Dù lượn mạo hiểm chinh phục bầu trời

(PLO) - Dù lượn (paragliding) trở nên sôi động ở Việt Nam vào dịp đầu thu khi tiết trời trong xanh và khí trời mát mẻ. Vì dễ bị cuốn hút bởi sự mạo hiểm nên khi tham gia bộ môn thể thao này, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và chế độ tập luyện nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chính mình.
Dù lượn mạo hiểm chinh phục bầu trời
Du ngoạn trên bầu trời
Du nhập vào Việt Nam từ năm 1994 ở Đà Lạt và đối với Việt Nam, mùa thu là thời điểm thích hợp nhất cho những phi công thực hiện hành trình khám phá. Bởi lẽ, vào thời điểm này, tiết trời mát mẻ, bầu trời trong xanh, không bị che mất tầm nhìn, an toàn cho những chuyến du ngoạn trên không.
Với địa hình đồi núi phía Bắc, chọn nơi có chiều gió thuận lợi cho việc cất cánh và có khoảng không rộng cho điểm hạ cánh là tương đối khó. Chỉ những huấn luyện viên, những chuyên gia bộ môn dù lượn của Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc mới có thể chọn và đưa ra quyết định bay, ngoài ra tất cả các phi công (người chơi dù lượn) không được tự ý chỉ định điểm bay và dạy bay theo phương pháp truyền miệng, truyền kinh nghiệm như các môn thể thao phong trào khác ở Việt Nam. 
Và Hòa Bình là một trong những địa điểm lý tưởng để thử sức với bộ môn này. Tại đây, vào mùa này, đang tiếp nhận khá nhiều các phi công cũng như những du khách đổ về để chinh phục dù lượn đồng thời chiêm ngưỡng những ruộng lúa vàng đang vào mùa gặt. Và sẽ thú vị hơn nếu như được ngắm nhìn không gian của Mường Vàng từ độ cao hàng trăm cho tới hàng nghìn mét. 
“Khi cất cánh cho tới lúc hạ dù, tôi nghe rõ tiếng gió vù vù bên tai, xuống mặt đất đôi chân vẫn còn cảm giác lơ lửng như khi ở trên khoảng không xanh bát ngát của màu núi, màu vàng của lúa, màu xanh của cây cỏ. Mọi thứ thật sự tuyệt đẹp”- cảm xúc của thành viên Hồng Phong sau lần đầu tiên thực hiện thành công chuyến bay của mình
Gần đây, những hình ảnh về ruộng bậc thang nhuộm màu vàng óng ả, những chia sẻ thích thú, tự hào khi được ngắm nhìn cảnh vật đất nước ở vị thế đẹp nhất và bao quát nhất mà chỉ có những người chơi dù lượn mới cảm nhận được đã kích thích niềm đam mê của giới trẻ về bộ môn thể thao mạo hiểm này. Và ngay sau đó đã có rất nhiều bạn trẻ tìm đến các câu lạc bộ dù lượn ở hai miền Nam, Bắc để theo học cũng như nghiên cứu về dù lượn với mong muốn một ngày được thỏa thích bay lượn trên bầu trời. 
Anh Linh, một thành viên của câu lạc bộ dù lượn Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm bay của mình sau gần 5 năm tham gia vào Saigon Flying Club: “Dù lượn là một môn thể thao mang rất nhiều yếu tố mạo hiểm. Việc chơi dù lượn có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và bản thân người phi công điều khiển. Vì vậy, trong khi tập luyện và chơi đòi hỏi người chơi phải tập trung, nghiêm túc, nắm vững mọi kỹ thuật và tâm lý vững vàng để đối phó với những bất ngờ xảy đến trên không”.
Lời khuyên cho những “chuyến bay”
Trước khi bay nên cùng huấn luyện viên hoặc những người có chuyên môn kiểm tra toàn bộ các thiết bị có liên quan để chắc chắn rằng những thiết bị ấy sẽ hỗ trợ tốt trong quá trình bay. Chỉ một chiếc quai mũ bảo hiểm bị lỏng, một dây dù bị sờn… đều có thể là nguyên nhân gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Tốc độ gió và thời tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và an toàn của buổi bay. Hầu hết vòm dù được thiết kế có tốc độ cao nhất là 40 km/h, nên nếu tốc độ gió đạt khoảng 30 km/h, người mới chơi nên thu dù đợi đến ngày khác thời tiết thuận lợi hơn. Ở địa hình đồi núi, tốc độ gió còn ảnh hưởng đến độ an toàn hơn gấp nhiều lần và việc phải đối mặt với những bất trắc, rủi ro sẽ cao hơn. 
Anh Đỗ Duy Quý, giáo viên của Câu lạc bộ hàng không phía Nam cho biết: “Người chơi dù lượn cũng có những yêu cầu khắt khe về sức khỏe, như giới hạn về cân nặng dưới 100kg, không mắc chứng viêm khớp, bệnh tim mạch, cao huyết áp, không tiền sử nhồi máu cơ tim cũng như có sức khỏe tốt để mang vác dù, chạy đà, leo dốc”.
