Hướng về Hà Nội
Theo sách “Đại Nam liệt truyện” cho biết, về việc Nguyễn Tri Phương thân chinh ra Bắc giữ thành Hà Nội và dẫn đến trận đánh khốc liệt giữ thành khiến ông và con rể tên Lâm tử trận: “Năm thứ 25, Phương bị bệnh, xin lưu ở dinh làm việc. Đến lúc bệnh khỏi vào chầu. Vua uý lạo rằng: Nước có lão thần, trẫm nhiều việc uỷ thác. Phàm việc tầm thường tất có người cùng Bộ làm thay, chớ tự khó nhọc quá. Khi ấy biên giới ngoài Bắc có loạn, đã 3, 4 năm quân mệt, của thiếu, vua lấy làm lo sai Tri Phương sung làm khâm mạng tuyên sát đổng sức đại thần, kíp đến 2 nơi quân thứ Sơn Tây, Hải Dương…Vua dụ rằng: Khanh vốn có oai vọng, tĩnh trấn một nơi trù biện cho phải đạo, thì ngươi tự nghĩ hăng hái lên, bất tất cậy mạnh mạo hiểm, thân hành đi đánh làm gì? Nay kỳ cựu ở triều duy có một mình khanh, đình thần thương xin cho khanh đi đánh miền Bắc, nhưng trẫm không muốn phiền khanh lấy việc quân. Chỉ vì ngày nay việc lo ngại ở ngoài biên còn mãi, trẫm rất lo nghĩ, khanh cũng có lòng mong báo nước, nên trẫm mới sai đi.
Tháng 11 năm ấy, cho Phương áo mùa đông. Dụ rằng: Đấy là áo rét của ta, khanh mặc vào để tỏ là người có đức, mà làm hùng mạnh cho điệu bộ của quân, gọi là để tỏ lòng trung thành cởi áo cừu mặc của người ngày xưa và ý nghĩ mong cho cả 3 quân đều ấm như mặc áo bông cả”.
Cửa vào thành Hà Nội. |
Sau Hiệp ước Sài Gòn 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay Pháp, người Pháp không giấu nổi tham vọng xâm lược Bắc Kỳ. “Sự xâm lược Bắc Kỳ là một vấn đề sinh tử cho tương lai nền thống trị của chúng ta tại Viễn Đông”, Chuẩn Đô đốc Dupré - Toàn quyền xứ Nam Kỳ tuyên bố.
Người Pháp nhìn thấy việc giao thương bằng đường thuỷ trên sông Hồng tới Vân Nam rất thuận tiện, nhưng triều đình nhà Nguyễn không chấp nhận vì dự án này vi phạm luật lệ của đất nước và trái với Hiệp ước 1862.
Cuộc chiến giữ thành Hà Nội
Jean Dupuis, một thương lái phiêu lưu, có quan hệ mật thiết với giới giáo sĩ, tướng lãnh Pháp muốn được tự do đi lại trên sông Hồng để buôn bán với người Trung Quốc. Triều đình nhà Huế thấy nguy cơ khiêu khích liền cử ngay Hữu Tham tri bộ Binh Phan Đình Bình và giao cho Thống chế Nguyễn Tri Phương chuẩn bị những biện pháp đối phó. Nguyễn Tri Phương triệu tập Dupuis và nói với ông ta rằng việc y chuyển gạo, muối lên Vân Nam (Trung Quốc) là trái với Hiệp ước giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn, việc đi lại này phải có giấy phép của Việt Nam.
Nhưng Dupuis quá ngạo mạn cho rằng đã có giấy phép từ quan chức Trung Quốc nên y coi thường lời cảnh cáo của Nguyễn Tri Phương. Mùa hè 1873, Dupuis ngạo nghễ tiếp tục giao thương với Vân Nam với sự hỗ trợ của Giám mục Puginier - Đại diện tông đoàn vùng phía Tây Bắc Bộ, đầu từ vào chuyến hàng này 8.000 quan Pháp. Vị Giám mục này yêu cầu Nguyễn Tri Phương bỏ qua vụ này, nhưng ông nhất quyết từ chối.
Phía Pháp cử một sĩ quan hải quân đang nghỉ phép Francis Garnier ra Hà Nội để xử lý vụ tắc nghẽn này với yêu cầu phía Việt Nam công nhận việc thông thương tự do trên sông Hồng, thiết lập đầu cầu, một dạng nhượng địa trong phố thị Hà Nội. Garnier tập hợp quân với Dupuis bất ngờ tấn công thành Hà Nội.
Ngày 20/11/1873, dù đã có tinh thần phòng thủ chu đáo, nhưng các đồn luỹ xung quanh thành Hà Nội bị thất thủ trước sự tấn công dồn dập, vũ bão của người Pháp.
Hai người con trai của Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tòng và Phan Thanh Tôn, Hữu Tham tri bộ Binh Phan Đình Bình, Bố chánh Võ Dương, Đề đốc Đặng Siêu, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiêm bị bắt đưa vào Sài Gòn. Hai người con của Phan Thanh Giản bị đày sang Pháp, những người còn lại bị bắt được trả lại cho triều đình nhà Nguyễn.
