Du lịch trang phục - Nét thu hút của du lịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trang phục là một yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hoá độc đáo của đất nước. Bởi vậy, du lịch trang phục cũng được xem là một loại hình du lịch văn hoá thu hút du khách, thông qua các hoạt động như tham quan bảo tàng, tham gia các show diễn thời trang, lễ hội văn hoá…
Bảo tàng Áo dài Việt Nam ở quận 9, TP HCM.
Bảo tàng Áo dài Việt Nam ở quận 9, TP HCM.

Bảo tàng trang phục – nơi lưu giữ vẻ đẹp Việt

Khi đến TP HCM, chắc hẳn du khách đều có thể nghe tới Bảo tàng Áo dài Việt Nam, nằm tại quận 9, cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút chạy xe. Được biết, bảo tàng là ý tưởng và tâm huyết của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, mất tới 12 năm để lên ý tưởng, hoàn thiện và đi vào hoạt động. Trong không gian rộng 20.000 mét vuông tràn ngập màu xanh mát rượi của cỏ cây, hoa lá, là các công trình hồ, ao, vườn, thuỷ tạ nhân tạo, khu vực trưng bày, khu vực trải nghiệm, một nhà hát lớn được thiết kế một cách tinh tế. Có người đã từng mô tả không gian này là “nơi thời gian tưởng như đang ngưng đọng, để gìn giữ, chắt chiu hồn cốt dân tộc một cách đầy hoài cổ và duy mỹ”. Đây cũng là nơi lưu giữ hàng trăm bộ áo dài và hiện vật liên quan.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, trang phục áo dài cũng có những sự thay đổi nhất định để phù hợp với người mặc. Tại Bảo tàng Áo dài vẫn còn lưu giữ chiếc áo dài tứ thân, hiện vật được phục chế từ năm 1645. Đến khoảng những năm 1880 trở đi, áo dài năm thân bắt đầu xuất hiện. Thế kỷ 19 cũng là thời kỳ của Áo dài triều Nguyễn. Áo dài tân thời Lemur bắt đầu hình thành vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Một số hiện vật tại Bảo tàng Gucci (Italy).

Một số hiện vật tại Bảo tàng Gucci (Italy).

Trong Bảo tàng Áo dài còn giữ được hiện vật là một chiếc áo dài tân thời may từ năm 1942. Cùng với đó là chiếc áo dài hở cổ do Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân mặc năm 1958 đã gây chấn động xã hội thời bấy giờ, dù vậy chiếc áo dài cách tân ngày càng được ưa chuông hơn trong xã hội hiện đại. Còn chiếc áo dài tay Raclan mà phụ nữ Việt thường mặc bây giờ ra đời năm 1958, do ông Đỗ Thành ở Quảng Ngãi thực hiện.

Không chỉ có sự phát triển của áo dài trong suột bốn thế kỷ, tại Bảo tàng Áo dài còn giới thiệu nhiều loại áo dài đã có một thời kỳ được ưa chuộng và cả những chiếc áo dài của các dân tộc như: Áo dài Hippy; Áo dài vẽ; Áo dài thổ cẩm, Áo dài hội nhập quốc tế… Sự sáng tạo của các nghệ nhân, nhà thiết kế qua các thời kỳ đã góp phần tạo nên những câu chuyện và vẻ đẹp độc đáo của tà áo dài Việt, góp phần tôn lên nét đẹp mềm mại, nữ tính của người phụ nữ Việt Nam khi mặc áo dài.

Một điểm đến bảo tàng khác cũng lưu giữ vẻ đẹp áo dài Việt qua các thời kỳ nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội chính là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Được biết, các mẫu vật tà áo dài Việt Nam qua các thời kỳ được đặt tại khu vực Thời trang nữ ở tầng 4 của bảo tàng, kể lại quá trình ra đời, cách tân của tà áo dài. Mặc dù không đầy đủ như Bảo tàng Áo dài Việt Nam, nhưng nơi đây vẫn lưu giữ những hiện vật mang tính đặc trưng như áo tứ thân áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ, cho đến những chiếc áo dài cải cách, hiện đại sau này.

Ngoài áo dài, Bảo tàng còn trưng bày nhiều y phục của phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Nam; trang sức; phụ kiện; dụng cụ nhai trầu, nhuộm răng… Được biết, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có tới 25.000 mẫu vật nhằm thể hện các chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử và Thời trang nữ.

Thông thường các bảo tàng có chủ đề về các dân tộc, văn hoá, phong tục, truyền thống của các vùng miền đều có những hiện vật về trang phục truyền thống – một nét văn hoá gắn liền với cuộc sống của người dân. Một ví dụ khác là Bảo tàng Lâm Đồng – nơi lưu giữ nhiều hiện vật gốc qua các thời kỳ của 3 dân tộc bản địa (Mạ, Cơho và Churu), trong đó chủ yếu là trang phục của họ, nhằm mô tả lại những câu chuyện thú vị về cuộc sống của những dân tộc bản địa này cho du khách tham quan.

