Thám tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gã thích đội mũ nỉ đen, mặc áo ba đờ xuy đen và đeo kính râm mỗi khi ra đường mà không cần biết đó là mùa đông hay mùa hạ.
Ảnh minh họa - Nguồn: ST
Ảnh minh họa - Nguồn: ST

1. Gã có số vốn kha khá do cha mẹ để lại đem gởi ngân hàng. Mỗi tháng gã rút tiền lãi gần chục triệu đồng đủ sống một cuộc sống thong dong. Gã thích đội mũ nỉ đen, mặc áo ba đờ xuy đen và đeo kính râm mỗi khi ra đường mà không cần biết đó là mùa đông hay mùa hạ. Thằng bạn nối khố cóc ngán mếch lòng, xổ toạc móng heo: “Mày lập dị thiệt đó Vũ! Ai đời giữa ngày hè chang nắng mà mày mặc áo ba đờ xuy đi ngông nghênh ngoài phố”. Mặt gã câng câng: “Mày quê thấy mồ! Hổng thấy đàn bà con gái ra đường vào ngày hè mặc hai ba lớp quần áo, mặt mũi che kín mít đó à?”. Thằng bạn phản pháo liền: “Vì họ là phụ nữ, họ sợ nắng làm ảnh hưởng làn da nõn nà, quyến rũ. Còn mày là giống đực hổng lẽ sợ tốn tiền mua kem chống nắng hay sao?”. Gã đánh trống lảng: “Năm nay hiện tượng Enninô tác động nắng nóng kéo dài”. Thằng bạn cười thầm khi gã “vụng chèo khéo chống”.

Lần khác lại có người chọc ghẹo gã: “Thằng Vũ coi bộ giống thám tử thiệt đó nha!”. Được người nói trúng ý mình khiến cho gã sướng rân. Một thời gã say mê đọc “Những cuộc phiêu lưu của SherlockHomes”, “Đò hẹn”, “Gói thuốc lá”, “Mai Hương và Lê Phong” truyện trinh thám của Thế Lữ. Gã ước gì mình được làm thám tử, một công việc đặc thù cực kỳ hấp dẫn nhưng cũng đầy mạo hiểm, dấn thân. Một người, rồi vài người nhận xét gã có tác phong giống thám tử. Gã bắt đầu thử làm thám tử xem sao. Một hôm gã sang nhà người hàng xóm, cười tủm tỉm: “Ông vừa đi nhà nghỉ về, đúng không?”. Anh bạn hàng xóm chột dạ, giãy nảy như kiến lửa đốt: “Đừng nói bậy cha nội! Ông căn cứ vào đâu mà nói tôi đi nhà nghỉ?”. Gã cười khanh khách: “Tôi biết ông không thích đeo khẩu trang. Những ngày dịch COVID-19 bùng nổ, ông ra đường còn chưa đeo khẩu trang nữa là. Cớ sao hôm nay vợ mới vắng nhà, ông ra đường lại đeo khẩu trang vậy nhỉ? Đừng nói với tôi do ngẫu hứng đó nghe!”. Người hàng xóm không giấu nổi sự kinh ngạc vẫn riết róng: “Cha nội đừng có mà suy diễn tùy tiện nghe chưa? Đây không phải là chuyện đùa!”. Nhìn những biểu hiện mất bình tĩnh trên nét mặt của anh bạn hàng xóm, gã biết chắc là gã đoán đúng. Nhưng gã nhớ đến hai chữ nhân quả. Bữa trước thằng bạn không truy vấn gã đến cùng cái vụ gã mặc áo ba đờ xuy trong ngày hạ thì bây giờ gã truy vấn người hàng xóm đi nhà nghỉ để làm gì cho rắc rối?

