Những người có mặt sớm ở chợ quê là những người bán hàng bánh, bún, cháo lòng. Quanh năm họ tự nguyện lặng thầm hy sinh một phần giấc ngủ vào thời khắc quyến rũ nhất để nấu nướng, sắp đặt, co ro gồng gánh cháo, bún đến chợ vì chồng con mà không một lời than trách.
Đó là những sáng, trên các nẻo đường quê yên ả, bất chợt cất lên tiếng rao mời đon đả, trong trẻo: “Ai mua bánh bèo, bánh bò, bánh ướt... bán đây!” của các mẹ, các chị chân quê tự mình làm bánh, bún đi bán dạo kiếm tiền, kể cả đổi bánh, bún lấy lúa cũng gật đầu vui vẻ. Vài tô lúa có thể đổi lấy một đĩa bánh bèo, bánh ướt vun chùn cho cả nhà dùng bữa sáng ngon lành. Một đầu gánh của các mẹ, các chị đựng bánh, bún, còn một đầu gánh đựng lúa khô được đổi từ thực phẩm “cây nhà lá vườn”. Các mẹ, các chị chắt chiu từng thúng lúa đổ vào bồ, tăng thêm phần dự trữ thóc lúa quanh năm. Nhà nông mà có vài ba bồ lúa trong nhà thì yên cái bụng. Thức ăn hằng ngày là cá, cua đồng, rau quả trong vườn nhà đạm bạc vậy mà sức khoẻ dồi dào, sống lâu trăm tuổi.
Đó là những trưa, trời hong hanh nắng, trên đường làng có những mẹ, những chị gánh chè, bánh canh đi bán dạo, cất lên tiếng rao ngai ngái buồn. Người nhà quê không sẵn tiền, nhưng sẵn lúa thóc đầy bồ, xúc vài tô lúa đổi lấy chè đậu, bánh canh ngọt thanh và thơm tho mùi rau đắng. Có khi một nhóm người đổi lúa lấy chè, bánh canh ngồi ăn xì xụp dưới bóng cây trước nhà mát rượi, cười nói giòn rã, vui tươi, tô điểm cho làng quê không khí thanh bình, diễm tuyệt.
Đó là những gánh hàng rong với những mẹ, chị chân quê lặng lẽ đã và đang nuôi được hàng ngàn, hàng vạn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước. Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ đỗ đạt cao vì trong tâm trí họ luôn luôn nhớ đến hình ảnh của người mẹ, người chị của mình thức khuya dậy sớm với gánh hàng rong đè nặng đôi vai. Sự chịu đựng, hy sinh cao cả của người mẹ Việt Nam rất văn hóa Việt Nam khiến cho các nước trên thế giới ngưỡng mộ.
Đừng bao giờ xem thường những gánh hàng rong! Vì ở đó có những tấm lòng biết hy sinh vì người khác bằng sự chắt chiu “góp gió thành bão”. Chưa có ai kêu gọi các mẹ, các chị chân quê chống lãng phí, thế nhưng người phụ nữ làng quê Việt Nam là tấm gương sáng ngời của sự tiết kiệm để đầu tư nguồn chất xám cho con em vì tương lai của đất nước.
Mỗi lần tôi bắt gặp các mẹ, các chị gánh hàng rong, tôi lại nghĩ về trách nhiệm của con người trước gia đình và xã hội. Tôi nhớ đến người bác họ của tôi từ năm này sang năm khác với gánh bánh canh, bánh bò trên vai nuôi đàn cháu ngoại mồ côi ăn học thành tài. Những đồng tiền từ gánh hàng rong lấp lánh màu lương thiện và ấm áp tình người.
Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn bắt gặp các mẹ, các chị gánh hàng rong đi bán dạo, nhưng không nhiều như ngày trước vì quán xá càng ngày mọc lên càng nhiều. Hôm qua, thằng con tôi đi chơi quanh xóm chạy về nói nhỏ: “Mai ba đến quán mới mở cạnh nhà mình để uống cà phê, ăn sáng miễn phí, chỉ có ngày mai thôi ba ạ!”. Tôi phì cười, chợt nhớ đến những gánh hàng rong.