Trang phục dân tộc bản địa tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Trang phục dân tộc bản địa tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Đơn cử, với người Mạ, đàn ông thường để tóc dài búi sau gáy, ở trần, đóng khố; phụ nữ để tóc dài búi sau gáy, xưa họ thường ở trần mặc váy, đôi khi mặc áo chui đầu. Theo đó, khố đàn ông Mạ có nhiều loại khác nhau về kích thước và hoa văn trang trí, loại khố trang trọng có đính hạt cườm, tua dài. Trang phục người Cơho có những nét tương đồng với người Mạ, nam giới thường đóng khố, nhưng khố người Cơho có kích thước, hình dáng, màu sắc và hoa văn khác với khố của người Mạ. Váy của phụ nữ Cơho khác với phụ nữ Mạ là váy dệt trang trí hoa văn trên nền tối với hoa văn hình học màu đỏ, trắng, trang trí hình động vật… Bên cạnh đó, trang phục dân tộc Churu lại có sự giao thoa giữa dân tộc Cơho và dân tộc Chăm. Nam thường mặc áo dài màu đen, quấn váy trắng, có khăn đội đầu; nữ thường mặc áo sơ mi khoác một tấm choàng trắng, váy màu xanh đen và đeo các trang sức rất đặc trưng.

Bộ sưu tập trang phục các dân tộc bản địa nguyên gốc tại Bảo tàng Lâm Đồng chứa đựng nhiều giá trị về văn hoá, khoa học, nghiên cứu về đặc trưng văn hoá các dân tộc bản địa Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung. Hơn thế nữa, những câu chuyện độc đáo tại đây có thể đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi được khám phá những nét văn hoá độc đáo bản địa trên chuyến hành trình của mình.

“Lăng kính” lễ hội và các show diễn thời trang

Có thể nói, di sản văn hoá luôn là một nguồn cảm hứng bất tận đối với các nhà thiết kế thời trang. Có thể kể tới một trong những sự kiện biểu diễn thời trang lớn nhất trong năm 2022 là Chương trình Aquafina Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Thu Đông 2022 với chủ đề “Cảm hứng di sản”. Sự kiện đã thu hút rất nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trong nước, quốc tế và khách tham dự, góp phần đưa thời trang nước nhà vươn tầm thế giới và làm cầu nối đưa xu hướng thời trang thế giới về Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng có thể nói tới series thời trang “VC fashion show - Bước chân di sản” được tổ chức tại nhiều điểm du lịch, di sản nổi tiếng của Việt Nam nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị điểm đến của nhiều địa phương, mà điểm đến đầu tiên là tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt - Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Sau đó, show thời trang dự kiến tiếp tục được thực hiện tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Ninh Bình, Mù Cang Chải (Yên Bái), Nhà thờ đổ (Nam Định)…Trước đây, show diễn thời trang thổ cẩm giữa rừng thông tại Đắk Nông, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần II năm 2020, cũng đã đem đến nhiều ấn tượng khó phai với người tham dự.

Có thể thấy, ngày càng nhiều nhà thiết kế khai thác các chất liệu văn hóa, di sản của từng địa phương trong các bộ trang phục, mẫu thiết kế mới, để tạo nên những sản phẩm mang bản sắc cá nhân của chính họ ở trong nước và quốc tế. Ở một khía cạnh khác, những buổi trình diễn thời trang còn góp phần tôn vinh những đặc trưng của từng điểm đến, thu hút du khách tới tham dự, trải nghiệm văn hoá, thưởng thức nghệ thuật.

Trưng bày Thời trang nữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội.

Trưng bày Thời trang nữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội.

Trang phục dân tộc sẽ còn đồng hành với con người lâu dài và trở thành một tổng thể không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một đi sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Chính vì vậy, việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc là vô cùng cần thiết. Không chỉ ở Việt Nam, mà các dân tộc các quốc gia khác cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn trang phục của họ, bởi đây chính là bản sắc dân tộc, là linh hồn, cốt cách của các dân tộc thể hiện qua bộ trang phục truyền thống.

Trên thế giới có thể kể tới những bảo tàng thời trang nổi tiếng thu hút hàng ngàn, hàng triệu du khách mỗi năm, ví như Bảo tàng Fondation Pierre Bergé-Yves Saint Laurent (Pháp), Bảo tàng mỹ thuật và ren (Pháp), Bảo tàng Gucci (Italy), Bảo tàng Túi và Ví (Amsterdam), Bảo tàng Victoria and Albert (Anh)…. Từ thực tế các quốc gia, nếu thực hiện công tác bảo tồn trang phục truyền thống hiệu quả thì những nỗ lực này có thể hình thành nên một mô hình du lịch hút khách độc đáo liên quan đến trang phục.

Đọc thêm