Dự thảo '20 ngành nghề độc quyền' bị 'phản đối' , Bộ Công thương nói gì?

Trước những ý kiến trái chiều của các chuyên gia về dự thảo Nghị định hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại, Bộ Công thương - cơ quan soạn thảo Nghị định chính thức có phản hồi...
Dự thảo '20 ngành nghề độc quyền' bị 'phản đối' , Bộ Công thương nói gì?

Theo dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương công bố, sẽ có 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền (danh mục ngành nghề đăng kèm cuối bài).

Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo nghị định được xây dựng nhằm mục đích cụ thể hóa quy định tại Luật Thương mại năm 2015. Việc quy định các nội dung này tại dự thảo Nghị định sẽ khắc phục các khoảng trống pháp lý mà các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến độc quyền Nhà nước đã được ban hành trước đó chưa thể hiện được. Qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất và đầy đủ của hệ thống pháp luật về độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại; tăng cường uy tín của Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho thực hiện bảo lưu quyền khi thực hiện các cam kết quốc tế mở cửa thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế...

Bộ Công Thương cũng khẳng định rằng, dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành và các cơ quan quản lý địa phương cũng như hiệp hội các doanh nghiệp, về cơ bản đã được các bộ ngành nhất trí...

Dự thảo Nghị định vừa được công bố, các chuyên gia kinh tế đã có những ý kiến "trái chiều".

TS Trần Du Lịch, nguyên ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng nếu dựa trên căn cứ pháp lý, việc xây dựng dự thảo nghị định độc quyền nhà nước mà Bộ Công thương đưa ra đã đi ngược lại Hiến pháp năm 2013 và Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp năm 2014.

Theo ông Lịch, Hiến pháp năm 2013 quy định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực luật không cấm.

Về nguyên tắc chỉ có quy định của luật mới được đặt ra quy định “cấm”, chứ không phải các văn bản dưới luật như nghị định đang được Bộ Công thương đưa ra trình lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp đã đưa ra nguyên tắc không phân biệt các thành phần kinh tế, bình đẳng trong mọi hoạt động kinh doanh.

Trong trường hợp các lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến an ninh quốc gia, sức khỏe người dân, trật tự an toàn xã hội... đã được Luật đầu tư quy định khá rõ các điều khoản, lĩnh vực không được làm, thuộc danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

TS Trần Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cũng cho rằng việc đưa ra dự thảo nghị định này là không hợp lý, trái Hiến pháp, đi ngược lại xu thế hiện nay.

Dẫn chứng từ lĩnh vực mà chính doanh nghiệp trên quan tâm, ông Cung cho rằng tới đây toàn bộ khu vực dịch vụ công sẽ được cải cách theo hướng tự do hóa, tức các đơn vị này sẽ được tự chủ, mở cửa và cho sự tham gia của tư nhân. “Do đó, quy định này sẽ khiến khu vực tư nhân bất an” - TS Cung cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cùng quan điểm. Theo bà Phạm Chi Lan, dự thảo trên sẽ “trói” tinh thần cải cách mà Chính phủ đang thúc đẩy về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân làm động lực.

"Trong bối cảnh kinh tế của nước ta hiện nay, những điều chưa thực sự đúng với tính thần cải cách thì nên loại bỏ", bà Lan nói.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhận định, những ngành như nhập khẩu xì gà, quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch... có thể mở rộng cho các doanh nghiệp tư nhân làm.

“Luật Doanh nghiệp đã quy định 7 ngành nghề cấm kinh doanh. Nghĩa là doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề còn lại. Với một số ngành nhà nước cần giữ độc quyền, có thể sử dụng hình thức điều kiện kinh doanh, chứ không cần có văn bản như vậy”, ông Đức bình luận.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, quy định của Luật Thương mại nêu trên cần phải được xem lại vì không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Khác với Điều 21, Hiến pháp năm 1980 quy định “Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài”, Hiến pháp năm 1992 và 2013 không còn bất kỳ quy định nào về việc độc quyền Nhà nước...

Trước những ý kiến trái chiều trên, Bộ Công Thương vừa chính thức có phản hồi. Theo đó, về sự cần thiết của Dự thảo, Bộ này cho biết, Khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 quy định "Nhà nước thực hiện độc quyền nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia", đồng thời giao "Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước".

Việc ban hành Danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát công khai việc thực hiện độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực được liệt kê.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, Dự thảo nghị định và Danh mục được xây dựng với quan điểm chủ đạo là không mở rộng và không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền nhà nước đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để xác định các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được quy định tại Danh mục. Dự thảo đã được gửi để lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có liên quan; đồng thời được đăng tải để lấy ý kiến và đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Tại thời điểm trình Chính phủ vào tháng 12/2015, Danh mục dự kiến bao gồm 19 loại hàng hóa, dịch vụ và chi tiết hoạt động thương mại cần áp dụng độc quyền nhà nước. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là "xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng", nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ tại Danh mục lên thành 20.

"Toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại Danh mục đều là các loại hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng độc quyền nhà nước, phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định là giới hạn phạm vi thực hiện độc quyền nhà nước chỉ trong các lĩnh vực, địa bàn thiết yếu mà Nhà nước cần phải giữ độc quyền liên quan đến an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn hay không có khả năng tham gia", văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ.

Bộ Công Thương cho biết thêm, độc quyền nhà nước đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Danh mục không phải được thực hiện đối với tất cả các hoạt động thương mại có liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đó mà chỉ giới hạn trong một hoặc một số hoạt động thương mại cụ thể, phù hợp với chủ trương giới hạn phạm vi độc quyền nhà nước và các quy định của pháp luật hiện hành.

Danh mục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định có thể được điều chỉnh giảm khi Luật và Pháp lệnh có liên quan cho phép bãi bỏ lĩnh vực độc quyền nhà nước. Ngoài ra, theo trình tự luật định, Danh mục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định cũng có thể được điều chỉnh giảm khi có đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh hoặc khi có đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực độc quyền nhà nước quy định Danh mục.

Dự thảo Danh mục 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết)

2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

3. Sản xuất vàng miếng

4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng

5. Phát hành xổ số kiến thiết

6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)

7. Hoạt động dự trữ quốc gia

8. In, đúc tiền

9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam

10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan

11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân

12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng

13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải

14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn

15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư

16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch

17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế)

18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành)

19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng

20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

Đọc thêm