể thấy. Vào năm 2022, trong tháng 10, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 15,38 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý là khách du lịch quốc tế ước đạt gần 983 nghìn lượt khách.

Đến năm 2023, chỉ tính riêng trong tháng 10/2023, Thủ đô Hà Nội đạt tổng 20,7 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 3,6 triệu lượt. Còn trong tháng 9 năm nay, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội, ước đạt 510,6 nghìn lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 360 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 1,65 triệu lượt khách, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.663 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm trước.

Định vị thương hiệu “Thu Hà Nội”

Thực tế, trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia biến “mùa thu” trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Như cứ đến đầu tháng 9, khách du lịch lại nhộn nhịp tới Nhật Bản ngắm những rừng lá vàng. Hay tới Trung Quốc thưởng thức khung cảnh như tranh, như mộng tại Cố cung, Vạn Lý Trường Thành.

Mùa thu ở Hà Nội đang dần trở thành thương hiệu du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Như Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Trần Quang nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ sở hữu bề dày lịch sử hàng nghìn năm, với những di tích lịch sử, văn hóa, mà còn có cảnh quan thiên nhiên đặc biệt vào mùa thu. Thủ đô Hà Nội đã được kênh truyền hình CNN bình chọn trong top 12 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới vào mùa thu. Đặc biệt, du lịch mùa thu ở Hà Nội không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời mà còn có hàng loạt các hoạt động hấp dẫn.

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch mùa thu gắn với các hoạt động, sự kiện kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của thành phố, như năm nay, Hà Nội ghi dấu sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với hàng chục sự kiện chào mừng hấp dẫn. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị đã xây dựng chuỗi sự kiện thường niên để hút khách vào mùa thu, như: Lễ hội quà tặng du lịch, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội... Riêng năm nay, các sự kiện được làm đậm nét hơn để hưởng ứng dịp kỷ niệm đặc biệt này.

Hà Nội mùa thu trở thành một địa điểm gây “thương nhớ” cho du khách. (Nguồn: travellive)

Mới gần đây nhất, trong khoảng thời gian giữa tháng 9, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Hà Nội đã chuẩn bị cho Festival Thu Hà Nội sẽ diễn ra tại không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Festival Thu Hà Nội diễn ra từ ngày 19/9 đến ngày 22/9/2024, với sự tham dự, đồng hành của 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, 17 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; các hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Festival có nhiều nội dung phong phú, đặc sắc như: Không gian tái hiện hình ảnh Hà Nội nhộn nhịp ngập trong rừng cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về; Mô hình Cột cờ Hà Nội, Ga Hàng Cỏ, Cầu Long Biên là những minh chứng lịch sử về một thời kỳ kháng chiến hào hùng của Nhân dân Thủ đô; Không gian quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch, quảng bá hương vị Hà Nội, các không gian, hoạt động trải nghiệm cho người dân và du khách trong nước và quốc tế,…

Tiếp nối ngay sau Festival Thu Hà Nội, Hội Sách Hà Nội năm 2024 diễn ra từ ngày 27 - 29/9 tại khu vực Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với nhiều hoạt động thu hút nhiều độc giả, khách du lịch. Năm nay, Hội Sách có chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình”, hướng tới chào mừng kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Được biết, năm nay Hội Sách có hơn 200 gian hàng của các nhà xuất bản, công ty phát hành tham gia. Tạo nên không gian văn hóa, tri thức hấp dẫn du khách, người dân.

Vào đầu tháng 10, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 4 đến 6/10 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long với Caraval diễu hành cùng áo dài, không gian sản phẩm quà tặng từ các làng nghề Hà Nội... và nhiều hoạt động trình diễn, quảng bá văn hóa sôi động khác. Ngày 6/10, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, với quy mô khoảng 10 nghìn người tham gia. Đây là một trong những ngày hội lớn của thành phố hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong đó không thể thiếu các màn diễu hành, trình diễn nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn.

Ngoài các hoạt động, sự kiện, Lễ hội được tổ chức vào mùa thu, Hà Nội còn có rất nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Như các tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám,... Ngoài ra, du khách đến Hà Nội cũng có thể ngắm đường phố Hà Nội mùa thu từ trên cao bằng những chuyến xe bus 2 tầng. Hay ẩm thực mùa thu Hà Nội, cũng góp phần quan trọng trong việc định hình các sản phẩm du lịch. Bà Lê Thị Thiết, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chia sẻ: “Hà Nội có nhiều món ngon đặc trưng của mùa thu, như cốm, bánh đúc, bún riêu, bún ốc, phở nóng... Các món ăn vừa là ẩm thực, vừa thể hiện nét văn hóa độc đáo của Hà Nội”.