Cửa Bắc thành Hà Nội. |
Oai dũng nhất là con trai của Thống chế Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Lâm, cùng cha mình giữ thành đã tử trận. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị bắt làm tù binh. Giám mục Puginier đến thăm ông, an ủi kiểu ngoại giao. Nguyễn Tri Phương lớn tiếng trước kẻ xâm lược: “Sao! Chính ông, thủ lĩnh các giáo sĩ Pháp, đến đây để thưởng thức cái giờ hấp hối của tôi ư? Ông không muốn để tôi được chết yên ổn ư? Chắc ông đã được hoàn toàn thoả mãn, vì nhờ ông, nhờ những lời chỉ bảo của ông, mà lũ cướp người Pháp ấy đã lấy trộm mất của chúng tôi xứ Nam Kỳ và sẽ còn lấy trộm cả xứ Bắc Kỳ nữa. Nguyện vọng cao cả của tôi, sau bao nhiêu thảm hoạ, là được chết đi càng nhanh càng tốt”.
Nguyễn Tri Phương đã từ chối chữa bệnh, tuyệt thực mà chết ở tuổi 74. Ông đã nhắn cho Francis Garnier với thái độ kiêu hùng của vị tướng già tận hiến cho đất nước: “Một chiến sĩ phải chết và chết giữa chiến trận không phải là một cái chết nhục nhã”. “Lúc sắp chết, Phương tắm gội, thay áo, thần sắc vẫn không thay đổi. Phương tuyệt thực từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11, đầy 1 tháng mới chết, thọ 74 tuổi” (sách Đại Nam liệt truyện).
Sự việc người Pháp vô cớ tấn công thành Hà Nội, vi phạm Hiệp ước 1862 đã đẩy nước Pháp và Việt vào một cuộc chiến tranh thực sự. Vua Tự Đức giao cho Hoàng Kế Viêm, đang đóng quân ở Sơn Tây được chỉ định làm chỉ huy tối cao các lực lượng ở Bắc Kỳ. Vua Tự Đức cũng ra lệnh cho thủ lĩnh quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc hợp lực cùng quân đội Quốc gia chống Pháp.
Sau khi chiếm được thành Hà Nội, Francis Garnier tiếp tục cuộc xâm lược chiếm tiếp Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Đình. Vùng đất gần như trọn vẹn châu thổ sông Hồng nằm trong sự cai trị của người Pháp.
Garnier ngạo mạn thách thức quân đội triều đình và bị trả giá. Trong men say chiến thắng hắn đã xông ra đánh trận với quân Cờ đen và bị bắn chết tại trận vào ngày 21/12/1873.
Cửa Đông thành Hà Nội. |
Người con rể anh dũng của Nguyễn Tri Phương
Trong cuốn “Đại Nam liệt truyện cho biết”, “con rể Nguyễn Lâm tự là Mặc Hiên lấy Công chúa Đồng Xuân. Năm Tự Đức thứ 24, người cha Lâm là Tri Phương ở quân thứ Tam Truyện. Lâm vì lâu không được hầu cha sớm tối, dâng sớ xin đi thăm cha. Sau khi theo cha về thành Hà Nội, đóng quân ở quân thứ. Bây giờ, quân Pháp đánh hãm Hà thành. Tri Phương đốc quân kháng cự, sai con là Lâm giữ cửa Đông Nam. Quân Pháp đánh cửa ấy trước, Lâm bị súng bắn chết, Tri Phương bị thương, thành bèn bị hãm. Việc đến tai vua, vua thương xót lắm. Dụ rằng: Làm tôi chết vì trung, làm con chết vì hiếu, là quy tắc của đời xưa. Nguyễn Lâm không có trách nhiệm gì đến việc giữ thành, đem quân mà biết hiếu nghĩa như thế, ơn nước, tiếng nhà hai đằng không hổ thẹn; so với bọn con em thần thường của bọn quí phái khác, cùng những kẻ lúc bấy giờ bỏ quan, tìm nơi tiện lợi cho mình há chẳng càng nên khen thưởng ư?”.
Vua tặng cho Nguyễn Lâm làm Thị lang Bộ binh chiếu hàm mà cấp tuất; 300 quan tiền và sau dân phu hộ tống linh cữu về quê. Năm thứ 28, Nguyễn Lâm được thờ vào đền Trung Nghĩa và đền Trung Hiếu. Sau này khi xét công, tội Nguyễn Tri Phương về việc để mất thành Hà Nội, Vua Tự Đức nói: “Viên ấy trãi thờ 3 triều, lúc bình, lúc loạn, vẫn giữ một lòng trung dũng, quan lại ai cũng biết cả. Gặp lúc nhiều nỗi khó khăn, đã vội tự mình chết đi, thực đáng thương tiếc…
Năm thứ 28, chuẩn cho Phương được thờ vào đền Trung Nghĩa. Vua lại nghĩ rằng: Tri Phương và người em là Duy, con là Lâm, hoặc vì nước bỏ mạng hoặc cùng cha tuẫn tiết, trung hiếu, tiết nghĩa tụ cả một nhà, dẫu đến nhà họ Biện khi xưa cũng không hơn được…”.
Khi Nguyễn Tri Phương mừng thọ 70 tuổi. Vua Tự Đức cho là người bề tôi kỳ cựu, công lao rõ rệt, ban cho một bài thơ như sau:
“Tuổi thọ trải qua sau khi trăm trận đánh/Danh trọng hơn cả sáu hàng chính khanh/Đang được nghỉ việc nhưng không theo lệ/Có lòng chia mối lo với vua, không nghĩ gì đến thân mình”.