2. Gã thường xuyên đến câu lạc bộ võ thuật của quận để luyện võ. Ở đây gã bắt gặp những gương mặt hiệp sỹ đường phố nổi tiếng. Người ta ướm lời thuyết phục gã gia nhập vào đội hiệp sỹ đường phố để bắt cướp. Gã thẳng thừng từ chối. Không phải gã sợ nguy hiểm mà vì gã có hoài bão làm thám tử dẫu nghề này chưa hiện hữu nhiều trong đời sống xã hội hiện thời. Nhà thám tử cũng rất cần võ thuật. Gã chú tâm luyện những thế võ hạ nốc ao đối thủ trong nháy mắt. Những cú đánh nhanh, mạnh, hiểm, dứt khoát làm cho đối thủ không kịp trở tay.

Thời gian gần đây gã làm cho mọi người xung quanh ngỡ ngàng. Gã không còn mặc áo ba đờ xuy, đội mũ nỉ, đeo kính râm mỗi khi ra đường như trước nhưng Hà Anh Vũ đang có dự định lớn hơn, thực chất hơn. Đó là đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu qua sách báo, qua các vụ án để có nghiệp vụ trinh thám. Đồng thời tìm cách nâng cao trực giác. Muốn nâng cao trực giác thì phải có óc quan sát tinh tế, nhận biết các chi tiết đắt giá, tư duy khách quan và suy luận logic. Có lần gã đi trên đường phố bất ngờ có người gọi giật ngược tên gã. Gã không hề giật mình. Gã tự rèn cho mình có một thần kinh thép. Mới đây khu phố của gã ở xảy ra vụ mất trộm xe máy. Trong lúc mọi người bàn tán xôn xao thì gã chú ý đến chiếc ổ khóa cửa ngõ bị cưa. Dấu vết cưa rất đều. Gã tưởng tượng ra cách cưa vội vàng của kẻ trộm rồi nói nhỏ với anh chàng công an: “Có khi nào ổ khóa đã bị cưa rồi dàn dựng không ta? Kẻ trộm làm sao có đủ bình tĩnh mà cưa thẳng đét như vậy được?”. Anh chàng công an nhìn gã, gật gù. Không ngờ chi tiết “cưa thẳng đét” của gã đã giúp công an phá án chóng vánh. Con trai của chủ nhà thua cá độ bóng đá, lấy trộm xe đem bán rồi dựng hiện trường giả. Hà Anh Vũ được người ta gọi bằng cái biệt danh thân thiết là “thám tử”! Thám tử Vũ không nghề ngỗng, không vợ con. Người quý mến gã thì ca ngợi, tung hứng. Kẻ ghét bỏ thì dè bỉu, xỉa xói: “Cái thằng rảnh quá, ăn rồi lo chuyện bao đồng, ảo tưởng”.

3. Nhà gã gần công viên của phường. Sáng sớm gã đến tập thể dục vài chục phút rồi ngồi quan sát mọi người tập thể dục. Lâu ngày gã nghe quen giọng nói, tiếng cười, ghi nhớ thói quen, động tác của từng người. Thậm chí không cần nhìn, gã cũng nhận ra bước chân của ai đi về phía mình. Một hôm gã ngồi ghế đá công viên dán mắt vào chiếc điện thoại cảm ứng lướt Facebook, nghe tiếng dép loẹt quẹt, gã cười: “Hôm nay chị Vân tập thể dục sớm thế?”. Người phụ nữ giật mình: “Ối trời! Chú đang chăm chú vào điện thoại, sao biết tôi đến tài thế?”. Gã cười hiền: “Em quen với tiếng bước chân của chị lâu rồi. Chị có tin là em phân biệt được tiếng dép của những người ở gần nhà em tập thể dục ở đây không?”. Người phụ nữ nói như reo: “Thật vậy sao em?”. Lần này gã cười lớn hơn: “Chị tập trung lắng nghe tiếng dép của từng người rồi chị cũng phân biệt được như em thôi mà. Chị cứ nghĩ một người mù chỉ sờ tờ giấy bạc cũng đủ biết tờ giấy bạc đó mệnh giá là bao nhiêu. Ngày xưa, có một người đàn bà mù ngồi bán bánh nậm trước cửa nhà em, bà chưa nhận tiền nhầm bao giờ. Một lần, có cậu bé đưa tờ giấy bạc 2.000 đồng bảo bà bán 5.000 đồng bánh nậm. Bà cười hóm hém: “Con đừng gian dối với bà như vậy nữa nghe chưa! Hư lắm! Bà cho con thêm 3 cái bánh cho đủ 5.000 đồng. Cậu bé lúng túng dạ một tiếng rồi quay đi. Một lát sau người nhà của cậu đến xin lỗi bà cụ và trả thêm tiền”.