Ở mặt đất có thể hỏi đường, thăm dò và lựa chọn đường đi, nhưng khi đã ở trên bầu trời, sẽ chỉ có một mình để phán đoán. Vì vậy, nếu bay ở điểm chưa từng bay qua, cần nghiên cứu kỹ thông tin và nắm chắc về điểm bay này. Đồng thời, cần trao đổi với những người am hiểu tường tận địa hình khu vực, những người đã có kinh nghiệm bay trước đó để nắm rõ những mối nguy tiềm tàng và những gì cần phải để mắt tới. Điều nên làm là hãy nói cho họ biết trình độ bay và kinh nghiệm của bản thân để có những thông tin và lời khuyên quý giá.
Nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu, lường trước những rủi ro có thể xảy ra với bản thân và biết tự lượng sức mình là vô cùng quan trọng. Vì trình độ bay của mỗi người là không giống nhau nên không cố gắng thực hiện các động tác cơ động phức tạp chỉ vì nhìn thấy người khác làm được một cách dễ dàng, khi  chưa được huấn luyện thành thục và tự tin vào khả năng của mình. 
Bên cạnh đó, thao tác kiểm tra an toàn trước khi bay cũng hết sức quan trọng. Dây dù cần được kiểm tra về tình trạng hao mòn, chùng hay giãn. Đối với vòm dù, thông thường khoảng sau 2 năm, phải đem vòm dù đi kiểm tra mức độ thẩm thấu khí của vải dù, đo độ sờn của các dây dù... Tuổi thọ của vòm dù phụ thuộc vào số giờ bay. Thông thường sau khoảng 250 - 300 giờ phơi nắng, vải dù sẽ nhũn và để không khí lọt qua nhiều hơn, nên khó cất cánh hơn và kém an toàn hơn. Sau thời gian này nên thay dù mới để đảm bảo an toàn.
Chi phí “chát” cho cuộc chơi
Là bộ môn phát triển theo hướng xã hội hóa, dù lượn là môn thể thao không chỉ kén người học vì những yêu cầu khắt khe về sức khỏe, lòng đam mê mà còn về khả năng kinh tế. Nếu nhảy dù thường diễn ra rất nhanh, chỉ kéo dài tối đa 3 phút, thì dù lượn cho phép người chơi tận hưởng cảm giác bay dài hơn, từ 15-30 phút một lần, và có thể được bay nhiều lần trong một ngày.
Giá cho một khóa học dù lượn từ cơ bản đến nâng cao kéo dài từ 2-5 tháng, với học phí dao động từ 7,5 đến 15 triệu đồng/người. Mỗi đợt thực hành bay lại bằng thiết bị của câu lạc bộ, người học phải đóng 500.000 đồng phí bay để tham gia luyện tập cùng với nhóm. 
Thời gian đầu làm quen, học viên được sử dụng dù lượn của câu lạc bộ, nhưng với những người đam mê, một vài lần được sử dụng dù lượn theo chương trình học thường không đủ. Và nhiều người sẵn sàng chi hàng chục, thậm chí cả trăm triệu để thỏa mãn thú vui này.
Để hỗ trợ an toàn, bộ dụng cụ tiêu chuẩn cho môn thể thao này bao gồm vòm dù, đai ngồi, dù phụ, bộ đàm, máy định vị GPS, mũ bảo hiểm, giày cao cổ, quần áo bảo hộ... Một chiếc vòm dù tiêu chuẩn châu Âu có giá dao động từ 1.200 Euro đến 3.700 Euro, tương đương từ 35 triệu đồng đến hơn 98 triệu đồng, lựa chọn tùy theo trọng lượng của phi công và trọng lượng tổng khi bay. Các thiết bị khác như dù phụ, đai ngồi, bộ đàm... có giá dao động từ 1,2 triệu đồng đến hơn 15 triệu đồng: 
“Tuy khá đắt nhưng thời hạn sử dụng của các loại lại rất ngắn. Thông thường, sau 2 năm sử dụng hoặc 300 giờ phơi nắng, vòm dù phải được kiểm định và sửa chữa để đảm bảo kết cấu khi bay cũng như độ an toàn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dịch vụ kiểm định không có nên hầu hết dân chơi dù đều phải thay mới các thiết bị này”, anh Nguyễn Minh Hải, một thành viên Câu lạc bộ dù Hà Nội cho biết.
Quả thật, để đến được với bộ môn thể thao mạo hiểm này thật sự “khó” ở rất nhiều bề. Tuy nhiên, đã là đam mê thì hãy cứ theo đuổi, để một ngày có thể thỏa thích bay lượn trên bầu trời xanh và ngắm nhìn giang sơn gấm vóc, để thêm yêu và tự hào về non nước Việt Nam.