Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Sửa thế nào để kéo dài “tuổi thọ” của luật

(PLO) - Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vào sáng qua (13/11), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Sửa đổi lần này phải quán triệt được hết mọi vấn đề của xã hội, của từng người dân, không để vài năm lại sửa và để Bộ luật Dân sự cùng các luật khác bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân”.
Không để tài sản thuộc sở hữu toàn dân... thành “vô chủ”
Về hình thức sở hữu, Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 gồm 3 hình thức sở hữu là sở hữu chung, sở hữu riêng và sở hữu toàn dân. Phương án 2 quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Trong đó, sở hữu toàn dân là sở hữu đối với tài sản công, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý. Sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản.
Một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, chỉ cần chia thành 2 loại hình thức là sở hữu chung và sở hữu riêng, vì về hình thức, sở hữu toàn dân cũng là một loại sở hữu chung trên qui mô lớn, đối với những tài sản có giá trị đối với sự tồn tại và phát triển ổn định của quốc gia như ý kiến của ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương). 
Nhưng nhiều ĐBQH bày tỏ tán thành có 3 loại sở hữu, vì như ĐB Hà Công Long (Gia Lai) thì: “Sở hữu toàn dân là loại hình sở hữu rất đặc thù của nước ta, không thể coi đó cũng như sở hữu chung được, sẽ gây nhầm lẫn”. 
Tuy nhiên, vấn đề khiến ĐB băn khoăn là việc xác định hình thức “sở hữu toàn dân” cần cụ thể hơn, “nếu không, những tài sản thuộc sở hữu toàn dân sẽ thành tài sản “vô chủ” vì không xác định chủ thể cụ thể chịu trách nhiệm”. 
Do đó, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) kiến nghị phải làm rõ về hình thức “sở hữu toàn dân”, nhất là làm rõ “ai sẽ thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân?”, không để tình trạng như lâu nay, tài sản nào của toàn dân hóa ra lại không có ai quản, bị khai thác, chiếm dụng bừa bãi.
Liên quan đến vấn đề sở hữu, ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên) nêu ý kiến, thời điểm chuyển quyền sở hữu được xác lập ngay sau khi hoàn thành giao dịch dân sự nhưng Dự thảo Luật qui định phải đăng ký tài sản thì mới được bảo hộ quyền sở hữu là không thuận với nguyên tắc “mọi quyền dân sự đều được bảo hộ” ngay trong Bộ luật Dân sự (BLDS). 
Thậm chí, ĐB Hà Công Long (Gia Lai) phân tích, trong thực tiễn có nhiều lý do khiến nhiều tài sản không được đăng ký quyền sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển quyền sở hữu nên qui định như Dự thảo sẽ rất khó giải quyết tranh chấp trong thực tế vì không có giấy tờ.
Sau 30 năm không yêu cầu sẽ mất quyền chia thừa kế
Nhiều ĐBQH tán thành qui định về thời hiệu trong Dự thảo. Theo đó, để tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm kịp thời, nâng cao trách nhiệm của Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền khác trong tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, sự ổn định của các quan hệ dân sự và để phù hợp hơn với bản chất pháp lý của thời hiệu, Dự thảo quy định về thời hiệu theo nguyên tắc: cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án, trọng tài giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định, hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu của cá nhân, pháp nhân như quy định hiện hành, tòa án hoặc trọng tài vẫn thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Người được hưởng quyền dân sự có quyền từ chối việc hưởng quyền, người được miễn trừ nghĩa vụ dân sự có quyền từ chối việc miễn trừ nghĩa vụ, trừ trường hợp việc từ chối đó có mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội.
Đồng thời, ĐBQH cũng đề nghị xem xét qui định về thời hiệu thừa kế cho phù hợp, tránh để kiện tụng liên miên, gây bất ổn định cho quyền tài sản của người sử dụng tài sản thừa kế. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ĐB tỉnh Quảng Nam) lưu ý, quyền thừa kế là vấn đề phức tạp trong cuộc sống nên phải xem xét thời hiệu khởi kiện thừa kế. 
Để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong BLDS hiện hành, phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản, Dự thảo Bộ luật quy định thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. 
“Có người nói “thà sai lầm trong 1/4 thế kỷ còn hơn là sai lầm hàng nhiều thế kỷ nữa” nên tham vọng đối với lần sửa đổi này là tiếp cận gần nhất với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và đừng để Bộ luật lớn như thế này mà cứ 10 năm phải sửa một lần. 
Trong Bộ luật này qui định rất rắn về thời điểm đăng ký chuyển quyền sở hữu, từ đó vướng víu rất nhiều luật cụ thể. Hiện nay chỉ nên đặt ra việc chuyển quyền sở hữu có tính chất đối kháng, nghĩa là một người không thể định đoạt được tài sản nếu chưa được chuyển đăng ký sở hữu trên giấy tờ. Chỗ này liên quan chặt chẽ đến rủi ro vì thời điểm chuyển quyền sở hữu cũng đồng thời là thời điểm chuyển rủi ro. 
Qui định về tập quán không phải là qui định mới. Đã gọi là việc dân sự thì tập quán nhiều lắm. BLDS hiện hành đã qui định về tập quán, tương tự rồi nhưng không lý giải tập quán là gì nên Tòa án cũng chưa giải quyết việc gì liên quan đến tập quán. Lần này, Dự thảo qui định rõ về tập quán, nhưng là tập quán trong kinh doanh, thương mại là chính” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Đọc thêm