Hai nhà hàng xóm của gã tranh chấp cây sakê từ nhà bên này nhánh cây nghiêng về phía nhà bên kia. Thế rồi buổi sáng nhà trồng cây sakê phát hiện cây bị chặt mất mấy nhánh đang cho quả bụ bẫm. Người của hai nhà cãi vã chí chóe. Bên thiệt hại cây nghi người nhà bên cạnh chặt phá cây nên hậm hực, đòi mời chính quyền phường đến giải quyết. Gã chắp hai tay ra sau lưng đủng đỉnh bước đến gần cây sakê ngắm nghía một hồi rồi phán một câu xanh rờn: “Em Khải nhà cập vách không phải là người chặt cây sakê này đâu vì em thuận tay trái. Em tập thể dục với tôi nhiều lần nên tôi biết. Những nhát dao này là của người thuận tay phải. Hơn nữa, chiều cao của em Khải chỉ đến mép tai của tôi (khoảng một mét năm bảy). Còn đây vết chặt cao khoảng một mét chín. Chứng tỏ người chặt cây cao ít nhất là một mét bảy vung dao lên chặt cây mới để lại dấu vết như thế. Không ai đi chặt cây phá hoại mà cầm ghế đẩu theo cả!”. Mọi người nghe gã phân tích có căn cứ xác đáng liền xúm lại khuyên giải hai gia đình nọ tránh sự hiểu nhầm. Sau đó, chính gã tìm ra manh mối của kẻ phá hoại cây sakê nhằm ly gián, gây mất đoàn kết hai gia đình.

4. Gã đang đọc “X30 Phá lưới” của Đặng Thanh thì có người đến tìm. Cô ta là một người hoàn toàn xa lạ. Một gương mặt đẹp, quý phái với vóc dáng thon thả. Cô gái nhoẻn miệng cười tự tin: “Xin lỗi anh. Em đường đột quá! Anh có phải là thám tử Hà Anh Vũ?”. Gã không để cảm xúc hiện trên nét mặt dẫu trong lòng gã đang rộn lên niềm vui: “Vâng! Tôi là Hà Anh Vũ nhưng không phải là thám tử. Cô tìm tôi có điều chi dạy bảo?”. Cô gái vẫn ở thế chủ động trong câu chuyện: “Em nhờ anh điều tra giùm về lai lịch và các mối quan hệ của bạn trai em”. Gã hứng thú: “Cô hãy cho biết cụ thể, tôi mới có cách giúp cô chứ”. Cô gái mừng rỡ: “Vậy là anh đã đồng ý giúp em rồi nhá! Mà anh đừng xưng hô như vậy. Anh đừng gọi em bằng cô và xưng tôi nghe xa cách quá đi”. Gã cười hềnh hệch: “Được rồi em. Không câu nệ. Em cung cấp một số thông tin cho anh đi”. Cô gái liền mở xắc tay lấy ra một tập giấy trao về phía gã: “Đây là sơ yếu lý lịch và những tấm ảnh của anh ấy chụp trong thời gian gần đây”. Gã xem một hồi rồi ngước nhìn cô gái: “Bây giờ em cho anh biết tên của em và tên những người thân nhất của bạn trai em đi. Em hiện có tình địch hay không? Em nói thật thì anh mới tìm ra chỗ sơ hở của bạn trai em”. Cô gái lại cười: “Em đểnh đoảng quá. Em là Hoàng Yến. Anh ấy lúc nào cũng kề cận, thân mật quá mức với cô thư ký xinh đẹp. Còn người thân nhất của anh ấy, em sẽ nhắn tin cho anh sau. Đây là số điện thoại của em. Anh kết bạn Zalo với em để trao đổi cho tiện, anh nhé”.

