Số liệu khó chính xác vì mỗi cơ quan thống kê một kiểu…
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, thì Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy. TNGT được ngành Công an thống kê theo các chỉ tiêu: số vụ, số người chết, số người bị thương, thiệt hại tài sản với các mức độ va chạm giao thông, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện; số vụ, số bị can khởi tố do vi phạm trật tự ATGT...
Trong khi đó, Bộ Y tế có các quy định về thống kê tai nạn thương tích, số liệu cấp cứu... Theo đó, TNGT được thống kê chung với các loại tai nạn thương tích khác như: Tai nạn lao động, bỏng, ngộ độc, ngã, tự tử, súc vật cắn, đuối nước… Một số chỉ tiêu được thống kê, gồm: nơi xảy ra tai nạn, nghề nghiệp, phân loại chấn thương, thông tin về sử dụng mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, tình trạng thương tích, kết quả xử lý...
Từ năm 1990, Bộ Quốc phòng đã có văn bản quy định về công tác thống kê, báo cáo tình hình trật tự ATGT trong toàn quân từ cấp Tiểu đoàn trở lên đến cơ quan Bộ đối với các tai nạn do quân nhân điều khiển, TNGT liên quan đến phương tiện cơ giới của Bộ Quốc phòng.
Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải, trong đó quy định việc thống kê số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương do TNGT được tổng hợp từ nguồn của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Trong khi đó, theo quy định của Tổng cục Thống kê, trước năm 2012, số liệu TNGT trong báo cáo của Tổng cục Thống kê được tổng hợp từ báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia. Đến năm 2012, thực hiện Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê Quốc gia, số liệu TNGT thống kê theo Nhóm chỉ tiêu “Trật tự, an toàn xã hội và Tư pháp”, và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, cung cấp số liệu TNGT là Bộ Công an.
Còn Ủy ban ATGT Quốc gia, từ năm 1998 lấy số liệu TNGT từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt, Cục Cảnh sát Đường thủy, Cục Hàng hải, Cục Hàng không. Từ năm 2001, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia lấy thêm nguồn số liệu TNGT từ Ban ATGT tỉnh/thành phố để theo dõi, đánh giá, chủ động phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ủy ban. Ban ATGT tỉnh/thành phố lấy số liệu từ phòng CSGT tỉnh/thành phố...
Những quy định khác nhau giữa các bộ, ngành nêu trên dẫn đến những khái niệm, chỉ tiêu, tiêu chí thống kê TNGT cũng khác nhau, do đó số liệu thống kê còn khác nhau. Việc chia sẻ thông tin dữ liệu TNGT chưa có quy định cụ thể, thống nhất giữa các bộ, ngành có liên quan.
Đề xuất xây dựng nghị định về thu thập và chia sẻ cơ sở dữ liệu TNGT
Theo Bộ Công an, để cơ chế chia sẻ thông tin TNGT cũng như việc thu thập dữ liệu có hiệu quả cần có những quy định pháp lý cụ thể. Do đó, Bộ này đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu về TNGT. Theo đó, thống nhất về các tiêu chí TNGT và mẫu thu thập thông tin, dữ liệu TNGT.
Hiện nay, việc theo dõi, giải quyết TNGT có liên quan đến các ngành Công an, Quân đội, Giao thông vận tải, Y tế. Vì thế cần thiết phải có biểu mẫu báo cáo thống nhất giữa các bộ, ngành và từ Trung ương đến địa phương. Trên cơ sở đó xây dựng phần mềm ứng dụng dùng chung cho công tác báo cáo về TNGT theo từng lĩnh vực cụ thể (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa) và sử dụng mạng internet để truyền dẫn, trao đổi và kết nối thông tin. Trong đó việc thu thập, phân tích dữ liệu vụ TNGT được giao cho Bộ Công an làm đầu mối để xử lý và cung cấp cho Ủy ban ATGT quốc gia và Tổng cục Thống kê báo cáo Chính phủ theo đúng Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Bộ Công an cũng đưa ra đề xuất mô hình luồng thu thập dữ liệu thông tin TNGT của ngành Công an, CSGT và các luồng thông tin chia sẻ dữ liệu giữa bên CSGT và các đơn vị là thành viên của Uỷ ban ATGT Quốc gia. Mô hình này được mô tả như sau: Thông tin vụ TNGT được đưa về Phòng CSGT hoặc Cảnh sát đường thủy và Phòng Tham mưu Công an các tỉnh/thành phố, Cảnh sát điều tra và các cơ sở y tế khi có trường hợp cấp cứu.
Phòng CSGT tổng hợp báo cáo Cục CSGT theo hệ nghiệp vụ; Văn phòng Bộ Công an là đầu mối thu nhận báo cáo và cung cấp cho Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, đồng thời báo cáo lãnh đạo Bộ để cung cấp số liệu cho Tổng cục Thống kê. Ủy ban ATGT quốc gia tiếp nhận, xử lý số liệu TNGT từ Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia để báo cáo Chính phủ. Việc chia sẻ, khai thác thông tin TNGT của các bộ, ngành được thực hiện trực tiếp với Ủy ban ATGT quốc gia...