Cô gái rời đi nhưng dường như một chút tâm tư còn để lại. Nàng không ngờ anh chàng thám tử có một vẻ đẹp rất nghệ sỹ. Cái chất nghệ sỹ dễ làm cho con người ta xiêu lòng. Còn gã thì không có bụng dạ nào nghĩ đến người đẹp. Gã đang lo làm thế nào để tiếp cận với người thân của bạn trai thân chủ mình. Gã hiểu cái sơ yếu lý lịch nào cũng chỉ là phần nổi của mỗi con người. Tảng băng chìm những khuất tất của mỗi cá nhân thì không bao giờ con người ta khai ra bằng giấy trắng mực đen cả. Muốn biết được bạn trai của thân chủ mình có “bắt cá hai tay” hay không thì chỉ còn cách chủ động tiếp cận, làm thân, moi hỏi một cách khéo léo những người tri kỷ chí cốt của anh ta mà thôi. Sau nhiều ngày tìm hiểu, gã chọn và tiếp cận với tài xế của người yêu Hoàng Yến. Gã nghĩ tài xế trẻ của một giám đốc doanh nghiệp trẻ thì có thể đồng điệu trong cách nghĩ về gái gú. Biết đâu tài xế là đầu mối sắp xếp cho sếp gặp gỡ người đẹp. Chuyện thủ trưởng các cơ quan, đơn vị làm lộ thông tin quan trọng ra ngoài cũng vì quá tin yêu tài xế. Sau hơn nửa tháng gã và anh chàng tài xế uống cà phê, đánh cờ tướng ở quán đối diện với công ty, một bữa gã đánh tiếng: “Giám đốc của em đẹp trai như vậy thì thiếu chi bóng hồng vây quanh?”. Chàng tài xế cười dễ dãi: “Ba người đẹp cùng say mê ảnh chứ có ít đâu. Hi! Hi! Nhưng ảnh chỉ chọn một mà thôi”. Gã lần tới: “Có phải cô bé xinh đẹp thường đi chung xe ô tô do em lái?”. Chàng tài xế thật thà: “Không. Đó là thư ký riêng của ảnh. Cô ấy yêu đơn phương sếp. Còn một cô nữa tên là Hoàng Yến con nhà giàu đeo đuổi ảnh dữ lắm nhưng sếp xem như chiếc bánh xe sơ cua (bánh xe dự phòng) thôi à”. Gã mừng thầm, đánh đòn quyết định: “Anh thấy cô thư ký xinh đẹp lắm rồi, lẽ nào còn có người đẹp hơn cô ấy sao ta?”. Ngón tay chàng tài xế lướt lướt trên điện thoại mấy cái rồi chìa ra trước mặt gã: “Cô ấy đây này”. Gã mở cờ trong bụng: “Chao ôi! Đẹp quá trời luôn! Giá như mình có ảnh này để chiêm ngưỡng thì hay biết mấy”. Chàng tài xế cười khành khạch: “Anh thích thì em gởi cho, vô tư đi”.

Về nhà gã gọi cho Hoàng Yến, mở đoạn ghi âm cho cô ta nghe. Tiếp theo là cho cô ta xem ảnh “người yêu ruột” của giám đốc. Cô gái rơi nước mắt: “Anh có thể cho em biết người nào đã cung cấp thông tin này cho anh được không?”. Gã lắc đầu quầy quậy: “Điều tối kỵ của nhà thám tử là tiết lộ người đã cung cấp thông tin cho mình. Em chuẩn bị tinh thần để bắt tình địch tại trận. Anh đã biết chỗ mà vị giám đốc đào hoa hẹn hò với người yêu lý tưởng rồi đấy”.

Việc gì đến rồi cũng phải đến. Bữa nọ, giữa trưa Hoàng Yến nhận được cuộc gọi gấp gáp: “Anh Vũ đây! Em đến Khách sạn Hoàng Hoa, phòng số 303… Nhanh lên!!!”…

Và, gã đã bước vào “nghiệp thám tử” như vậy.